Người cha tự ý bán toàn bộ đất nông nghiệp cấp cho hộ gia đình
Theo nội dung vụ án, nguồn gốc thửa đất số 123, tờ bản đồ số 320-C-III, diện tích 1118m2, địa chỉ khu vực 9 xã Cát Quế, huyện Hoài Đức, Hà Nội nguyên là của cha mẹ để lại cho ông Mầu Tiến Viễn (chồng bà Gái). Thực hiện chủ trương của nhà nước theo Nghị định 64/CP về việc giao đất nông nghiệp cho các hộ dân, xã Cát Quế đã đề nghị công nhận phần diện tích đất thổ cư cho gia đình ông Mầu Tiến Viễn là 360m2 và 758m2 đất nông nghiệp (trong đó có 75m2 đất kinh tế phụ gia đình) cấp cho 5 thành viên gia đình ông Viễn gồm: ông Mẫu Tiến Viễn, anh Mẫu Tiến An, chị Mầu Thị Đăng, chị Mẫu Thị Yến và anh Mầu Văn Thái. Năm 1992, UBND huyện Hoài Đức đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với 360m2đất thổ cư và 75m2 đất kinh tế phụ gia đình cho hộ ông Mầu Tiến Viễn.
Ngày 30/7/1994, ông Viễn chuyển nhượng diện tích đất thổ cư và toàn bộ đất nông nghiệp cho ông Trần Hữu Kết. Việc chuyển nhượng được ông Viễn và ông Kết lập thành 2 văn tự là: Văn tự bán tài sản và đất thổ cư.
Trong đó, “Văn tự chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp” có nội dung: “Hiện nay gia đình tôi được nhà nước giao quyền sử dụng số diện tích đất nông nghiệp trong vườn trại đang ở là 2 sào 5 thước thuộc đội 9 thôn Tam Hợp, xã Cát Quế. Nay gia đình tôi đi làm kinh tế ở miền Nam nên đã nhất trí chuyển nhượng cho anh Trần Hữu Kết quyền sử dụng số diện tích đất nông nghiệp 2 sào 5 thước trong thời hạn giao đất của nhà nước là 20 năm và ông Kết có nghĩa vụ nộp thuế sử dụng đất đối với nhà nước. Sau thời hạn đó, chính sách ruộng đất của nhà nước thay đổi hoặc chia lại ruộng đất, ông Kết được quyền nhận số đất được chia trong vườn trại trong cùng thửa đất này, còn phần đất của tôi chính quyền giao ở đâu tôi nhận ở đó. Kể từ nay, ông Kết được quyền thu hoạch cây cối, hoa màu trên diện tích đất này.”
Năm 2003 ông Viễn mất. Năm 2013 bà Gái và chị Đăng có đến nhà ông Kết yêu cầu trả đất thì ông Kết đề nghị để hết hạn thuê đất sẽ trả (theo hợp đồng là thuê 20 năm). Theo các nguyên đơn trình bày, tháng 7/2014 ông Kết gọi bà Gái về và mời địa chính xã là bà Hoàng Thị Hằng và trưởng thôn đến đo đất trả lại bà Gái diện tích đất đã mượn.
Tuy nhiên, sau khi đo xong, cắm mốc giới, bà Gái mang gạch xây ranh giới thì ông Kết không đồng ý. Bà Gái làm đơn yêu cầu UBND xã Cát Quế hòa giải, nhiều lần nhưng không thành. Nay bà Gái và 5 người con yêu cầu ông Kết trả lại toàn bộ thửa đất. Tại phiên tòa sơ thẩm bà Gái rút yêu cầu đòi 360m2 đất thổ cư và đã được tòa án chấp nhận, phía nguyên đơn chỉ kiện đòi lại diện tích đất nông nghiệp.
“Văn tự chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp" có nội dung ghi thời hạn chuyển nhượng trong 20 năm. |
Phía bị đơn ông Trần Hữu Kết trình bày: Năm 1994 gia đình ông Viễn đi làm kinh tế mới ở Lâm Đồng nên làm thủ tục chuyển nhượng toàn bộ thửa đất (gồm cả đất thổ cư và đất nông nghiệp) cho ông. Hợp đồng được lập giữa 2 bên bằng “Văn tự bán tài sản và đất thổ cư” và “Văn bản chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp” lập cùng ngày 30/7/1994. Cả 2 văn bản đều có chữ ký của ông Kết, ông Viễn, bà Gái và những người làm chứng.
Hai văn tự được UBND xã Cát Quế chứng thực ngày 4/8/1994. Hai bên đã tiến hành giao tiền và tài sản trong tháng 8/1994. Ông Kết khẳng định buổi chuyển nhượng có mặt bà Gái, bà Gái có ký vào văn tự trước những người làm chứng. Gia đình ông Kết đã sử dụng từ đó đến nay. Nay bà Gái và các con đòi lại đất thì ông không chấp nhận.
Quan điểm giải quyết của Tòa phúc thẩm "vênh" với cấp sơ thẩm và Viện kiểm sát
Tại phiên tòa sơ thẩm, bà Gái khẳng định không có mặt tại buổi chuyển nhượng và tất nhiên bà không thể ký vào văn tự chuyển nhượng vì bà không biết chữ. Còn ông Kết trình bày khi làm văn tự xong đã đọc cho tất cả hai bên cùng nghe và ký vào văn tự. Việc bà Gái cho rằng bà không có mặt, không ký và không biết chữ ông không đồng ý. Ông Kết khẳng định chính tay và Gái ký kết văn bản với gia đình ông, nếu sai ông chịu trách nhiệm trước pháp luật. Theo ông Kết việc mua bán đã xong, ông không đồng ý trả lại đất.
Tại bản án sơ thẩm số 11/2017/DS-ST ngày 16/8/2017 của TAND huyện Hoài Đức (Hà Nội) tuyên chấp nhận yêu cầu khởi kiện của phía nguyên đơn. Xác định Văn tự chuyển nhượng đất nông nghiệp lập ngày 30/7/1994 giữa ông Mầu Tiến Viễn và vợ là bà Nguyễn Thị Gái với ông Trần Hữu Kết là vô hiệu. Buộc gia đình ông Kết phải trả lại cho bà Gái và các con diện tích đất nông nghiệp là trên 807m2 (trong đó có 75m2 đất kinh tế phụ gia đình và 732,9m2 đất nông nghiệp. Phía các nguyên đơn phải thanh toán cho gia đình ông Kết tổng số tiền các công trình, cây cối trên đất trị giá gần 78 triệu đồng. Ngoài ra án sơ thẩm còn tuyên án phí và một số nội dung liên quan.
Không đồng ý với quyết định của bản án sơ thẩm, phía bị đơn ông Trần Hữu Kết đã kháng cáo.
Bản án phúc thẩm số 230/2017/DS-PT có đường lối xử lý "vênh" với đề nghị của đại diện Viện kiểm sát và bản án sơ thẩm. |
Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 20/12/2017 của TAND TP Hà Nội xét kháng cáo của bị đơn, đại diện VKS cho rằng bản án sơ thẩm xác định Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp lập ngày 30/7/1994 giữa ông Viễn và ông Kết vô hiệu là do ông Viễn không có quyền định đoạt cả phần của các thành viên khác trong hộ gia đình được giao đất là có căn cứ nhưng lại không giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu, xác định lỗi của các bên theo quy định tại Điều 137 Bộ luật Dân sự làm ảnh hưởng đến quyền lợi ích hợp pháp của các đương sự. Đại diện VKS cho rằng, do bản án sơ thẩm vi phạm nghiêm trọng tố tụng và nội dung, cấp phúc thẩm không thể khắc phục được nên đề nghị tuyên hủy toàn bộ án sơ thẩm giao hồ sơ về tòa án cấp sơ thẩm xét xử lại từ đầu.
Tuy nhiên, đề nghị của VKS không được HĐXX chấp nhận. Bản án phúc thẩm nhận định: Theo quy định tại Điều 75 Luật Đất đai 1993 thì “Hộ gia đình, cá nhân được giao sử dụng đất nông nghiệp có quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp cho người khác khi chuyển đi nơi khác”. Do thời điểm năm 1994 gia đình ông Viễn chuyển đi Lâm Đồng làm kinh tế mới nên có quyền chuyển nhượng diện tích đất nông nghiệp được giao.
Về Văn tự chuyển nhượng đất, cấp phúc thẩm cho rằng toàn bộ diện tích đất nông nghiệp, đất phần trăm không có tiêu chuẩn của bà Gái; do đó việc bà Gái ký hay không ký vào hợp đồng chuyển nhượng cũng không có giá trị, không làm thay đổi tính có hiệu lực của hợp đồng vì bà Gái không phải người có quyền định đoạt phần đất này.
Hơn nữa, diện tích đất kinh tế gia đình 5% chỉ đứng tên ông Viễn trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và diện tích đất nông nghiệp chưa được cấp giấy chứng nhận. Ông Viễn là chủ hộ gia đình và chính tay ông Viễn viết vào văn tự là: “Gia đình tôi đi làm kinh tế ở miền Nam nên đã nhất trí làm giấy chuyển nhượng”.
Bản án phúc thẩm tuyên áp dụng tương tự án lệ số 04/2016/AL tuyên bác yêu cầu khởi kiện về việc hủy “Văn tự chuyển nhượng đất nông nghiệp” ngày 30/7/1994 giữa ông Mầu Tiến Viễn và ông Trần Hữu Kết đòi lại diện tích đất nông nghiệp tại thửa số 123 thôn Tam Hợp; bác yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại của phía nguyên đơn đối với gia đình ông Kết. Ngoài ra bản án phúc thẩm còn tuyên về án phí và một số nội dung khác.
Vì sao vụ án bị khiếu nại theo thủ tục giám đốc thẩm?
Được biết ngay sau khi nhận được bản án phúc thẩm, các nguyên đơn đã làm đơn khiếu vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm. Đơn khiếu nại của các nguyên đơn trình bày, nội dung “Văn tự chuyển nhượng đất nông nghiệp” ngày 30/7/1994 ghi rõ: ông Viễnchỉ chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho ông Kết được sử dụng đất nông nghiệp của mình trong thời hạn 20 năm chứ không phải bán vĩnh viễn. Hồ sơ địa chính ở xã vẫn ghi nhận hộ gia đình ông Viễn là chủ sử dụng thửa đất nông nghiệp và Công văn 8639 ngày 04/12/2017 của UBND huyện Hoài Đức thì UBND huyện Hoài Đức tiếp tục giao diện tích đất nông nghiệp này cho gia đình ông Viễn.
Mặt khác, diện tích đất nông nghiệp nêu trên có 75m2 đất kinh tế phụ gia đình là tiêu chuẩn giao của 3 người: ông Viễn, anh An, chị Đăng và 683m2 đất nông nghiệp là tiêu chuẩn giao của 5 người là: ông Viễn, anh An, chị Yến, chị Đăng, anh Thái. Việc ông Viễn tự ý ký văn tự nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp cho ông Kết khi chưa có sự đồng thuận của các thành viên có quyền lợi là trái pháp luật, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các thành viên trong gia đình.
Như vậy, có căn cứ để xác định văn tự chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp là vô hiệu do vi phạm điều cấm của pháp luật. Và thực tế, bản án sơ thẩm cũng đã dựa vào các quy định trên để tuyên văn tự chuyển nhượng quyền sử dụng đất này là vô hiệu.
Nhưng bản án phúc thẩm lại công nhận văn tự chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp là hợp pháp với lý do: áp dụng án lệ 04/2016/AL và điểm b3 khoản 2.3 điều 2 mục II nghị quyết 02/2004/NQ-HĐTP ngày 10/8/2004 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC. Việc áp dụng này là không đúng bởi Văn tự chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa ông Viễn và ông Kết ngày 30/7/1994 có ghi thời gian chuyển nhượng quyền sử dụng đất là 20 năm.
Việc bản án phúc thẩm áp dụng án lệ cho rằng các thành viên nhà ông Viễn biết hay không biết vẫn coi hợp đồng chuyển nhượng là có hiệu lực là không đúng pháp luật, bởi các thành viên có quyền lợi không ký. Việc ông Viễn tự ý bán đất (viết Văn tự chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp) của hộ gia đình lại được Tòa án phúc thẩm TAND TP Hà Nội tuyên hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp ngày 30/7/1994 có hiệu lực pháp luật là không đúng pháp luật.
Vì vậy, các nguyên đơn đã làm đơn rất nhiều lần đề nghị ông Chánh án TAND Cấp cao tại Hà Nội kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án số 230/2017/DS-PT ngày 20/12/2017 của TAND TP Hà Nội nhưng đến nay đã hơn 3 năm, Tòa án Cấp cao tại Hà Nội vẫn không có thông tin giải quyết việc đề nghị giám đốc thẩm của các nguyên đơn. Điều này rất có thể xảy ra những hậu quả xấu từ một bản án được tuyên không đúng pháp luật, khiến quyền lợi của các nguyên đơn càng bị xâm hại nghiêm trọng.