Dấu hỏi đằng sau những cái chết trẻ
Một đôi nam nữ bị gia đình cấm cản, không đến được với nhau, đã quyết định cùng nhau tìm cái chết, bằng cách rủ nhau vào khách sạn, treo cổ tự sát. Họ đã chọn một cái chết rất thương tâm, để lại một vết thương tàn khốc trong lòng những người ở lại.
Một chàng trai bị bạn gái đã yêu thương nhiều năm bỏ rơi, sau khi tìm đủ cách để van xin tình yêu nhưng không được chấp thuận, đã cầm dao đến nhà bạn gái đâm chết người mình từng yêu thương rồi tự sát.
Một cô nữ sinh, vì buồn chuyện gia đình, sống cô độc, lại bị bạn bè bắt nạt nên quyết định chấm dứt cuộc đời mình bằng cách nhảy từ trên thành cầu xuống sông.
Một thanh niên, khi nhận được quyết định sa thải từ công ty đã trở về, đối mặt với cú sốc bằng việc kết thúc đời mình trên một sợi dây treo cổ...
Hàng ngày, những thông tin ấy ập vào người ta như những vết cứa xót xa. Khi một người quyết định chọn cái chết, đó có thể là sự giải tỏa những đau đớn, ấm ức lâu dài, có thể là cảm giác về đường cùng, nhưng đôi khi chỉ là một khoảnh khắc bốc đồng ngắn ngủi mà thôi. Nhưng, điều đọng lại đằng sau cái chết đó sẽ luôn là những nỗi đau sâu, thành sẹo khó nguôi ngoai.
Sẽ luôn có những dấu hỏi day dứt từ phía người cha, người mẹ, người thân: tại sao phải chọn cái chết? Tại sao trong số những lựa chọn, lại chọn điều tồi tệ nhất, đó là việc kết thúc đột ngột một sự sống tươi trẻ chỉ mới nảy lộc đâm chồi?
Sao không là một lựa chọn tích cực khác?
Hưng (tên nhân vật đã được thay đổi) hiện là tình nguyện viên của một nhóm thiện nguyện tại TP HCM. Ba năm trước, Hưng từng nhảy xuống sông Sài Gòn để kết thúc cuộc đời mình vì thấy tương lai quá mù mịt: thất nghiệp, người yêu bỏ rơi, cha mẹ sắp ly hôn. Một bác trung niên mê câu cá đã cứu được Hưng khỏi tay thần chết.
Thoát chết, Hưng hứa với ân nhân mình sẽ không hành động tiêu cực nữa, phải sống làm người có ích hơn. Và Hưng đã giữ lời.
Giờ đây, Hưng vẫn chưa có một công việc ổn định như bao người, nhưng công việc dạy kèm cũng giúp anh đủ sống. Thời gian còn lại, Hưng tham gia các hoạt động tình nguyện như: dạy học cho trẻ em nhập cư mù chữ, giúp người già neo đơn, thanh, thiếu niên đường phố.
Hưng nói, thông qua việc tiếp cận và trò chuyện thường xuyên với các em, Hưng mong muốn truyền thêm cho các em những niềm tin vào cuộc sống. Hưng đã may mắn gặp được ân nhân kéo mình về từ cửa tử, nhưng rất nhiều người chọn cách tự sát đã không may mắn như thế.
Hưng chia sẻ, thực ra có một ranh giới rất mong manh trong lựa chọn của những người muốn tự kết thúc cuộc đời. Chỉ cần có chút nghị lực đi qua được những phút đen tối, con người ta có thể giành lại sinh mạng cho mình và đi tiếp về phía trước, biết hài lòng về cuộc sống của mình khi có một công việc để làm, một người con gái để yêu thương và làm được những điều có ích cho cộng đồng.
Cũng như Hưng, Nguyễn Ngọc Thụy Ân là cựu sinh viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM. Mỗi khi mùa đông đến, Ân và các bạn thường mua len về đan rất nhiều chiếc khăn quàng cổ để gửi tặng các em bé vùng cao hoặc bán lấy tiền để ủng hộ người nghèo.
Ân thú thật, cô cũng từng trải qua những bất hạnh, đau khổ và không dưới hai lần nghĩ đến cái chết. Nhưng cuối cùng, cô đã quyết định đối mặt với nỗi đau bằng cách san sẻ tình yêu thương cho những người bất hạnh hơn mình.
Sài Gòn có nhiều nhóm bạn trẻ đang lập ra những “hội” có vẻ rất buồn cười: Nhóm mê đọc sách, Nhóm đi xe đạp, Nhóm sưu tầm đĩa nhạc xưa, Nhóm uống trà…
Đó là những bạn trẻ tập hợp lại vì chung một sở thích, một mục đích. Họ cùng đọc, cùng chia sẻ với nhau những cuốn sách hay, rồi lập nhóm, góp chung sách lại, làm quỹ sách cho trẻ em nghèo.
Có nhóm quyết tâm bỏ xe gắn động cơ để đi xe đạp. Thành viên của nhóm đạp xe đi làm, đạp xe đi hẹn hò, dã ngoại, đi du lịch và các trải nghiệm khác của cuộc sống. Trong họ, cũng có những người từng trải qua bất hạnh, có người đang cố gắng tìm những niềm vui để vá víu lại nỗi đau.
Ở đời, không ai tự nhiên mà có được hạnh phúc. Chỉ cần khi nỗi đau ập đến, người ta nghĩ đến nỗi đau của những người thân, biết đối mặt một cách can đảm và tích cực hơn, hoặc từ trước đó, đã chọn cho mình một lối sống lành mạnh hơn. Chỉ ở một vài khoảnh khắc, can đảm đẩy lùi những ý nghĩ đen tối thì những cái chết trẻ đầy xót xa có lẽ đã không xảy đến.
Ở tuổi trẻ, người ta có thể sai lầm, và có rất nhiều cơ hội để sửa sai, làm lại, trừ việc lựa chọn cái chết để trốn chạy tương lai.