Bài tập về nhà của cô giáo dạy văn giúp bà con dân tộc thiểu số có chợ

Học sinh Trường THPT Trường Chinh tham gia xây chợ cho người dân tộc Jarai (ảnh nhà trường cung cấp).
Học sinh Trường THPT Trường Chinh tham gia xây chợ cho người dân tộc Jarai (ảnh nhà trường cung cấp).
(PLO) - Từ ý nghĩa trong mỗi bài học, cô và trò Trường THPT Trường Chinh (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) đã bắt tay nhau thành lập dự án “Tôi yêu Chư Sê” nhằm quyên góp, xây dựng chợ, giúp đỡ những người nghèo khó trong cộng đồng. 

“Thông qua dự án này, cái lớn nhất mà các em có được chính là niềm tin đối với các em, tình yêu thương trong cuộc sống. Nhiều em sau khi được trực tiếp trải nghiệm dự án đã thay đổi thái độ học tập hoàn toàn, các em nhìn môn Ngữ văn với con mắt hào hứng hơn trước kia. Dự án này đã mang lại ý nghĩa rất nhân văn, sâu sắc”, cô Chi chia sẻ.

Dự án “Tôi yêu Chư Sê” 

Theo cô Đinh Thị Phương Chi (giáo viên Ngữ văn, Trường THPT Trường Chinh, người khởi xướng dự án “Tôi yêu Chư Sê”), khi dạy cho học trò tác phẩm “Hai đứa trẻ” của Thạch Lam, cô đặt ra một câu hỏi: Tác giả đã làm gì để giúp đỡ những mảnh đời cơ cực, hay cũng bởi đang bế tắc trong cuộc sống nên tác giả chỉ dừng lại ở việc xót thương những nhân vật của mình?

Kết thúc tiết học, cô giao bài tập về nhà cho học sinh, yêu cầu các em chụp hình lại những mảnh đời cơ cực, kém may mắn quanh mình. 

“Thật bất ngờ, tôi đã nhận được những bộ ảnh cùng lời thuyết trình vô cùng xúc động của học sinh, nhiều em đã khóc tại lớp học. Trong những bộ ảnh đó, tôi ấn tượng với những tấm hình chụp đồng bào dân tộc thiểu số bán hàng rong nép mình vào 2 bên đường trong chợ. Họ không có một chỗ ngồi bán hàng cố định để người mua tìm đến. Tất cả những cảm xúc đó đã thôi thúc cô trò bàn bạc xây dựng một dự án cộng đồng để giúp đỡ đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương”, cô Chi tâm sự.

Ngay sau đó, cô Chi trình bày dự án “Tôi yêu Chư Sê” nhằm xây dựng một ngôi chợ mới cho người dân tộc Jarai với Ban Giám hiệu nhà trường và nhận ngay được sự đồng ý. Hiệu trưởng nhà trường ký vào lá thư ngỏ để tạo điều kiện cho cô trò đi quyên góp vận động. Chính quyền địa phương cũng ủng hộ nên cô trò Trường THPT Trường Chinh rất tự tin. 

Để thực hiện dự án, cô Chi đi khảo sát địa điểm và được anh Võ Xuân Hải (ngụ 40 Quang Trung, thị trấn Chư Sê) hiến 60m2 đất trống để xây chợ. Sau đó, cô chia chia 30 em học sinh thành 2 nhóm. Nhóm 1 đi vận động quyên góp tiền và nhóm 2 tiến hành lắp đặt xây dựng khu chợ. 

“Sau khi thảo thuận, chúng tôi đã thống nhất và chọn những em có khả năng ăn nói, giao tiếp tốt để tìm nguồn hỗ trợ xây chợ. Nhóm học sinh nam còn lại thì cùng với các thầy cô để tiến hành đào đất….”, cô Chi chia sẻ.

Thấy dự án thiết thực, nhiều người dân cũng chung tay ủng hộ tiền, một số doanh nghiệp vật liệu xây dựng trên địa bàn thị trấn còn ủng hộ thêm tôn, xi măng, thép cho các em học sinh xây chợ. Những em học sinh có sức khỏe thì đẩy hồ, dựng trụ cùng các bác thợ. Các bạn nữ thì lo nước nôi, quét dọn. Sau 1 tháng làm tranh thủ, đến giáp Tết Mậu Tuất 2018, khu chợ đã hoàn thành với mái che kiên cố, nền xi măng sạch sẽ. 

“Dự án của cô và trò Trường THPT Trường Chính quá ý nghĩa vì tôi cũng thấy thương những người dân tộc thiểu số bán hàng rong. Ngay sau khi hoàn thành, các bà, các chị bán hàng rong đã vào chợ để buôn bán ổn định. Những học trò là người dân tộc thiểu số còn xuống chợ, giúp mọi người biết cách chia nhỏ các mặt hàng, chủ yếu là sản phẩm do chính tay bà con làm ra, để tiện cho việc mua bán”, anh Hải cho biết.

Giúp học sinh trải nghiệm cuộc sống

Theo cô Chi, trong mỗi ý tưởng mới được đưa vào áp dụng, giảng dạy, cô luôn tìm cách định hướng cho học sinh tính hướng thiện, giúp đời, giúp người. Chính vì vậy, cô luôn muốn các em học sinh thông qua bài học có thể trải nghiệm, vừa đóng góp thêm sức nhỏ bé, đồng cảm và chia sẻ cùng khó khăn của người dân.

“Trong quá trình thực hiện dự án “Tôi yêu Chư Sê”, tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc khi gặp được rất nhiều người tốt, họ sẵn sàng giúp đỡ khi cô trò tôi trình bày dự án”, cô Chi chia sẻ.

Em Nguyễn Thị Thu Hằng (học sinh lớp 11A1) bày tỏ: “Em rất thích bài tập về nhà của cô Chi khi cô yêu cầu chúng em chụp lại những mảnh đời cơ cực quanh mình. Em đã dành thời gian để cùng các bạn đi vào làng, đi vào chợ và thấy được những số phận kém may mắn, để từ đó thấy cuộc sống của mình quá đủ đầy mà đôi khi mình còn đòi hỏi quá đáng từ bố mẹ.

Khi cô phát động thực hiện dự án xây chợ cho các cô, các chị đi bán hàng rong là người dân tộc thiểu số, em tham gia ngay. Em đã cùng các bạn đi vận động mọi người ủng hộ và trong suốt quá trình đó, em học được nhiều bài học quý từ cuộc sống”.

“Em nhận ra, không ai có nghĩa vụ tin mình, thương mình ngoài gia đình. Dần dần em biết cách thuyết phục những người không quen biết tin mình, ủng hộ mình để làm việc ý nghĩa. Có một bác mất gần 30 phút tìm hiểu xem tên người ký vào thư ngỏ cho chúng em có đúng là cô Hiệu trưởng của Trường THPT Trường Chinh không.

Sau khi xác định đúng, bác rút ra ủng hộ chúng em 20 ngàn đồng. Chúng em rất vui khi chứng minh cho mọi người thấy rằng mình đang nỗ lực cho một dự án cộng đồng ý nghĩa”, em Trịnh Ngọc Quốc (học sinh lớp 12A5) vui vẻ cho hay.

Chị Nguyễn Thị Thu Thùy (ngụ thị trấn Chư Sê, phụ huynh một học sinh) chia sẻ: “Các cô và nhà trường đã có những ý tưởng rất bổ ích, vì giúp được đông đảo bà con đồng bào, vừa giúp được học sinh tăng cường kỹ năng sống và tình yêu thương giữa người với người. Khi về, con tôi cũng tự giác làm việc nhà và các việc xã hội nhiều hơn”.

Theo cô Nguyễn Thi Huệ - Hiệu trưởng Trường THPT Trường Chinh, mục tiêu ban đầu của dự án “Tôi yêu Chư Sê” là nhà trường chỉ mong muốn các em giúp đỡ được người dân tộc Jarai, nhưng không ngờ được sự đón nhận và ủng hộ của đông đảo người dân. Qua dư án này, học sinh đã làm được một việc rất có ích mà lâu nay các em không nghĩ có thể làm được. Ngay cả các thầy cô cũng vậy, lâu nay các thầy cô chỉ có dạy chữ thôi nhưng bây giờ nhiều thầy cô nhận ra rằng dạy các em làm người còn quan trọng hơn. 

“Từ thành công của dự án “Tôi yêu Chư Sê”, sắp tới nhà trường cùng giáo viên và các em học sinh sẽ tiếp tục lên kế hoạch và thực hiện dự án mới là “Tôi yêu Trường Chinh” nhằm xây dựng và làm đẹp thêm chính ngôi trường các em đang theo học; đồng thời thực hiện nhiều dự án khác nhằm giúp các bạn học sinh có hoàn cảnh khó khăn trong trường và xây dựng nhà bán trú cho các em học sinh đồng bào có nhà ở cách xa trường”, cô Huệ cho biết.

Đọc thêm

Lịch nghỉ lễ 30/4 - 1/5 của học sinh, sinh viên

Ảnh minh họa
(PLVN) - Đa số sinh viên cả nước đều được nghỉ lễ 30/4 - 1/5 trong 5 ngày, một số trường đại học cho sinh viên nghỉ dài hơn, có nơi kéo dài 8 ngày. Lịch nghỉ và học bù của học sinh sẽ được điều chỉnh phù hợp.

Hoàn thiện chính sách phát triển giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi

Trường phổ thông dân tộc nội trú được Nhà nước thành lập cho học sinh là người dân tộc thiểu số, học sinh thuộc gia đình định cư lâu dài tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. (Nguồn ảnh: baochinhphu.vn)
(PLVN) - Trong những năm qua, nhờ sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, sự nghiệp giáo dục và đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi có những chuyển biến đáng kể. Để phát huy những kết quả đã đạt được, cần tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách đã ban hành, đồng thời nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục đối với khu vực này.

Cần chuẩn bị gì cho thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025?

Học sinh cần xác định lộ trình học tập phù hợp với năng lực và kì thi mình tham gia. (Ảnh minh họa - Nguồn: ĐN)
(PLVN) - Kì thi tuyển sinh đại học những năm gần đây đã có nhiều thay đổi cùng với các kì thi riêng của các trường đại học lớn… Đồng thời, kì thi tốt nghiệp THPT cũng đổi mới phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Vậy học sinh và phụ huynh cần chuẩn bị gì cho những kì thi từ năm 2025 theo chương trình mới?

Sinh viên tốt nghiệp đào tạo nghề và cơ hội được chào đón ở Đức

Đại diện ĐSQ Đức và GIZ chụp ảnh cùng ban lãnh đạo trường Cao đẳng Công nghệ quốc tế LILAMA2.
(PLVN) - Những sinh viên tốt nghiệp có trình độ cao đầu tiên được hỗ trợ bởi Cơ quan hợp tác phát triển của Đức (GIZ) đang trên hành trình đến Đức. Điều này đánh dấu sự khởi đầu một chương đầy hứa hẹn cho lao động lành nghề Việt Nam và hệ thống đào tạo Việt Nam trên trường toàn cầu.