Giả vờ tình một đêm để cứu mạng sống
Abargil trở thành Miss Israel vào tháng 3/1998 khi mới 18 tuổi và tháng chín năm đó được mời sang Milan, Italy, làm người mẫu.
Khi chỉ còn một tháng rưỡi trước vòng chung kết Miss World, cô muốn trở về Israel để thăm gia đình và được công ty người mẫu giới thiệu cho nhân viên lữ hành Uri Schlomo Nur, một người Israel sinh ra ở Ai Cập.
Abargil đi cùng xe với Nur ra sân bay Milan để đến Rome và từ đó bay về Israel mà không biết nguy hiểm đang rình rập ngay trước mắt mình.
Chở Abargil đến một đoạn đường vắng, Nur đột ngột dừng xe lại, rút dao gí vào cổ cô đe dọa. Sau đó y lấy băng dính bịt miệng cô, trùm túi bóng lên đầu cô và bắt đầu cưỡng hiếp cô tàn bạo.
"Tôi biết Nur. Tôi tin y đã sắp xếp việc đi lại cho tôi. Y đã nói dối tôi suốt ba ngày rằng không có chuyến bay nào đến Rome. Tôi đã rất ngây thơ. Bạn sẽ không bao giờ nghĩ rằng có ai đó muốn lừa dối mình và tại sao chứ? Bạn không hề nghĩ mọi người có thể làm một điều tồi tệ như thế đối với người khác, nhất là khi bạn mới 18 tuổi", Abargil kể.
Khi Nur lấy dây thừng siết cổ Abargil, cô đã nghĩ rằng cuộc đời mình có lẽ sẽ chấm dứt tại đây. Tuy nhiên, bản năng sống còn đã giúp cô nhanh chóng lấy lại bình tĩnh và cố tỏ vẻ không sao.
"Tôi nói với y: “Hãy xem đây như chuyện tình một đêm”", cô kể. "Y liên tục nói rằng y xin lỗi và tôi đừng nói chuyện này với bất kỳ ai. Tôi đã hứa với y như thế. Tôi lấy gia đình y ra để thuyết phục và tôi đoán nó đã gây ảnh hưởng đến y. Y nói y có một đứa con trai".
Nhờ sự nhanh trí này, Abargil đã thuyết phục được Nur tha cho mình và thoát chết. Y sau đó đưa cô quay lại ga tàu Milan và bỏ đi. Abargil ngay lập tức gọi cho mẹ cô và kể về những gì đã xảy ra. Khi đó, cô mới dám bật khóc.
Cuộc đổi ngôi ngoạn mục
Abargil bắt chuyến tàu đến Rome và được một người bạn gái giúp trình báo về vụ cưỡng hiếp lên cảnh sát Italy trước khi bay về Israel.
Chỉ vài ngày sau, Nur bị bắt giam nhưng nhanh chóng được thả vì thiếu bằng chứng. Abargil không chấp nhận quyết định này và trình báo vụ việc đến các nhà chức trách Israel. Họ phát lệnh bắt giữ Nur và bắt đầu quá trình điều tra.
Sáu tuần sau, dù vẫn chưa thoát khỏi nỗi ám ảnh nhưng được sự động viên của mẹ mình, Abargil đã đồng ý đại diện Israel tham dự Miss World và bất ngờ trở thành tân hoa hậu thế giới.
"Khi đứng trên sân khấu với chiếc vương miện trên đầu, tôi nghĩ rằng đây là lần đầu tiên mình nhận ra những gì đã xảy đến và tôi cần về nhà ngay lập tức", cô nói.
"Tôi không thể ở lại đó thêm phút nào nữa. Từ chỗ suýt mất mạng, nay được đứng ở trên sân khấu lớn như thế với hàng triệu người đang theo dõi với tôi đã là quá đủ".
Ngay khi đó, chuyện Abargil bị cưỡng hiếp được báo chí Italy phanh phui và ngày hôm sau, câu chuyện lan truyền trên truyền thông quốc tế, cô trở thành gương mặt đại diện cho các nạn nhân bị cưỡng hiếp trên toàn thế giới.
Abargil trở về thị trấn quê nhà ở Israel trong vòng tay chào đón nồng nhiệt của người hâm mộ và trong cuộc họp báo sau đó, cô đã bật khóc khi lần đầu công khai chuyện mình bị cưỡng hiếp và suýt chết như thế nào trước đông đảo báo giới nước nhà.
Năm đó, Nur bị cơ quan chức năng dụ về Israel rồi bắt giữ và xét xử. Tuy nhiên, tại tòa án, y bác bỏ các cáo buộc của Abargil, nói rằng hai bên đã quan hệ tình dục đồng thuận và không nhận tội.
Đích thân Abargil đã quay lại Milan, tìm về những địa điểm liên quan đến vụ việc của mình, tìm lại thư ký của Nur, nói chuyện với các công tố viên để tìm hiểu bằng chứng, quyết tâm đưa Nur vào tù.
Tháng 10/1999, tòa án Israel kết tội Nur với bằng chứng ADN tìm thấy trên chiếc xe mà y cưỡng hiếp Abargil và cuối cùng y lĩnh án 16 năm tù.
Hoa hậu thế giới dũng cảm
Sau khi vụ án khép lại, Abargil chỉ muốn hàn gắn vết thương trong lòng và không muốn bàn luận thêm về những gì đã trải qua. Tuy nhiên, một số cô gái đã điện cho cô và tiết lộ rằng họ cũng từng là nạn nhân của Nur nhưng không có bằng chứng.
Điều đó khiến Abargil tin rằng cuộc đấu tranh kiên trì của cô để đưa Nur vào tù cần cần phải trở thành nguồn động lực cho các nạn nhân hiếp dâm khác lên tiếng.
Năm 2008, cô mở ra trang web "Brave Miss World" (Hoa hậu Thế giới Dũng cảm), mạnh dạn kể lại câu chuyện của mình và đón nhận hàng nghìn câu chuyện từ các cô gái bị cưỡng hiếp trên toàn thế giới. Hầu hết họ đều giấu kín chuyện này vì xấu hổ hoặc sợ hãi, hoặc không nhận được sự ủng hộ từ xã hội cũng như cơ quan chức năng.
Với tấm bằng cử nhân luật và sự ủng hộ từ gia đình, năm 2010, Abargil bắt đầu đi khắp thế giới để gặp những nạn nhân, lắng nghe họ chia sẻ và khuyến khích họ vượt qua nỗi sợ hãi để tố cáo kẻ đã làm hại mình.
"Tôi nghĩ việc lên tiếng rất quan trọng. Vì những phụ nữ không nói, họ không muốn tin những gì đã xảy ra. Họ sợ nhắc đến từ “cưỡng hiếp”. Tôi nghĩ khi các bạn đặt những gì đã xảy ra sang một bên và không còn sợ hãi khi đối diện với nó, bạn nhận ra rằng đó không phải là những gì làm nên con người bạn", cô nói.
Trong thời gian đó, cùng với nhà sản xuất được đề cử giải Oscar Cecilia Peck, cô đã thực hiện bộ phim tài liệu "Brave Miss World" về cuộc đời mình và hành trình đấu tranh cho các nạn nhân của bạo lực tình dục trên toàn thế giới.
Bộ phim mất bốn năm để hoàn thành và được ra mắt vào năm 2013. Trong đó, cả những ngôi sao Hollywood như Joan Collins và Fran Drescher cũng đồng ý xuất hiện và lần đầu công khai chuyện họ từng bị cưỡng hiếp.
"Về cơ bản, tôi đã muốn chết. Tôi thậm chí thực sự không quan tâm lắm về cuộc thi (Miss World) nhưng Chúa thì nghĩ khác. Tôi đoán rằng chiếc vương miện này là để giúp tôi làm những gì tôi đang làm hôm nay", cô chia sẻ./.