Tây Bắc hiện vẫn còn là “lõi nghèo” của cả nước với tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới là 29,14%, cao gấp 2,95 lần tỷ lệ chung của cả nước, trong đó có nhiều tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo trên 40-50%, trong khi phương pháp tiếp cận đo lường từ nghèo đơn chiều đã thay đổi sang nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020. Những điều này đã đặt ra yêu cầu phải tiếp tục mở rộng và nâng cao hiệu quả các hoạt động tín dụng chính sách cho vùng Tây Bắc trong thời gian tới.
Đây cũng là nội dung được các đại biểu quan tâm thảo luận tại Hội nghị tổng kết 5 năm tín dụng chính sách xã hội vùng Tây Bắc giai đoạn 2011 – 2015 diễn ra sáng 21/9 tại Lào Cai.
Vừa tăng vốn, vừa tăng kiến thức sản xuất kinh doanh
Để tín dụng chính sách tiếp tục giữ vai trò quan trọng để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững mà Quốc hội, Chính phủ đã đề ra trong phạm vi cả nước, đặc biệt là các tỉnh vùng Tây Bắc, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề nghị cấp ủy, chính quyền các tỉnh Tây Bắc tiếp tục quan tâm, chỉ đạo NHCSXH trên địa bàn phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội tổ chức thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách để tổ chức sản xuất, tạo thu nhập, cải thiện điều kiện sống, nhất là đối với hộ nghèo dân tộc thiểu số.
“NHCSXH phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, ngành nông nghiệp để chỉ đạo xây dựng mô hình hỗ trợ sản xuất, tạo sinh kế cho người nghèo do cộng đồng làm chủ, huy động đa dạng nguồn lực thực hiện gồm: vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, vốn tín dụng ưu đãi, vốn lồng ghép các chương trình, chính sách và vốn đối ứng của hộ nghèo tham gia dự án” – đại diện Bộ LĐTBXH phát biểu.
Còn bà Lê Thị Thu Hà, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Lào Cai - đơn vị ủy thác có dư nợ cao nhất và có chất lượng dư nợ tốt nhất toàn tỉnh Lào Cai – cho rằng, ở đâu có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của cấp ủy đảng, chính quyền, công tác kiểm tra, giám sát của Ban đại diện HĐQT được tăng cường thì ở đó hoạt động tín dụng chính sách đạt hiệu quả cao, chất lượng tín dụng được nâng lên.
“Một trong những kinh nghiệm của Hội LHPN Lào Cai là thực hiện nghiêm túc nguyên tắc quản lý dân chủ, công khai từ cơ sở khi thực hiện tín dụng chính sách, phục vụ tốt người dân, giúp các đối tượng chính sách được tiếp cận với dịch vụ tài chính, tín dụng của NHCSXH” – bà Hà nói.
Cũng chia sẻ kinh nghiệm của đơn vị hội nhận vốn ủy thác, lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh Yên Bái cho biết, Hội luôn chú trọng lồng ghép chương trình ủy thác với NHCSXH với việc triển khai thực hiện tốt các phong trào thi đua của Hội để tuyên truyền vận động nông dân sử dụng đồng vốn có hiệu quả và xây dựng Hội vững mạnh.
Bà Cà Thị Nghĩa - Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và Vay vốn bản Huổi Hỏm (xã Ẳng Tở, Mường Ảng, Điện Biên) có kinh nghiệm 12 năm làm Tổ trưởng Tổ TKVV cũng là hộ gia đình thoát ra khỏi cảnh đói nghèo, chia sẻ: Ban quản lý Tổ và hộ vay thường xuyên tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi do các ngành chức năng tổ chức để áp dụng vào sản xuất chăn nuôi.
Đây là quan điểm được ông Đỗ Viết Thạch – Tổ trưởng Tổ TKVV xóm Trúc Sơn (xã Toàn Sơn, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình) tán thành khi cho hay, kinh nghiệm sử dụng hiệu quả vốn chính sách ở tổ ông là sau cho vay, Hội đoàn thể nhận ủy thác và ban quản lý tổ thường xuyên đôn đốc các tổ viên tham dự các lớp tập huấn chuyển giao công nghệ, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư để nâng cao kiến thức về kỹ thuật sản xuất, kỹ năng kinh doanh ngằm sử dụng vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả.
Thiết kế lại chính sách giảm nghèo đối với vùng Tây Bắc
Phát biểu kết luận hội nghị, ông Nguyễn Văn Bình - Ủy viên Bộ chính trị, Trưởng Ban kinh tế Trung ương kiêm Trưởng Ban chỉ đạo Tây Bắc đã thống nhất với Hội nghị giao kế hoạch tăng trưởng tín dụng hàng năm theo mục tiêu Chiến lược phát triển NHCSXH giai đoạn 2011-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (tăng trưởng dư nợ tín dụng bình quân khoảng 10%/năm).
Các ý kiến từ thực tiễn hoạt động tín dụng chính sách tại các địa phương cũng cho thấy, các bộ, ngành, địa phương cần bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước cấp bổ sung vốn điều lệ, vốn các chương trình tín dụng chính sách cho NHCSXH theo quy định tại các Nghị định, Quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Chỉ đạo các Bộ, ngành khi tham mưu Chính phủ ban hành chính sách có liên quan đến tín dụng chính sách xã hội cần bố trí nguồn lực để thực hiện chính sách.
Thời gian tới, cần tổ chức rà soát, thiết kế lại chính sách theo hướng phát huy tính chủ động của người nghèo và cộng đồng, giảm cho không; thực hiện chuyển một số chính sách cho không, cấp không sang chính sách cho vay ưu đãi, cho không có điều kiện; tích hợp các chính sách liên quan đến nhiều văn bản.
Nghiên cứu, ban hành chính sách khuyến khích hộ nghèo, xã nghèo, huyện nghèo vươn lên thoát nghèo, thông qua hình thức tăng thêm nguồn lực đối với những địa bàn thực hiện tốt.
Nghiên cứu, điều chỉnh các chính sách giảm nghèo theo hướng không ban hành các chính sách hỗ trợ sinh kế bình quân, dàn trải; xây dựng cơ chế thực hiện mô hình thoát nghèo gắn kết với cộng đồng dân cư trên địa bàn, ưu tiên đầu tư cho các hộ đăng ký phấn đấu thoát nghèo để hoàn thành mục tiêu giảm hộ nghèo theo kế hoạch; nghiên cứu, áp dụng cơ chế quản lý bảo toàn nguồn kinh phí hỗ trợ thực hiện các mô hình giảm nghèo ở các địa phương để có điều kiện nhân rộng mô hình và tăng trách nhiệm sử dụng vốn của các hộ nghèo.
Bên cạnh đó, có cơ chế khuyến khích mạnh mẽ các doanh nghiệp đầu tư vào miền núi để thúc đẩy sản xuất hàng hóa gắn với thị trường. Mở rộng và tạo điều kiện để tăng cường sự tham gia của người dân vào các hoạt động giảm nghèo từ việc xác định đối tượng thụ hưởng đến việc lập kế hoạch, triển khai thực hiện, giám sát và đánh giá kết quả.
“Ban Cán sự đảng Bộ LĐTBXH chủ trì, phối hợp với Ban chỉ đạo Tây Bắc và các Bộ, ngành, địa phương có liên quan rà soát lại các cơ chế, chính sách giảm nghèo cho vùng Tây Bắc, đặc biệt là đối với các tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo cao trong Vùng và có các kiến nghị bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách giảm nghèo đối với vùng Tây Bắc” – ông Nguyễn Văn Bình nói.