Nhà nước độc quyền vàng miếng SJC
Trước đây, vàng chủ yếu được dùng làm đồ nữ trang, để dành, cho con cái khi lập gia đình... Từ khi đất nước chuyển sang kinh tế thị trường, vàng có thời gian còn được sử dụng để tính, thanh toán giá nhiều hàng hóa, tài sản quan trọng. Vàng trở thành một kênh đầu tư quan trọng, do giá vàng liên tục tăng cao. Và đã xuất hiện tình trạng dùng vàng miếng làm phương tiện thanh toán (được gọi là tình trạng “vàng hóa”).
Tình trạng này đã gây ra những tác động tiêu cực cho nền kinh tế, làm cho một lượng vốn lớn tồn đọng trong dân ít được đưa ra đầu tư trực tiếp vào sản xuất, kinh doanh; làm cho thị trường này nóng, lạnh đột ngột, tác động xấu đối với tâm lý và lòng tin của người dân, làm cho thị trường ngoại hối không ổn định. Mỗi khi như vậy, Nhà nước lại phải can thiệp bằng cách nhập khẩu vàng, vừa phải tốn ngoại tệ, vừa làm tăng nhập siêu, tác động xấu đến cán cân thương mại, cán cân thanh toán, “bào mòn” dự trữ ngoại hối của đất nước.
Một trong những nội dung chính quy định tại Nghị định số 24/2012/NĐ-CP là từ ngày 25/05/2012, Nhà nước chính thức độc quyền sản xuất vàng miếng.
Theo đó, Nhà nước chính thức độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là cơ quan thay mặt Chính phủ thống nhất quản lý các hoạt động kinh doanh vàng theo quy định của pháp luật.
Cũng theo Nghị định này, Chính phủ nghiêm cấm việc sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán; mang theo vàng khi xuất cảnh, nhập cảnh của cá nhân vượt mức quy định không có giấy phép do Ngân hàng Nhà nước cấp và mọi hoạt động kinh doanh vàng khác khi chưa được Thủ tướng Chính phủ cho phép, Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép…Doanh nghiệp được Ngân hàng Nhà nước xem xét cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện.
Cổng thông tin điện tử Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết: Theo quy định của pháp luật Việt Nam, quyền sở hữu vàng hợp pháp của tổ chức, cá nhân được công nhận và bảo vệ. Tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh vàng phải tuân thủ các quy định của Chính phủ và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Ngân hàng Nhà nước là cơ quan thay mặt Chính phủ thống nhất quản lý hoạt động kinh doanh vàng, nhằm mục tiêu phát triển ổn định và bền vững thị trường vàng trong nước.
Là hoạt động kinh doanh có điều kiện
Doanh nghiệp được Ngân hàng Nhà nước xem xét cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau: Là doanh nghiệp thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật; có vốn điều lệ từ 100 tỷ đồng trở lên; có kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh mua, bán vàng từ 2 năm trở lên; có mạng lưới chi nhánh, địa điểm bán hàng tại Việt Nam từ 3 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên và số thuế đã nộp của hoạt động kinh doanh vàng từ 500 triệu đồng/năm trở lên trong 2 năm liên tiếp gần nhất.
Các hoạt động kinh doanh vàng khác là hoạt động kinh doanh thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh. Tổ chức, cá nhân chỉ được thực hiện các hoạt động kinh doanh vàng khác sau khi được Thủ tướng Chính phủ cho phép và được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép.
Đối với việc mang vàng khi xuất cảnh, nhập cảnh của cá nhân: Cá nhân xuất cảnh, nhập cảnh bằng hộ chiếu được mang theo vàng trang sức, mỹ nghệ nhưng không được phép mang theo vàng miếng, vàng nguyên liệu (trừ trường hợp định cư). Cá nhân xuất cảnh, nhập cảnh bằng giấy tờ khác không được mang theo vàng nguyên liệu, vàng miếng, vàng trang sức, mỹ nghệ (trừ các loại trang sức, mỹ nghệ đeo trên người).
Trong trường hợp định cư, cá nhân nước ngoài được phép định cư ở Việt Nam khi nhập cảnh và cá nhân Việt Nam được phép định cư ở nước ngoài khi xuất cảnh được mang theo vàng nguyên liệu, vàng miếng, vàng trang sức, mỹ nghệ.
Ngân hàng Nhà nước thực hiện kiểm tra, thanh tra đối với hoạt động sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ; hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng, vàng trang sức, mỹ nghệ; hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu vàng nguyên liệu và hoạt động kinh doanh vàng khác.
Hướng dẫn Nghị định số 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, NHNN Việt Nam đã ban hành một số thông tư như Thông tư 16/2012/TT-NHNN; Thông tư 29/2019/TT-NHNN và Thông tư 15/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 16.
Trong đó, đáng chú ý Thông tư 29 bổ sung quy định thủ tục điều chỉnh Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng. Cụ thể, trong thời hạn 30 ngày kể từ khi có thay đổi nội dung về thông tin doanh nghiệp, tổ chức tín dụng trên Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng, doanh nghiệp, tổ chức tín dụng thực hiện thủ tục điều chỉnh Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng như sau: Doanh nghiệp, tổ chức tín dụng gửi trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính 1 bộ hồ sơ theo quy định đến Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp Quyết định điều chỉnh Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng. Quyết định điều chỉnh Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng là bộ phận không tách rời của Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng.
Đặc điểm của vàng miếng
Theo Nghị định 24/2012/NĐ-CP: Vàng miếng là vàng được dập thành miếng, có đóng chữ, số chỉ khối lượng, chất lượng và ký mã hiệu của doanh nghiệp và tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho phép sản xuất hoặc vàng miếng do Ngân hàng Nhà nước tổ chức sản xuất trong từng thời kỳ.
Thứ nhất, vàng miếng không được chế tác cầu kỳ như những loại trang sức từ vàng khác. Do đó, vàng miếng thường được dùng làm của cải tích trữ. Vàng miếng giá trị thanh khoản cao. Trong khi thị trường vàng biến động không ngừng, nên nhiều người kinh doanh vàng miếng để thu lợi nhuận. Sử dụng vàng miếng như một phương thức tích trữ của cải và kiếm tiền.
Thứ hai, vàng miếng chủ yếu để tích trữ, khi: chọn địa chỉ uy tín, chất lượng để mua vàng miếng, tránh mua phải vàng giả, vàng có độ tinh khiết thấp, lẫn lộn nhiều tạp chất...
Thứ ba, Vàng miếng vốn được xem là kênh đầu tư an toàn, là “vịnh tránh bão” cho dòng tiền làm nơi trú ẩn chống lại khủng hoảng, lạm phát, sự mất giá của tiền tệ.
Thứ tư, vàng miếng tác động đến nền kinh tế và thị trường tài chính.
Trao đổi với báo chí, ông Huỳnh Trung Khánh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) cho rằng, thị trường vàng ổn định thời gian qua góp phần hiệu quả cho công cuộc chống vàng hóa, đô-la hóa nền kinh tế. Đồng thời, việc chống vàng hóa, đô-la hóa thành công cũng là cơ sở để trả lại thị trường vàng về bản chất như một loại hàng hóa thông thường, bởi vàng hiện không còn là phương tiện thanh toán, các tổ chức tín dụng cũng không được huy động, cho vay vàng từ khi có Nghị định 24.
"Có thể điều chỉnh chính sách để các doanh nghiệp được quyền tự đăng ký thương hiệu vàng miếng của mình và tự chịu trách nhiệm, sản xuất - kinh doanh như các loại vàng trang sức, vàng nhẫn hiện nay, thay vì chỉ có một loại vàng miếng SJC do Ngân hàng Nhà nước độc quyền sản xuất" - ông Huỳnh Trung Khánh kiến nghị.