Đến năm 2025 bảo tồn và phát triển 15 làng nghề
Điểm giới thiệu bán sản phẩm làng nghề tại ấp Mũi, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau. |
Theo kế hoạch về việc thực hiện Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề, giai đoạn 2023 – 2030, do ông Lê Văn Sử - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau ký, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được giao chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương, đơn vị có liên quan tổ chức triển khai thực hiện. Trong đó, mục tiêu bảo tồn và phát triển làng nghề tỉnh Cà Mau đến năm 2025 là khôi phục, bảo tồn và phát triển 15 làng nghề (bao gồm các làng nghề gắn với du lịch trên địa bàn tỉnh).
Đến năm 2030, tỉnh tiếp tục duy trì, bảo tồn các làng nghề đã có, khôi phục và phát triển 8 làng nghề trên địa bàn. Đồng thời, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo và thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức, cá nhân và xã hội về vai trò và tầm quan trọng của việc bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề trong phát triển kinh tế - xã hội.
Nhiều nhiệm vụ giải pháp thực hiện Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề, giai đoạn 2023 – 2030 cũng được nêu ra: Quy hoạch, phát triển vùng nguyên liệu, hạ tầng phục vụ làng nghề. Thành lập các cụm công nghiệp làng nghề theo quy hoạch, thu hút đầu tư hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp làng nghề hoàn chỉnh, từng bước di dời các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, cơ sở sản xuất hộ gia đình, cá nhân trong làng nghề, nhằm khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, phát triển nghề, làng nghề ở địa phương.
Đũa đước rừng ngập mặn Đất Mũi là một trong những sản phẩm làng nghề được giới thiệu, bày bán cho du khách khi đến tham quan tại Ban Quản lý Khu du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau. |
Đồng thời, phát huy vai trò của nghệ nhân, thợ giỏi và đào tạo nâng cao năng lực nghệ nhân, thợ giỏi và nguồn nhân lực phục vụ phát triển làng nghề. Duy trì và phát triển đội ngũ nghệ nhân, thợ giỏi hỗ trợ hướng dẫn đăng ký phong tặng, tôn vinh các danh hiệu thợ giỏi, nghệ nhân, nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân nhân dân. Kết hợp đào tạo, nâng cao năng lực của các nghệ nhân, người lao động, nhằm bảo tồn, phát triển kỹ năng nghề truyền thống, sáng tạo thêm nhiều sản phẩm, tác phẩm mới có giá trị.
Xây dựng các tuyến, điểm du lịch gắn với làng nghề
Cũng theo Kế hoạch, tỉnh Cà Mau tập trung xây dựng các tuyến, điểm du lịch gắn với làng nghề trong vùng và cấp tỉnh, tổ chức các hoạt động du lịch, tham quan, giáo dục, trải nghiệm nghề và làng nghề. Tập trung đầu tư phát triển 1 - 2 sản phẩm du lịch đặc thù của địa phương gắn với phát triển du lịch sao cho phù hợp với nhu cầu của du khách khi đến tham quan, mua sắm.
Du khách rất thích thú tận mắt thấy bà Huỳnh Thị Dưỡng làm bánh phồng ghẹ. |
Bà Huỳnh Thị Dưỡng (khu Hợp tác xã Làng nghề Mũi Cà Mau, ở Ấp Mũi, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển) chia sẻ, hơn 10 năm qua, gia đình làm sản phẩm tôm khô cung cấp ra thị trường, đồng thời phát triển thêm sản phẩm bánh phồng ghẹ, bánh phồng tôm, các loại khô như: cá lưỡi trâu, cá lù đù, cá nục, cá chỉ vàng, cá dứa… Trong đó, bánh phồng ghẹ là đặc sản của cơ sở gia đình gần 5 năm nay. "Sản phẩm bán ra được nhiều người dân và khách du lịch khen ngon. Mong muốn tỉnh tạo điều kiện để sản phẩm được nhiều người, nhiều nơi biết đến và thưởng thức", bà Dương bày tỏ.
Ông Nguyễn Hoàng Phương – Giám đốc Hợp tác xã Làng nghề Mũi Cà Mau, cho biết, Hợp tác xã làng nghề đã đưa ra những mục tiêu cụ thể để phục hồi, tôn tạo các di tích liên quan đến giá trị văn hóa nghề, làng nghề truyền thống. Riêng đối với các nghề, làng nghề đang hoạt động hiệu quả nhưng chưa được công nhận sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các hộ dân chú trọng nâng cao chất lượng, đa dạng mẫu mã sản phẩm, phù hợp với nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng. "Cùng với đó, trong quá trình tạo sản phẩm cần được hỗ trợ đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại, mở rộng sản xuất phát triển sản phẩm, tạo liên kết tiêu thụ sản phẩm ra thị trường theo hướng bền vững”, Giám đốc Hợp tác xã Làng nghề Mũi Cà Mau nói.
Nghề "Muối ba khía" được công nhận là "Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia" thì ba khía muối Rạch Gốc (huyện Ngọc Hiển) càng được nhiều người biết đến hơn. |
Nghề "Muối ba khía" được công nhận là "Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia" thì ba khía muối Rạch Gốc (huyện Ngọc Hiển) càng được nhiều người biết đến.
Để nhằm phát triển thêm các làng nghề như mô hình hoạt động của HTX Làng nghề Mũi Cà Mau, Cà Mau thực hiện hỗ trợ các chủ thể sản xuất tại các làng nghề tham gia Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm OCOP”, mở rộng thị trường. Mặt khác, tỉnh tiếp tục hướng dẫn các cơ sở làm nghề thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng, quảng bá thương hiệu thông qua Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia và của tỉnh.
Thời gian tới, tỉnh Cà Mau ưu tiên kết hợp trưng bày, đưa sản phẩm làng nghề vào các sự kiện Lễ, Hội lớn, quan trọng của tỉnh và địa phương, khuyến khích sử dụng sản phẩm của làng nghề làm quà tặng lưu niệm. Đặc biệt, Cà Mau còn ưu tiên mời tham gia các Hội chợ, triển lãm, Hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam, Hội nghị giao thương, kết nối cung cầu nhằm giới thiệu, quảng bá thương hiệu giúp mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Vùng đất Cà Mau có vị trí địa lý đặc biệt, với sự kết hợp hài hòa của biển, rừng, cùng sự đan xen giữa các hệ sinh thái mặn, ngọt và lợ tạo nên sự phong phú, đa dạng về sản vật, qua đó góp phần thúc đẩy sự hình thành các làng nghề truyền thống. Kết hợp điều kiện và tiềm năng sẵn có của địa phương, đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường trong sản xuất như: cá sơn rim nước mắm, sản phẩm dưa bồn bồn, chế biến tôm khô, nuôi tôm siêu thâm canh, sản xuất ba khía, bánh phồng tôm, các sản phẩm từ cua kết hợp với du lịch. Các sản phẩm thuộc chương trình kết nối cộng đồng đan lát, xuất khẩu cỏ năn tượng, đan móc và sản phẩm từ len, sợi, bồn bồn, túi xách, túi đựng rác, tái hiện nghề truyền thống phát triển du lịch cộng đồng Đất Mũi.
Nghề muối ba khía từ lâu đã trở thành làng nghề truyền thống từ bao đời nay của người dân Cà Mau, phản ánh một phần công cuộc chinh phục thiên nhiên, tạo dựng cuộc sống của nhiều thế hệ nối tiếp nhau ở vùng đất cực Nam của Tổ quốc. Đây còn là tri thức dân gian trong ẩm thực, từ cách làm sạch nguyên liệu, công thức muối cho đến kinh nghiệm chế biến món ăn.
Hiện nay, nghề muối ba khía tập trung nhiều tại các huyện: Ngọc Hiển, Năm Căn, Đầm Dơi… Nổi tiếng nhất vẫn là làng nghề làm ba khía Rạch Gốc (huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau).