Bản án thích đáng cho kẻ có hành vi bạo hành với trẻ em

Hình minh họa (Internet)
Hình minh họa (Internet)
(PLO) -Thời gian gần đây, dư luận bao phen phẫn nộ trước tình trạng những vụ bạo hành trẻ em liên tiếp xảy ra ở đủ mọi lứa tuổi. Chưa bao giờ, dư luận lại dậy sóng, bức xúc trước vấn đề bạo hành trẻ em như lúc này. Có một điều không thể phủ nhận là những đứa trẻ bị bạo hành chịu ảnh hưởng rất lớn về tinh thần lẫn thể chất. Xuất phát từ quan niệm của người lớn về giáo dục trẻ bằng “yêu cho roi cho vọt” chính là mắt xích gây ra những sự việc này. Hãy cùng trở lại một vụ án bạo hành trẻ em, để nhận diện rõ hơn vai trò của mỗi cá nhân, cơ quan, tổ chức trong công cuộc đẩy lùi nạn bạo hành đối với trẻ em.

Tháng ba, rét nàng bân. Rét tê tái. Đợt rét cuối cùng còn sót lại của mùa đông. Giữa trời giá rét nhưng với lòng kiên nhẫn, dò hỏi mãi, Luật sư K (người được Trung tâm TGPL nhà nước thành phố N phân công là người bảo vệ quyền lợi cho cháu Mai A, người bị hại trong vụ án cố ý gây thương tích, từ giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử) mới tìm được nhà của bị can Bùi Văn Đ.

Căn nhà nằm lọt thỏm trong con ngõ nhỏ, bên cạnh một con mương hôi hám. Trong nhà chẳng có thứ tài sản gì quý giá ngoài chiếc giường xập xệ, chiếc ti vi đen trắng và một bộ bàn ghế cũ mèm. A đang lụi cụi trong bếp. Trên mặt A vẫn còn những vết sưng nề, bầm tụ máu. Bước đi hơi khó nhọc, Tiến về phía Luật sư, không một lời chào hỏi, khuôn mặt buồn rười rượi nhưng bằng những lời chân tình, động viên an ủi, dần dần Luật sư đã khiến A mở lòng.

Được tham gia vụ án ngay từ giai đoạn đầu, được nghiên cứu các hồ sơ vụ án, bản kết luận điều tra, bản cáo trạng, Luật sư nhận thấy cháu Nguyễn Mai A là một trẻ vị thành niên còn rất nhỏ (sinh năm 2005), chưa có ý thức, chưa hiểu biết đã và đang trong giai đoạn hình thành tính cách lẽ ra phải được chăm sóc, ôm ấp nâng niu, âu yếm dạy bảo. Nhưng không may cho bé A, sinh ra trong một gia đình không có cha, mẹ cháu lại đang bị khởi tố về hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy và đang bị tạm giam tại Trại giam số 3. Do có quan hệ quen biết Bùi Văn Đ và Nguyễn Thu H (Đ và H chung sống với nhau như vợ chồng, không đăng ký kết hôn) nên M nhờ vợ chồng Đ, H nhận nuôi cháu A để chờ gia đình bà ngoại cháu đến đón cháu về nuôi. Theo lời khai của Đ trong các biên bản hỏi cung, cháu A là một đứa trẻ nhỏ quen sống tự do buông thả, trong suốt thời gian 3 tháng sống với bố mẹ nuôi là Đ và H. Đ là cha nuôi của cháu nhưng chưa từng làm bố bao giờ nên muốn gò ép bé A vào khuôn khổ theo cách dạy của mình. Đ không hiểu, A là đứa trẻ còn rất nhỏ, cần phải có người lớn bên cạnh chăm sóc và dạy dỗ thì đứa trẻ mới tiếp thu được. Nhưng ở đây, cháu A luôn phải ở nhà một mình vào ban đêm nên cháu rất sợ (vì vợ chồng Đ đi bán nước đêm tại bến xe). Có những khi cháu A mắc lỗi bỏ nhà đi chơi, lấy tiền mua quà bánh nhưng Đ đã không nhẹ nhàng khuyên bảo, trái lại Đ lại dùng những hình phạt dọa nạt, bắt cháu A úp mặt vào tường nhà vệ sinh, dùng cán chổi đánh, thậm chí dã man hơn, hắn còn dùng răng cắn vào cẳng tay cháu A. Sáng 11/3/2010, Đ tiếp tục đánh cháu A nhưng bị hàng xóm phát hiện, thông báo tới ban chăm sóc trẻ em và công an phường đến đưa cháu A đi khám thương tích và lập hồ sơ xử lý đối với tên Đ.

Tại giấy chứng thương ngày 11/3/2010 của bệnh viện B xác định thương tích của cháu Mai A như sau:

“1. Toàn thân: Cháu tỉnh táo, nói tốt; không nôn, không liệt, không chảy máu.

2. Phần chấn thương:

- Vùng đầu, mặt, cổ: nhiều vết bầm tím to nhỏ không đều. Môi trên bị sưng về, máu chảy đã khô;

- Vùng ngực, tay, chân: Nhiều vết bầm tím dưới da, to nhỏ không đều.

3. Hệ xương khớp: Hiện tại không thấy tổn thương.

4. Thần kinh: Không nôn, không liệt.

5. Gối trái: Có vết xước da nông đã khô, dài 02 cm.

Chuẩn đoán: Nhiều vết bầm tím phần mềm trên toàn thân.

Xử trí: Kê đơn điều trị.”.

Theo kết quả giám định số 615/C21-P6 ngày 15.3.2010 của Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an kết luận mức độ tổn hại sức khỏe của từng thương tích của cháu Mai A như sau:

“- Tổn thương da tại trán trái đang liền sẹo: 2%;

- Sẹo vùng hàm dưới trái: 1%;

- Sẹo ngực phải quanh núm vú: 1%;

- Sẹo bụng trái dưới bờ sườn: 2%;

- Sẹo sau mỏm vai phải: 1%;

- Sẹo lưng trái tại góc xương bả vai: 2%;

- Sẹo thắt lưng trái: 2%;

- Sẹo mông trái: 2%;

- Sẹo cẳng chân phải: 1%;

Áp dụng nguyên tắc cộng lùi, mức độ tổn hại sức khỏe của cháu Mai A là 15%.

* Các vết sưng nề, bầm tụ máu, xây xát da tại trán phải, má phải, cổ trái, tay và chân còn chưa ổn định nên chưa xác định mức độ tổn hại sức khỏe do di chứng chấn thương.

- Cơ chế hình thành thương tích: Các tổn thương trên cơ thể cháu A là do vật tày tác động tạo ra.

- Các sẹo hình ô van ở ngực, bụng, lưng và cẳng chân phải cháu A phù hợp với tổn thương do vết răng cắn tạo ra.”.

Ngày 12.4.2010, Trung tâm TGPL nhà nước thành phố H phối hợp với đại diện Ban chăm sóc trẻ em và Công an phường C, Phòng Lao động thương binh xã hội quận T, phóng viên báo Gia đình và xã hội đã bàn giao cháu Mai A cho bà Cao Thị Kh là bà ngoại của cháu đón cháu về nuôi dưỡng, chăm sóc và đề nghị cơ quan pháp luật xử lý hành vi vi phạm pháp luật của Bùi Văn Đ và yêu cầu Đ bồi thường cho cháu A số tiền là 10.000.000 đồng.

Tại cơ quan điều tra, Bùi Văn Đ đã khai nhận nhiều lần dùng tay, cán chổi quét nhà đánh và cắn gây ra các thương tích nêu trên đối với cháu Mai A (theo tỷ lệ giám định tổn hại sức khỏe là 14%). Đạt khai với các thương tích ở cổ và mặt cháu Mai A là do cháu bị ngã cầu thang chứ không phải do đạt gây ra. Ngày 22.4.2010, gia đình Đ đã trao số tiền 5.000.000 đồng cho bà Cao Thị K (bà ngoại cháu Mai A) để bồi thường khắc phục một phần hậu quả do hành vi phạm tội của Đ gây ra.

Tại bản cáo trạng 225/KSĐT ngày 14/5/2010 Viện kiểm sát nhân dân quận T đã truy tố bị cáo Bùi Văn Đ về tội “Cố ý gây thương tích” theo khoản 2 Điều 4 Bộ luật hình sự[1].

Ngày 25 và 26/6/2010, Tòa án nhân dân quận T, thành phố N mở phiên tòa xét xử bị cáo Bùi Văn Đ. Tại phiên tòa, qua xét hỏi bị cáo Đ thành khẩn khai nhận tội như đã khai tại cơ quan điều tra. Đ khai: giữa bị cáo và chị M (mẹ cháu Mai A) là quan hệ bạn bè, khi chị M bị bắt về tội tàng trữ trái phép chất ma túy tại công an phường Giáp Bát, chị M có nhờ bị cáo và chị H là người cùng chung sống như vợ chồng nuôi dưỡng cháu. Trong thời gian nuôi dưỡng, bị cáo đã nhiều lần gọi điện cho bà Kh xuống đón cháu A nhưng không ai xuống đón.

Trong quá trình chăm sóc, nuôi dạy cháu A thì cháu A là một đứa trẻ có rất nhiều thói hư, tật xấu. Bị cáo đã nhiều lần dạy bảo cháu nhưng cháu vẫn rất hư, dẫn đến việc bị cáo bức xúc nên bị cáo có bắt cháu A úp mặt vào tường, đánh vào mông và có lần cắn cháu A nhưng không nhớ cắn mấy vết, bị cáo nhận thương tích trên người cháu A là do bị cáo gây ra. Ngoài bị cáo không có ai gây thương tích cho cháu A. Riêng vết thương ở trán và môi cháu A là do cháu bị ngã.

Đ thừa nhận bản cáo trạng truy tố hắn là đúng và hắn có tội. Đ rất ân hận về hành vi của mình nên hắn đã tác động tới gia đình để gia đình khắc phục một phần hậu quả cho cháu A. Đ nhận thấy trách nhiệm của Đ là phải bồi thường về phần sức khỏe cho cháu A, Đ chỉ đề nghị Tòa án xem xét giảm nhẹ hình phạt để sớm trở về gia đình và xã hội.

Đại diện Viện kiểm sát tham gia phiên tòa sau khi phân tích tính chất, mức độ hành vi phạm tội, xét nhân thân của Đ đã kết luận giữ nguyên quan điểm truy tố Đ như nội dung bản cáo trạng và đề nghị Hội đồng xét xử xem xét tình tiết bị cáo đã thành khẩn nhận tội, đã khắc phục hậu quả, đại diện người bị hại xin cho bị cáo, bố mẹ bị cáo là người có nhiều công lao với tổ quốc, bị cáo có quá trình phục vụ trong quân đội, xong cũng áp dụng tình tiết bị cáo phạm tội nhiều lần, vì vậy đề nghị áp dụng khoản 2 Điều 104, điểm b, p khoản 1, 2 Điều 46, điểm g khoản 1 Điều 48, Điều 33, Điều 42 Bộ luật hình sự, xử phạt bị cáo 26 -30 tháng tù.

Về phần dân sự: Buộc Đ phải bồi thường số tiền 7.500.000 đồng, bao gồm tiền thuốc, tiền bồi dưỡng sức khỏe, tiền tổn thất tinh thần. Ghi nhận Đ đã tự nguyện bồi thường số tiền 5.000.000 đồng cho cháu A. Buộc Đ phải bồi thường tiếp số tiền 2.500.000 đồng.

Chị Nguyễn Thu Tr là đại diện cho người bị hại theo ủy quyền tại phiên tòa trình bày: Hành vi gây thương tích đối với cháu A do Đ gây ra là hành vi trái pháp luật và phải bị trừng trị, chị Tr cho rằng thái độ khai báo của Đ chưa thật sự thành khẩn. Đề nghị Tòa xử lý nghiêm khắc để giáo dục bị cáo và răn đe phòng ngừa chung. Về trách nhiệm dân sự, lúc đầu chị Tr không đưa ra mức yêu cầu bồi thường cụ thể và đề nghị Tòa giải quyết theo quy định của pháp luật. Sau đó, chị Tr đã đồng ý với quan điểm của hai Luật sư bảo vệ quyền lợi cho cháu A là buộc Đ phải bồi thường số tiền 10.000.000 đồng.

Luật sư K, bảo vệ quyền lợi cho cháu A nhất trí với đại diện Viện Kiểm sát nhân dân quận T về tội danh và Điều luật áp dụng với bị cáo, việc bị cáo gây thương tích cho cháu A là vi phạm pháp luật, đáng lên án, mặc dù việc bị cáo nhận nuôi cháu trong lúc mẹ cháu đang chịu án tù giam, là một việc làm tốt, xong cách chăm sóc, dạy dỗ cũng như cách xử sự của Đ là trái với đạo lý. Đề nghị Tòa xử lý theo quy định của pháp luật. Về việc bồi thường đề nghị Tòa án buộc Đ phải bồi thường cho cháu A số tiền là 10.000.000 đồng.

Luật sư Ch, bảo vệ quyền lợi cho cháu A cho rằng phiên tòa xét xử đối với bị cáo không chỉ là trừng phạt bị cáo Đ mà còn mang ý nghĩa giáo dục chung vì trẻ em là tương lai của đất nước. Trong vụ án này có thiếu sót rất lớn từ phía cơ quan tiến hành tố tụng, khi giao cháu A cho Đ nuôi đã không thực hiện theo đúng thủ tục pháp lý, không xem xét hoàn cảnh và nhân thân của Đ (Đ không có việc làm, không có chỗ ở nhưng lại giao cháu A cho Đ nuôi dưỡng).

Từ việc nuôi không bảo đảm đó đã dẫn đến hậu quả vụ án xảy ra. Việc Đ dùng bạo lực đã gây thương tích cho cháu A chưa phải là cao, nhưng hành vi đó là không thể chấp nhận và cần thiết phải xử lý bằng pháp luật hình sự. Luật sư Ch cho rằng việc bị cáo khai báo về hành vi của mình tại phiên tòa như vậy là rất thành khẩn, Luật sư đồng tình với quan điểm của Viện kiểm sát truy tố ở khoản 2 Điều 104 và mức án Viện kiểm sát đề nghị là phù hợp và đủ tác dụng giáo dục bị cáo và cũng đề nghị Tòa án xem xét bị cáo là người tốt, có quá trình phục vụ quân đội, gia đình bị cáo rất cơ bản, có nhiều công lao cống hiến cho Tổ quốc để giảm nhẹ một phần trách nhiệm hình sự cho bị cáo Đ.

Về trách nhiệm dân sự: Luật sư Ch đề nghị Tòa án áp dụng biên bản thỏa thuận về việc bồi thường của các cơ quan liên quan do cơ quan tiến hành tố tụng lập, yêu cầu bị cáo phải bồi thường cho cháu A số tiền 10.000.000 đồng để chi phí thuốc men, bồi dưỡng cho cháu.

Đồng thời Luật sư Ch đề nghị Hội đồng xét xử kiến nghị 02 vấn đề sau:

1. Về mặt quản lý hành chính: Yêu cầu chính quyền sở tại (UBND xã X, huyện Y, tỉnh P) nơi chị Nguyễn Kim M có hộ khẩu làm giấy khai sinh và nhập hộ khẩu của mẹ.

2. Vấn đề ủy quyền đương nhiên phải ra xã, phường làm thủ tục để bảo vệ quyền lợi cho cháu. Trong việc nuôi dạy cháu về nguồn tài chính do được tài trợ phải rõ ràng, cụ thể, để sau này chị M mãn hạn tù về mới có điều kiện nuôi dạy cháu và có thể cần một quyết định của Tòa án để đảm bảo quyền lợi cho cháu A. Hoặc đề nghị Sở Lao động - Thương Binh và Xã hội tỉnh P có ý kiến đưa cháu A vào Trung tâm bảo trợ xã hội để cháu được hưởng quyền lợi của trẻ em.

Sau khi xem xét, kiểm tra các tài liệu chứng cứ tại phiên tòa, qua việc xét hỏi và tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định hành vi phạm tội của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội. Với lý do trong quá trình chăm sóc, dạy dỗ cháu A (5 tuổi) mà bị cáo nhận nuôi có nhiều thói hư, tật xấu dẫn đến việc gây nhiều bức xúc cho bị cáo và dẫn đến việc bị cáo nhiều lần đánh nhau, gây tỷ lệ thương tích 15%. Hành vi đó của bị cáo đã chẳng những xâm phạm sức khỏe của cháu A mà hành vi phạm tội của bị cáo còn xâm phạm đến sự phát triển lành mạnh về tinh thần, thể chất cũng như làm ảnh hưởng xấu đến tâm lý của cháu và gây dư luận bất bình trong nhân dân trong khi xã hội đang lên án mọi hành vi bạo lực gia đình, đặc biệt là hành vi bạo lực đối với trẻ em.

Do đó, phải xử lý bị cáo bằng pháp luật hình sự. Nhân thân bị cáo không có tiền án tiền sự nhưng phạm tội nghiêm trọng, vì vậy phải xử lý bị cáo bằng hình phạt tù, tiếp tục cách ly bị cáo khỏi xã hội một thời gian nhằm giáo dục bị cáo có ý thức tuân thủ pháp luật đồng thời mang tính giáo dục chung. Trong quá trình xét xử, bị cáo thành khẩn nhận tội, tỏ ra ăn năn hối cải, là người có thân nhân tốt, đã có thời gian phục vụ trong quân đội, hoàn thành tốt nhiệm vụ, việc bị cáo nhận nuôi cháu A là hoàn toàn tự nguyện, không bị ràng buộc bởi bất cứ điều kiện gì, xuất phát từ tình cảm, thương cháu A trong lúc mẹ cháu là chị M bị đi tù.

Sau khi phạm tội, bị cáo đã tác động tới gia đình để khắc phục một phần hậu quả, người đại diện hợp pháp của người bị hại cho bị cáo, bố mẹ bị cáo có nhiều công lao đóng góp trong công cuộc kháng chiến và bảo vệ tổ quốc. Do đó, xét giảm nhẹ cho bị cáo một phần mức hình phạt, áp dụng điểm b, p khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự.

Những ý kiến của Luật sư Ch đề nghị Tòa án kiến nghị mặt quản lý hành chính yêu cầu địa phương nơi chị M có hộ khẩu để làm giấy khai sinh và hộ khẩu cho cháu A cũng như cần có quyết định của Tòa án hoặc biện pháp quản lý nguồn tài chính mà cháu được hưởng từ nguồn tài trợ phải cụ thể, rõ ràng để đảm bảo quyền lợi của cháu và kiến nghị với Sở Thương binh - Lao động và Xã hội tỉnh P có thể đưa cháu vào Trung tâm bảo trợ xã hội để cháu được hưởng quyền lợi của đứa trẻ. Những ý kiến Luật sư nêu ra không thuộc phạm vi giải quyết trong vụ án, do đó Tòa án không giải quyết.

Hội đồng xét xử tuyên phạt Bùi Văn Đ phạm tội “Cố gây thương tích”, áp dụng khoản 2 Điều 104, điểm b, p khoản 2 Điều 46, Điều 42 Bộ luật hình sự; Điều 605, Điều 609 Bộ luật dân sự; Điều 99, Điều 231, Điều 234 Bộ luật tố tụng dân sự xử phạt Bùi Văn Đ 24 (hai mươi bốn) tháng tù giam. Thời hạn tù tính từ ngày bị bắt 12/03/2010. Về dân sự, buộc bị cáo phải bồi thường cho cháu A số tiền 10.000.000 đồng bao gồm tiền thuốc, tiền bồi dưỡng sức khỏe, tiền tổn thất về tinh thần. Tòa xác nhận gia đình bị cáo đã tự nguyện bồi thường số tiền 5.000.000 đồng cho cháu A. Buộc bị cáo phải bồi thường tiếp số tiền 5.000.000 đồng.

Vụ án khép lại trong sự hân hoan của mọi người bởi hành vi phạm tội của tên Đ đã bị pháp luật trừng trị thích đáng. Vụ án cho ta thấy những vụ việc bạo hành trẻ em đã và đang dần được đưa ra ánh sáng nhờ các thông tin kịp thời của hàng xóm, láng giềng. Khi nhờ đến bàn tay của pháp luật, những kẻ tạo tác sẽ chẳng thể vòng vo tránh tội. Trách nhiệm bảo vệ trẻ em khỏi bị bạo hành không chỉ là trách nhiệm của riêng một tổ chức, một cá nhân nào, mà là trách nhiệm của toàn xã hội cùng chung tay ngăn chặn, hướng tới xóa bỏ bạo hành với trẻ em, tương lai của nhân loại./.

Tin cùng chuyên mục

Bệnh viện Thanh Nhàn có địa chỉ tại số 42 Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội. (Ảnh: Gia Hải)

Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội): Cần làm rõ sự việc liên quan tiền thỉnh giảng của một số bác sĩ

(PLVN) - Mới đây, Báo PLVN nhận được đơn phản ánh của một số bác sĩ đang công tác tại Bệnh viện (BV) Thanh Nhàn (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), cho rằng tiền giảng dạy tại một số trường đại học, chủ yếu là Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội (KD&CN HN) sau nhiều năm vẫn chưa được nhận.

Đọc thêm

Hồ sơ, thủ tục thực hiện đăng ký kinh doanh dạy thêm

Luật sư Đoàn Thị Ánh Hồng.
(PLVN) - Bạn Hồng Ngọc (Hà Nội) hỏi: Tôi là giáo viên dạy môn Tiếng Anh tại một trường trung học cơ sở. Sắp tới tôi muốn mở lớp dạy thêm tại nhà riêng với sĩ số khoảng hơn 10 học sinh một lớp. Xin hỏi, theo quy định mới, giáo viên đang dạy học tại các nhà trường tham gia dạy thêm ngoài nhà trường phải báo cáo với ai? Báo cáo nội dung gì? Điều kiện, thủ tục đăng ký dạy thêm, học thêm như thế nào?

Vận chuyển đá quý trái phép bị xử lý như thế nào?

Ảnh minh họa
(PLVN) - Vụ việc vận chuyển trái phép hơn 700 viên kim cương trị giá hàng chục tỷ đồng vừa được phát hiện đã làm dấy lên nhiều thắc mắc về quy định pháp luật liên quan đến việc mang theo kim loại, đá quý khi xuất nhập cảnh. Theo quy định hiện hành, hành lý vượt định mức miễn thuế mà không khai báo hải quan sẽ bị coi là xuất khẩu, nhập khẩu bất hợp pháp. Việc xử lý sẽ căn cứ vào mức độ vi phạm và ý thức của người thực hiện trong trường hợp cụ thể.

Con đường tại Hà Nội bị 'thắt cổ chai' vì vướng khu đất bị cho là “lấn chiếm”: UBND xã Tri Thủy (Phú Xuyên) xác nhận khu đất có nguồn gốc đất công

Con đường bị “thắt cổ chai” khi đi đến khu đất được cho là lấn chiếm đất đình làng. (Ảnh: Vy Hương)
(PLVN) - Sự việc xảy ra tại thôn Vĩnh Ninh, xã Tri Thủy, huyện Phú Xuyên, Hà Nội, đã kéo dài nhiều năm. UBND xã xác nhận khu đất bị khiếu kiện tập thể có nguồn gốc đất công và UBND huyện đã có văn bản chỉ đạo, nên hàng chục hộ dân trong thôn đề nghị cơ quan chức năng sớm có các động thái xử lý dứt điểm.

Hàng loạt vi phạm xây dựng tại cơ sở Quê Nhà (TP HCM): Phường Thảo Điền cho biết đang đôn đốc lên phương án cưỡng chế

Hàng loạt vi phạm xây dựng tại cơ sở Quê Nhà (TP HCM): Phường Thảo Điền cho biết đang đôn đốc lên phương án cưỡng chế
(PLVN) - Kết luận thanh tra (KLTT) của Thanh tra TP Thủ Đức (TP HCM) đã nêu rõ một số công trình xây dựng, trong đó có cơ sở kinh doanh Quê Nhà trên đường Nguyễn Văn Hưởng, phường Thảo Điền, là không phép, sai phép, phải cưỡng chế buộc thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả. Nhưng đến nay, một số cơ sở đã không chấp hành các quyết định xử phạt, cưỡng chế, thậm chí còn xuất hiện dấu hiệu vi phạm mới.

Diễn biến sự việc liên quan Công ty Nhựt Phát - Tây Ninh: Chi cục Thuế quận 4 (TP HCM) có văn bản trả lời

Diễn biến sự việc liên quan Công ty Nhựt Phát - Tây Ninh: Chi cục Thuế quận 4 (TP HCM) có văn bản trả lời
(PLVN) - Liên quan sự việc Cty TNHH Sản xuất Tinh bột khoai mì Nhựt Phát - Chi nhánh Tây Ninh khiếu nại Kết luận thanh tra 987/KL-UBND (KLTT) của UBND tỉnh Tây Ninh cho rằng mình không trốn thuế; mới đây, Chi cục Thuế quận 4 (TP HCM, là đơn vị quản lý số hóa đơn liên quan vụ việc) đã có văn bản trả lời Báo PLVN.

Sắp phúc thẩm vụ “làm giả con dấu” tại Công ty Hoàng Long (Nam Định): Một số tình tiết cần làm rõ

Bản án 83/2024/HS-ST (bên trái) và Đơn của gia đình bị cáo Long gửi PLVN. (Ảnh: Hà Sơn)
(PLVN) - Dự kiến ngày mai (9/1), TAND Cấp cao tại Hà Nội sẽ mở phiên phúc thẩm vụ án bị cáo Lưu Văn Long (SN 1955, ngụ TP Nam Định, tỉnh Nam Định) “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức” và “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Trước đó, tại phiên sơ thẩm, bị cáo Long bị TAND tỉnh Nam Định tuyên lần lượt 3 năm 6 tháng tù và 2 năm 6 tháng tù về hai tội danh này.

Chuyển nơi cư trú có phải đổi đăng ký xe ô tô không?

Ảnh minh họa
(PLVN) - Bạn đọc hỏi: "Trước đây tôi cư trú tại Hà Nội, hiện giờ tôi mới chuyển vào TP Hồ Chí Minh. Tôi muốn hỏi Bộ Công an, trường hợp của tôi có phải đổi đăng ký xe ô tô khi chuyển nơi cư trú không? Nếu phải đổi thì tôi phải làm những thủ tục gì?".

Mức phạt lỗi sử dụng điện thoại khi lái xe từ 1/1/2025

Luật sư Lê Hiếu.
(PLVN) - Bạn Huy Phong (Hà Nội) hỏi: Do nhiều lúc phải giải quyết công việc gấp nên tôi hay sử dụng điện thoại khi đang lái xe. Xin hỏi, theo Nghị định 168/2024/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực từ 1/1/2025 thì hành vi sử dụng điện thoại khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông sẽ bị xử phạt như thế nào?