Rác bủa vây khu du lịch
Cách đây vài hôm, trang cá nhân của chàng ca sĩ Tây hát tiếng Việt Kyo York chia sẻ những hình ảnh về đảo Lý Sơn, ở một khía cạnh “không đẹp”, đó là những bãi rác lem nhem dọc bờ biển khiến nét đẹp thơ mộng của vùng biển đảo phần nào bị ảnh hưởng. Những chia sẻ đầy tiếc nuối lại đến từ một người nước ngoài sống tại Việt Nam cùng hình ảnh làm rất nhiều người xem chạnh lòng, tiếc cho vẻ đẹp thiên nhiên đang bị hủy hoại bởi bàn tay con người.
Đảo Phú Quốc hiện cũng không giữ nổi mình khỏi “vòng vây” của rác khi mà lượt khách du lịch đổ về ngày một đông. Rất nhiều du khách đi Phú Quốc thời gian gần đây đã than phiền về sự vây bủa của rác quanh bãi biển khu vực thị trấn Dương Đông. Sát bãi tắm khu vực Dinh Cậu là một bãi rác lộ thiên nằm ngay trên cát, với túi nilon, bọc xốp, túi xách, chai lọ… của khách du lịch để lại.
Những bến neo thuyền của con đường dọc thị trấn thì rác vây lấy ghe, là xác súc vật, là đủ các loại rác sinh hoạt khác. Rác gây ô nhiễm đồng thời khiến khách du lịch thất vọng, để lại ấn tượng không tốt về một hòn đảo từng nức tiếng là “viên ngọc” của phương Nam.
Núi Bà Đen ở Tây Ninh, ngọn núi thiêng trong tâm linh của nhiều người dân giờ đây cũng đang bị rác xâm lấn. Rác do những người hành hương, do khách du lịch, các bạn trẻ đi phượt bỏ lại dọc con đường từ chân núi cho đến gần đỉnh núi khiến người ta không khỏi xót xa.
Những khu du lịch nổi tiếng bị nhem nhuốc bởi rác thải từ bàn tay con người là chuyện không còn hy hữu. Những vùng đất hoang sơ, sau khi vào “tầm ngắm” của dân du lịch cũng chung số phận này. Đảo Nam Du của Kiên Giang, đảo Bình Ba, Bình Hưng của Khánh Hoà cũng bắt đầu bị rác làm cho… bớt đẹp.
Ở Nam Du, một mặt đảo còn trong trẻo, tươi nguyên, nửa kia thì đã thành “hòn đảo rác” với đủ thứ được bàn tay con người mang từ đất liền ra. Bình Ba, sau khi được dân du lịch bụi “khai phá” vài năm nay, đã bắt đầu sống chung với rác. Hầu hết các khu bãi biển vắng và các đảo đến nay vẫn chưa có khu vực xử lý rác thải, rác được thải ra khắp nơi một cách tự do.
Điều đáng lo là càng với những nơi hoang dã, chưa có sự quản lý tốt về du lịch, dân cư ít ỏi thì nguy cơ rác xâm lấn càng cao, bởi người dọn thì không có, rác không được xử lý mà người xả ra lại tăng lên theo cấp số nhân mỗi ngày…
Cứu lấy những vẻ đẹp thiên nhiên
“Xót lòng” trước vẻ đẹp thiên nhiên đang bị huỷ hoại dần bởi sự vô ý thức của con người, trong khi chờ phản hồi tích cực từ cơ quan quản lý thì nhiều nhóm hoạt động tình nguyện được lập ra để ngăn chặn sự “tấn công” của rác.
Dọc con đường lên núi Bà Đen, du khách thường thấy những nhóm người trẻ len lỏi quanh những con đường, lùm cây với dụng cụ là cây móc, bao tay và bao đựng rác. Đó là các nhóm phượt, thanh niên trong vùng hoặc các tỉnh lân cận, tạo cho mình một đời sống lành mạnh bằng cách lập nhóm leo núi để rèn luyện sức khoẻ kết hợp… thu nhặt rác. Nhờ vậy, lượng rác thải vứt bừa bãi ở núi Bà Đen giảm hẳn.
Cứ mỗi sáng, Vũ Hoàng cùng với các nam thanh niên trong xóm ở Lagi, Bình Thuận đều dậy sớm tắm biển. Sau hơn một tiếng đồng hồ bơi lội, nhóm thanh niên này bắt đầu đi dọc bờ biển để nhặt rác. Sau mỗi đêm, lượng rác thải từ khách tắm biển và các nơi dạt về không ít.
Cũng nhờ nhóm này nên bãi biển Đồi Dương ở Lagi luôn được sạch sẽ, tinh tươm. Anh Đào Việt ở Núi Thành, Quảng Nam đã sáng lập ra một nhóm tình nguyện viên mang tên “Vì những bãi biển sạch” để nhặt rác thải từ khách du lịch và người dân chung quanh thải ra, giúp bãi biển sạch đẹp.
Mừng là những người tình nguyện ngày một nhiều, nhưng đáng buồn là lượng du khách, người dân thiếu ý thức cũng nhiều hơn. Anh Đào Việt chia sẻ, có những lần nhặt rác ngay trước mặt người dân và du khách, họ nhìn nhóm như “trên trời rơi xuống” với ánh mắt khó chịu. Để rồi khi nhóm quay đi, người ta vẫn thản nhiên xả rác. Thêm vào đó là sự buông lỏng của những người quản lý.
Nếu như tình trạng này cứ tiếp diễn mà không có cách xử lý thì tình trạng người đi du lịch cùng với rác, các hòn đảo, bãi biển, núi đồi biến thành đảo rác, bãi rác, núi rác… cũng là điều khó tránh khỏi.