Vàng thường được coi là kênh trú ẩn tài chính an toàn trong thời kỳ khủng hoảng. Tuy nhiên, kể từ khi đại dịch COVID-19, nhiều chuyên gia trên thế giới đã đánh giá mức độ rủi ro khi đầu tư vào vàng đã tăng lên rất nhiều. Thực tế ghi nhận, có nhiều thời điểm trong hai năm vừa qua, giá vàng cho thấy sự biến động tương đối mạnh.
Thị trường vận hành bởi nỗi sợ hãi
Vàng là một trong những tài sản tài chính lớn nhất trên thế giới với khối lượng giao dịch trung bình hàng ngày ước tính khoảng 183 tỷ USD và giá trị của nó đã tăng trưởng bùng nổ trong những năm gần đây. Vào đầu năm 2000, vàng có giá chỉ 460 USD/ounce khi được điều chỉnh theo lạm phát.
Vào thời gian đầu đại dịch COVID-19 lan rộng toàn cầu, giá vàng thế giới ghi nhận chạm “đỉnh” cao nhất so với nhiều năm trước đó, trong khi thị trường chứng khoán lại có chiều hướng suy giảm. Tháng 8/2021, con số đó đã đạt mức 1.815 USD/ounce.
Gần đây, cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine cũng khiến giá vàng tăng đột biến. SPDR Gold Shares, quỹ ETF kim loại lớn nhất thế giới, ghi nhận giá vàng tăng 6,6% trong tháng 2/2022, đạt mức cao nhất kể từ tháng 11/2020. Trong khi đó, các sàn chứng khoán lớn trên thế giới đều có dấu hiệu suy giảm, ví như sàn S&P500, NASDAQ, … đều ghi nhận giảm từ 10% - 20% so với mức cao gần nhất trước đó.
Đánh giá về hiện tượng này, ông Michael McClary, Giám đốc đầu tư tại Tập đoàn tài chính đầu tư Valmark (Mỹ) cho rằng, thị trường vàng toàn cầu đang biến động do sự ảnh hưởng của nỗi sợ hãi. Không thể phủ nhận, xung đột chính trị sẽ có tác động tiêu cực trong ngắn hạn đối với thị trường chứng khoán, tuy nhiên nếu xét về dài hạn, phần lớn các nhà đầu tư vẫn có thể kiếm lời từ thị trường cổ phiếu.
Trong khi việc đầu tư vào vàng chưa chắc đã đem lại lợi nhuận đột biến cho nhà đầu tư trong bối cảnh lạm phát, thị trường cổ phiếu có xu hướng phục hồi tương đối nhanh. Theo số liệu Guggenheim Investments, kể từ năm 1945, các nhà đầu tư thường mất trung bình khoảng 4 tháng để phục hồi các danh mục đầu tư của mình từ mức giảm 10% - 20% tại sàn S&P500.
Nhiều cố vấn chuyên môn thế giới đánh giá rằng, các nhà đầu tư có thể phân bổ một khoản đầu tư nhỏ trong danh mục đầu tư của họ cho vàng nhưng việc chuyển một lượng lớn tài sản vào tích trữ vàng vào thời điểm này là chưa cần thiết.
Chưa kể, họ có thể bỏ lỡ cơ hội kiếm lời từ thị trường cổ phiếu. Đây là một lý do tại sao nhiều nhà đầu tư, trong đó có Warren Buffett, không thích đầu tư vào vàng kể cả trong bối cảnh lạm phát, khủng hoảng.
Nhà đầu tư Warren Buffett đã nhiều lần chỉ ra rằng vàng là “tài sản không sinh lời vì không có nhiều giá trị sử dụng và cũng chẳng phát sinh thu nhập”. Đồng tình, Giám đốc đầu tư Jason Snipe của Odyssey Capital Advisors (Mỹ) cũng nhận định: “Vàng không tạo ra bất cứ thứ gì và đó là lý do tại sao từ góc độ dài hạn, nó là một tài sản khó đầu tư”. Kể từ năm 2011, sàn S&P 500 đã tăng hơn 16% giá trị hàng năm. Trong khi đó, vàng có xu hướng giảm nhẹ trong 10 năm qua.
Vàng có còn là “kênh trú ẩn” an toàn?
Đáng nói, trong hàng trăm năm nay, vàng được coi là một “kho lưu trữ tài sản an toàn” trong thời kỳ thị trường biến động. Dù vậy, đây vẫn còn là vấn đề đang gây tranh cãi.
Matt Weller, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu toàn cầu của StoneX Financial chỉ ra, trong bối cảnh đại dịch, đã có khoảng thời gian chỉ trong 4 tháng, giá vàng đã biến động từ 1.725 - 1.830 USD. Nhìn vào hiện tượng này, nhiều chuyên gia bày tỏ lo ngại về vị thế quan trọng của vàng như một “hàng rào chống lạm phát”.
Liệu vàng có thực sự “hàng rào” hữu hiệu chống lại sự biến động của thị trường? Theo Suki Cooper, giám đốc điều hành bộ phận nghiên cứu kim loại quý tại Ngân hàng Standard Chartered thì “vàng không hẳn là một thứ hàng rào hoàn hảo”.
“Nhiều nghiên cứu khác nhau đã cho thấy nếu vàng được giữ trong 12 - 18 tháng trước khi lạm phát tăng cao hơn và sau đó được giữ thêm 12 - 18 tháng trong khi lạm phát tăng cao hơn, thì đó có thể là một biện pháp phòng ngừa lạm phát tốt,” Cooper nói. “Nhưng nếu nó chỉ được mua trong một thời gian ngắn, giả sử là một tháng, nó có thể không được chứng minh là một biện pháp phòng ngừa lạm phát hiệu quả.”
Mặt khác, việc tiêm chủng COVID-19 đang giữ cho hầu hết các nền kinh tế cởi mở, điều này cũng làm giảm nhu cầu về nơi trú ẩn an toàn. Arnab Das, chiến lược gia vĩ mô toàn cầu về châu Âu, Trung Đông và châu Phi tại Invesco, cho biết: “Căng thẳng địa chính trị vẫn tiếp diễn, nhưng dường như không có nguy cơ vượt khỏi tầm kiểm soát”. Các nhà đầu tư lo lắng, nhưng không lo lắng đến mức “đổ” hết tiền vào vàng. Mark Leale, người đứng đầu văn phòng Quilter Cheviot tại Dubai, cho biết ngay cả khi lạm phát tăng, không có gì đảm bảo rằng giá vàng sẽ tăng.
Nhiều chuyên gia cho biết, vàng đang bị “mắc kẹt” trước sự cạnh tranh khốc liệt hai thị trường đang có dấu hiệu “bùng nổ” là chứng khoán và tiền điện tử. Sự phục hồi dần dần của đô la Mỹ cũng ảnh hưởng đến giá vàng.
Mike McGlone, chiến lược gia cấp cao tại Bloomberg Intelligence cho rằng tài sản kỹ thuật số đang dần trở thành một “kênh trú ẩn” tài chính phổ biến. Nhu cầu đầu tư vào loại tài sản này tăng đáng kể so với đầu tư vào kênh truyền thống như vàng. Ông McGlone tin rằng sự ra mắt gần đây của một số quỹ giao dịch Bitcoin sẽ giúp thúc đẩy xu hướng đầu tư này, đặc biệt Trung Quốc hiện đang xây dựng những quy định về tiền điện tử. Một số người thậm chí còn gọi Bitcoin là “vàng kỹ thuật số”, nhưng McGlone phủ định cách “đánh tráo khái niệm” này bởi hai loại tài sản này có các đặc điểm và chức năng khác nhau.
Oliver Kettlewell, giám đốc của Mashreq Capital, cho biết: “Cổ phiếu đã mang lại lợi nhuận lớn trong thời gian gần đây, vì vậy vàng sẽ mất đi sự hấp dẫn như một nơi trú ẩn an toàn”. Bởi vàng vốn là “khoản đầu tư vào nỗi sợ hãi”, nên khi cuộc khủng hoảng bình ổn trở lại, nó sẽ trở nên kém hấp dẫn hơn.
Tuy vậy, ông Andrew Hardy, giám đốc quản lý đầu tư tại Momentum Global Investment Management, cho biết “đừng quá khắt khe với vàng, giá vàng ước tính vẫn sẽ tăng 50% trong ba năm tới. Vàng đã luôn được xem là kênh trú ẩn từ những ngày đầu của nền văn minh nhân loại, nên nó không dễ bị mất đi ánh hào quang như vậy”. Đồng tình, ông Vijay Valecha -Giám đốc đầu tư của Century Financial ở Dubai cho biết đây là những thời điểm đầy thách thức đối với vàng tuy nhiên lịch sử cho thấy, vàng có thể rơi xuống mức thấp trong nhiều năm, nhưng qua thời gian, giá vàng sẽ sớm hồi phục trở lại.
Mặc dù, giá vàng có nhiều biến động trong thời gian gần đây tuy nhiên khó thể phủ nhận vai trò quan trọng của loại kim loại quý này trong nền tài chính toàn cầu. Nhiều chuyên gia vẫn khuyến nghị các nhà đầu tư nên dành từ 5% đến 10% trong danh mục đầu tư của họ cho vàng để đề phòng rủi ro.