Ngoài việc quy hoạch bãi rác gần khu dân cư thì tình trạng ô nhiễm này còn do việc xử lý rác ở đây khá đơn giản, chỉ tiến hành chôn lấp hoặc đốt mà không có phương án xử lý nhằm hạn chế ô nhiễm.
Theo phản ánh của người dân, hàng ngày, bãi rác nằm cạnh đường liên thôn này bốc mùi nồng nặc, không khí ô nhiễm bao quanh khu vực dân cư sinh sống, ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống người dân.
Bà Đỗ Thị Chung, người làm đồng gần khu vực bãi rác cho hay: “Mùi hôi thối bốc lên nồng nặc, nhất là vào những ngày nắng nóng thì chúng tôi không thể chịu được, kể cả vừa làm vừa phải bịt khẩu trang. Biết ảnh hưởng tới sức khỏe nhưng gia đình phải bám ruộng để sống”.
Những người phải chịu cảnh ô nhiễm trực tiếp và gần như 24/24h trong ngày chính là gần 30 hộ gia đình sống gần bãi rác. Ông Nguyễn Văn Phần cho biết: “Nhà tôi cách bãi rác 100m nên ruồi muỗi bay vào nhà nhiều vô kể. Ngày nào cũng phải dùng bình xịt ruồi, muỗi. Vào những ngày gió bấc thì mùi chua, hôi nồng nặc thổi thẳng vào nhà nên chúng tôi phải đóng cửa suốt ngày, mà cũng không ăn thua gì”.
Bãi rác không chỉ ảnh hưởng đến những hộ dân ở gần như hộ ông Phần mà nhiều gia đình ở cách xa bãi rác hàng trăm mét cũng thấy mùi hôi thối và ruồi bu đầy nhà.
Được biết, bãi rác này được hình thành từ một dự án của Phần Lan nhằm hỗ trợ địa phương xây dựng điểm tập kết rác thải sinh hoạt cho cả xã Ngũ Lão. Nhưng từ khi đi vào sử dụng, bãi rác lại trở thành nỗi ám ảnh cho người dân xung quanh.
Không chỉ có rác thải sinh hoạt mà phế thải từ những xí nghiệp giày da hay các công ty nhiệt điện trong khu vực cũng đều được “tập kết” tại đây. Người dân thôn My Đông phản ánh, cách vài ngày lại có 3-4 xe tải đổ hàng tấn rác xuống đây mà không thấy ai có ý kiến gì? Nhiều hôm, rác bị đổ tràn cả ra phía ngoài đường.
Tình trạng ô nhiễm rác thải của thôn đã kéo dài hơn 20 năm và gây ra những hậu quả khôn lường về môi trường và sức khỏe của người dân. Lớp rác cũ cao hàng mét chưa được xử lý thì những lượng rác mới đã được đổ đè lên. Chính vì thế nguồn nước ngầm cũng bị ô nhiễm.
Ông Nguyễn Văn Phần cho biết, trước đây người dân trong thôn vẫn dùng nước từ con kênh Thủy Hả (lấy nước từ đập sông Giá) để giặt giũ. Nhưng bây giờ, nguồn nước này cũng bị ô nhiễm nên người dân không dám dùng nữa. Thời gian gần đây đã có nhiều người trong thôn bị ung thư, không biết có phải do sống trong cảnh ô nhiễm môi trường hay không?”.
Để “chống chọi” qua ngày, người dân trong thôn cũng dùng một số cách như đốt rác, phân loại rác… nhưng hiệu quả cũng không cao.
Ông Nguyễn Văn Đề (Trưởng thôn My Đông) cho biết: “Chúng tôi cũng nhận thấy tình trạng ô nhiễm của bãi rác này, nên kêu gọi mỗi người đóng 5 nghìn đồng/tháng để thuê xe dọn rác. Cứ 2 ngày lại có xe đến chở rác đi nên trước mắt, lượng rác cũng có giảm. Nhưng về lâu dài thì biện pháp này cũng không khả thi. Chúng tôi đã nhiều lần có đơn đề nghị UBND xã giải tỏa bãi rác nhưng không thấy được hồi âm”.
Hơn lúc nào hết, người dân thôn My Đông mong mỏi UBND huyện Thủy Nguyên sớm vào cuộc để có giải pháp xử lý rác hoặc di chuyển bãi rác để trả lại môi trường trong sạch cho người dân./.