Từng suýt chết vì bị rắn độc cắn
Ngôi nhà ông Hoàng Văn Lê đang ở nằm cách trung tâm xã Điện Quan chừng 1km. Ở bản Phàng, người ta gọi ông là “Lê rắn”. Nói về biệt hiệu này, ông Hoàng Văn Lê bảo: “Từ nhỏ tôi đã là thợ bắt rắn nên nhiều lần bị rắn cắn. Chính vì bị rắn cắn nhiều nên tôi tự mày mò học hỏi để biết cách chữa trị rắn độc cắn. Cuộc sống của tôi cứ quanh quẩn gắn với con rắn nên bà con đặt cho như vậy”.
Đang trò chuyện với phóng viên bên chén trà nóng thì ở ngoài sân nhà ông Lê có một tốp người chạy đến gọi rối rít xen lẫn tiếng sụt sịt. Hành nghề lâu năm nên ông Lê biết đây là một ca bị rắn cắn đến nhờ ông cấp cứu. Nạn nhân là cậu bé 10 tuổi người ở bản bên bị rắn rừng cắn vào bắp chân. Phần vì sợ, phần vì đau nên cậu bé tím tái mặt mày, rên hừ hừ khiến bà và mẹ cũng sợ hãi khóc theo.
Ông Lê trấn an họ rồi nhanh nhẹn tiến hành vệ sinh, sơ cứu vết thương rồi bôi thuốc và dặn dò người nhà nạn nhân cứ yên tâm, mọi việc sẽ ổn. Xong mọi công đoạn, ông quay trở lại nhà tiếp tục hàn huyên với khách.
Ông bảo: “Cậu bé bị rắn cắn, do người nhà tưởng là rắn độc, vội đưa đến đây. Tôi xem vết cắn biết đó là loại rắn sống ở ruộng, không gây nguy hiểm nên không cần chữa trị”. Theo ông Lê, đã hành nghề được gần 40 năm, chỉ cần xem vết cắn ông biết ngay đó là loại rắn gì, có độc hay không. Đặc biệt, ông chỉ chữa trị cho những trường hợp bị rắn độc cắn, còn những loại rắn bình thường, nhất định ông không cho thuốc.
Ông Lê kể: Năm 18 tuổi, trong một lần đi rừng bắt rắn, ông bị rắn hổ mang chúa cắn vào gót chân phải. Ông rút từ trong người ra đoạn dây vải để ga-rô vết thương rồi lết từng bước về nhà trong sự hoảng sợ của gia đình. Chạy chữa nhiều nơi mà độc tố trong người ông không hề giảm, thay vào đó, cơ thể ông mỗi lúc một phù to, chân dần bị hoại tử. Không ăn, uống được gì, ông đành nằm ở nhà phó mặc số phận.
Tưởng chừng cái chết đã cận kề, may sao bà ngoại ông là bà lang Lương Thị Lan, ở xã Xuân Hòa, vừa đi chữa bệnh cho người dân từ Hà Giang trở về. Nghe tin cháu nguy kịch, bà Lan tức tốc vượt núi mang theo phương thuốc gia truyền đến giải độc tố. Chỉ gần nửa tiếng đồng hồ sau khi dùng thuốc, ông Lê dần hồi tỉnh và sau một tuần thì cơ thể trở lại bình thường.
Sau lần bị rắn cắn suýt chết đó, vì công việc mưu sinh nên ông Lê vẫn phải tiếp tục đi rừng, thậm chí hành nghề bắt rắn. Ông nghiệm ra rằng bản thân phải biết chút bí quyết chữa trị rắn cắn cũng như những bài thuốc thông thường để tự cứu mình và cứu mọi người. Vậy nên ông năn nỉ xin bà ngoại dạy cách làm thuốc chữa bệnh.
Một góc bản làng ở Điện Quan, Bảo Yên |
Trị nọc độc rắn bằng 3 loại lá rừng
Mất một năm ròng rã, ông Lê mới học được những bí quyết trong bài thuốc gia truyền của bà ngoại. Ông đã theo bà ngoại đi khắp nơi để xem và phụ giúp bà trong mỗi ca chữa trị rắn độc cắn. Đến bây giờ, ông Lê còn nhớ rất rõ ca cấp cứu đầu tiên mà mình đã cho thuốc. Đó là trường hợp của chị Lục Thị Phấn, người cùng bản.
Chị Phấn đi tắm suối bị rắn nước (loại có độc) cắn vào tay, chất độc phát tác khiến chị đau đớn. Ông Lê nhận chữa trị cho chị Phấn, nhưng không khỏi sợ hãi và lo lắng vì đây là ca đầu tiên của ông. Trấn tĩnh và nhớ lại câu nói của bà ngoại: “Nạn nhân bị rắn độc cắn, nếu được sử dụng bài thuốc gia truyền sẽ không bao giờ chết”, ông liền chạy một mạch vào rừng hái về 3 loại lá thuốc, đem giã nhuyễn.
Phần nước đưa cho chị Phấn uống, phần bã ông đem bôi lên cánh tay, nơi có vết rắn cắn. Khoảng 30 phút sau, ông Lê tháo dây ga rô trên tay bệnh nhân, chị Phấn bắt đầu tỉnh táo và trở lại bình thường.
Ông Hoàng Văn Lê tiết lộ: “Ba loại lá sử dụng trong bài thuốc trị nọc độc rắn là 3 loại rau rừng mà dân bản hay ăn. Người dân dùng 2 trong 3 loại lá cùng một lúc sẽ không sao, nếu sử dụng cả 3 lá thì sẽ tạo thành chất độc, khi đó không thể cứu chữa được. Nhưng nếu bị rắn độc cắn, dùng độc trị độc thì các loại lá này mới phát huy hiệu quả”.
Chỉ cần bệnh nhân sau khi bị rắn cắn được ga rô cẩn thận, trong vòng 7 - 8 tiếng đồng hồ không uống nước là có thể cứu chữa. Tiếng lành ngày một đồn xa, người dân trong bản và khắp vùng lân cận khi bị rắn cắn lại tìm đến ông Hoàng Văn Lê để được chữa trị. Mỗi ca chữa trị xong, ông đều khuyên mọi người khi bị rắn cắn thì không được uống nước và rượu. Nếu uống nước, nọc độc rắn sẽ “chạy” đến tim nhanh hơn.
Hơn nữa, dân gian hay có thói quen dùng dây bằng cao su để ga rô cho người bị rắn cắn, nhưng theo ông Lê, đó lại là thói quen sai lầm, vì ga rô bằng cao su sẽ làm cho tĩnh mạch bị vỡ dẫn đến hoại tử. Bởi vậy, ông luôn khuyên mọi người dùng dây vải để ga rô sẽ bớt đau đớn và dễ chữa trị hơn.
Hành nghề gần 40 năm, bằng phương thuốc gia truyền được thừa hưởng từ bà ngoại, ông Lê chưa để xảy ra một trường hợp đáng tiếc nào. Tất cả nạn nhân bị rắn độc cắn tìm đến ông đều được chữa khỏi. Mỗi nạn nhân sau khi được cứu chữa, ông Lê đều ghi tên vào sổ cẩn thận, đến nay con số đã lên đến 530 người. Không có bằng cấp, nhưng sống ở nơi rừng núi có nhiều loài rắn độc, thầy lang như ông Lê đã trở thành “bác sĩ” của bản, hành nghề bằng cái tâm, cái đức để cứu người.