Từ chiếc ấn bị hiểu sai ý nghĩa
Ông Cao Xuân Hoạt - Trưởng ban Quản lý Di tích đền Trần cho biết, năm nay lễ hội đền Trần được tổ chức từ ngày 7-12/2 (tức 11-16 tháng Giêng năm Đinh Dậu). Lễ khai ấn sẽ diễn ra vào đêm 14 tháng Giêng. Lễ phát ấn sẽ bắt đầu từ lúc 5h ngày 15 tháng Giêng tại khu vực nhà Giải Vũ, Nhà trưng bày và đền Trùng Hoa, số lượng ấn phát ra không giới hạn. Đây không phải năm đầu tiên đền Trần phát ấn không giới hạn. Năm 2015, 2016, đền Trần đã từng in ấn để phát “bừa phứa” thu tiền của khách thập phương. Dù biết không thiếu ấn nhưng những năm trước, lễ khai ấn đền Trần đều hỗn loạn, bát nháo khi người dân trèo lên đầu nhau để mua ấn. Thậm chí, nhiều thanh niên quá khích, bất chấp sự an toàn của những người xung quanh, đồng loạt trèo qua hàng rào sắt để vào trong đền trước sự bất lực của các lực lượng chức năng đảm bảo an ninh trật tự.
Khách thập phương chấp nhận việc ăn chực, nằm chờ ngoài vỉa hè, hay chấp nhận bị “chém đẹp” trên dưới một triệu đồng/ đêm tại nhà nghỉ để đợi tới tờ mờ sáng tới chen lấn mua lá bùa “thần kỳ”. Có cung ắt có cầu, những du khách không quen với việc xếp hàng đành phải mua ấn với giá 50.000 đồng/ấn. Trong khi đó, mỗi chiếc ấn của ban tổ chức được phát (bán) với giá 15.000đ. Họ nghĩ rằng, chiếc ấn đó sẽ khiến họ dễ dàng thăng quan, tiến chức.
Tuy nhiên, rất nhiều người lầm tưởng sự “thần kỳ” ấy. Năm 2011, trong đề án “Khôi phục lễ hội đền Trần”, các chuyên gia lịch sử, ấn tín cùng các nhà văn hóa dân gian đã xác định, chiếc ấn dùng trong lễ khai ấn đền Trần hiện nay không liên quan gì đến triều chính mà chỉ là chiếc ấn bình thường của phủ đền xưa, làm bằng gỗ. Do vậy, ấn không mang lại lợi lộc trong thăng quan, tiến chức như nhiều người lầm tưởng.
Lễ khai ấn đền Trần có ý nghĩa nhân văn là cầu cho quốc thái dân an, giáo dục truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm. Nhưng không phải ai xin ấn đền Trần cũng hiểu được hết ý nghĩa của nghi lễ này. Bản chất của bốn chữ “Tích phúc vô cương” trên ấn là Nhà Trần ban cho con cháu cái phúc, dạy con cháu, bách gia trăm họ phải biết giữ gìn phẩm chất đạo đức, tích phúc thật tốt, phúc đức càng dày thì được hưởng lộc càng bền vững. Đấy là ý nghĩa giáo dục sâu sắc nhất của việc ban ấn. Ý nghĩa của ấn chỉ đơn giản như vậy nhưng không phải ai cũng hiểu mà vẫn còn một số lầm tưởng rằng, xin ấn để cầu thăng quan, tiến chức.
Việc đóng ấn đền Trần vốn chỉ là một truyền thống địa phương, nay đã được “phóng đại” về quy mô, ý nghĩa đến mức gây hệ lụy về tâm linh. Ban đầu ấn đền Trần chỉ là một biểu tượng cầu an cho cộng đồng địa phương, cho các gia đình trong khu vực. Sau này, người ta đã tuyên truyền “nâng cấp” ý nghĩa của ấn và việc khai ấn lên làm cho nhiều người hiểu nhầm rằng có một thông điệp ngầm về việc ấn đó mang lại quyền lực, sự may mắn về chức quyền cho người có được ấn. Điều đó lại phù hợp với tâm lý xã hội chạy đua lên các thang bậc khác nhau của chức quyền vốn gắn với bổng lộc.
Đến phát ấn “ăn theo” lễ hội
Không chỉ ở đền Trần, tại lễ hội của một số tỉnh, thành cũng “ăn theo” việc phát ấn. Theo Tiến sĩ sử học Nguyễn Hồng Kiên, ngoài Nam Định thì nhiều “đền Trần” ở Hà Nam, Thái Bình, rồi đền Côn Sơn, Kiếp Bạc (Hải Dương) cũng phát ấn. Những năm trước đây, báo chí đã từng rầm rộ đưa tin về việc ấn đền Trần ở Thái Bình là ấn giả. Chiếc ấn tại đây được một tư nhân tiến cúng. Tuy nhiên, sau đó ấn đã được sử dụng vào đóng trên những lá ấn để “phát lộc” cho nhân dân giống như ấn ở đền Trần phường Lộc Vượng (Nam Định). Trước sự ồn ào của dư luận, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã vào cuộc, giao cho Cục Di sản tổ chức một Hội đồng giám định, về Thái Bình để giám định chiếc ấn trên. Cục Di sản sau đó đã có báo cáo gửi Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL nêu rõ: “Chiếc ấn ở đền Trần Thái Bình là một sản phẩm mỹ nghệ, nhiều khả năng xuất xứ từ Trung Quốc; ấn không liên quan gì đến triều đại nhà Trần và văn hóa Việt Nam...”. Bắt đầu từ năm 2010, đền Tràng Kênh (huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng) cũng làm lễ khai ấn và phát ấn Trần triều giống như cách làm của Nam Định. Điều đáng nói là việc công bố về lễ khai ấn và phát ấn của nhà đền hoàn toàn không kèm theo các công bố của các cơ quan chức năng về lễ khai ấn cũng như xuất xứ quả ấn.
Khu trung tâm văn hóa núi Bài Thơ ở Quảng Ninh khai ấn Hội Tao đàn, niên hiệu Hồng Đức, bắt đầu từ năm 2014. Ông Nguyễn Xuân Vinh - nguyên Trưởng Đài Truyền thanh TP Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh - đề nghị: “Cần làm rõ thế nào là ấn? Khai ấn để làm gì, có ý nghĩa gì với đời sống tâm linh và cuộc sống đương đại? Ở đâu được tổ chức khai ấn?”.
Chùa Trúc Lâm đại giác - Việt Nam Trần triều điện (Xuân Phổ, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) cũng tổ chức phát ấn. Vào mùng 5 Tết vừa qua, đền thờ Quang Trung tại Nghệ An phát ấn. Mặc dù ban tổ chức đã bố trí các hàng rào và hàng chục người bảo vệ nhưng hàng trăm người dân vẫn chen lấn, xô đẩy nhau để vào khu vực phát ấn gây nên cảnh tượng hỗn loạn. Ông Nguyễn Văn Xuân - Phó Ban quản lý đền thờ Hoàng đế Quang Trung phải liên tục dùng micro thông báo “bà con bình tĩnh, không chen lấn vì chúng tôi phát rất nhiều ấn” nhưng dòng người vẫn chen chúc nhau vào xin ấn.
Không ít khách thập phương “mơ hồ” với nguồn gốc xuất xứ cũng như sự linh thiêng của những chiếc ấn. Dù vậy, họ vẫn cố gắng tìm cho mình một chiếc ấn như “lá bùa hộ mệnh”. Vì cái tâm lý khát khao muốn có một “tấm bùa hộ mệnh” ấy nên không người tham dự lễ hội thay vì “xin”đã tranh giành, hỗn chiến. Còn ban tổ chức vẫn điềm nhiên phát ấn thu tiền với số lượng ấn không giới hạn. Buồn thay vì nạn mê tín dị đoan đến cuồng tín như vậy!