Mế Nguyễn Thị Hữu đang đọc nhẩm câu thần chú bằng tiếng Mường vào bát nước. Ảnh: M.P |
Thuật trị độc bằng “thần chú” của mế Hữu
Vào đến ngõ nhà mế Hữu, tôi gọi lớn vào trong nhà để hỏi thăm, chị Trương Thị Ngà (cháu dâu mế Hữu) đứng ở cửa nhìn ra, tưởng có người bị rắn cắn liền gọi mế bằng giọng gấp gáp. Chị định chạy ra giếng múc nước mang vào cho mế “yểm phép”, tuy nhiên khi chúng tôi giới thiệu, chị mới bớt căng thẳng. Khi biết phóng viên tỏ ý muốn tìm hiểu về thuật chữa rắn cắn, mế tỏ vẻ ngần ngại, tuy nhiên vì tôi nói được tiếng Mường nên mế Hữu trở nên thân thiện để tiếp chuyện với chúng tôi.
Năm nay đã bước sang tuổi 99 nhưng khi nhắc đến thuật trị độc rắn, mế vẫn còn nhớ như in: “Thật ra cách chữa nọc rắn độc này là do tổ tiên truyền lại. Cụ thân sinh ra tôi từng là một ông mo xứ Mường nức tiếng. Ông có thể chữa rắn độc cắn cực giỏi”. Lớn lên, mế Hữu thừa hưởng được bí quyết trị độc rắn của người cha truyền dạy. Nhờ đó mà mế đã cứu sống được hàng trăm người thoát khỏi lưỡi hái của “tử thần”.
Thấy tôi tỏ vẻ hoài nghi về cách “làm phép”, mế Hữu liền bảo cháu dâu ra giếng múc một bát nước lã vào nhà để làm thử. Sau khi có bát nước lã đặt trên giường, mế nhìn chăm chăm vào trong bát nước. Trong chốc lát, mế đưa nước lã lên miệng hà hơi và đọc thầm những câu “thần chú” bằng tiếng Mường rất khó hiểu.
“Làm phép” xong, mế đặt bát nước xuống giường và dặn tôi: “Thuốc được rồi, cứ mang về cho người nào bị rắn độc cắn uống một nửa, còn một nửa cứ vuốt xuôi lên cơ thể là khỏi”. Tự nhiên tôi thấy lạnh sống lưng vì cách trị độc rắn này quả thật là kỳ lạ và có vẻ phản khoa học. Chúng tôi đã từng chứng kiến rất nhiều lang y cao tay trong đạo Mường, tuy nhiên họ chữa độc rắn đều phải dùng bằng lá thuốc. Tôi vờ hỏi mế về câu “thần chú” nhưng mế một mực không nói.
Chị Ngà thấy tôi hỏi đi hỏi lại mới góp chuyện: “Mới năm ngoái, ông Trương Văn Sơn đi vào rừng lấy củi, chẳng may dẫm lên lưng con rắn cạp nia bị nó đớp vào bắp chân. Lúc bị cắn còn ở gần bản để chạy về xin nước phép của mế chứ không thì tính mạng sẽ không biết thế nào. Chú không tin thì cứ chạy lên nhà hỏi thì rõ hơn, ở bản này mế nhà tôi đã chữa cho rất nhiều người rồi”.
Ngoài biệt tài trị độc rắn cho người, mế Hữu còn chữa cho trâu bò. Trong làng, ngoài xã nếu gia đình nào có trâu bò bị rắn độc cắn là mế cho “nước phép” ngay. Đồ nghề trị độc rắn chẳng cần phải mang vật gì theo cho rườm rà. Người đến xin thuốc chỉ cần mang theo bát, chậu, ấm đựng nước…, sau đó đem về cho người trúng độc rắn uống và vuốt lên cơ thể là khỏi ngay. Mế Hữu dặn, khi vuốt nước lã nguyên tắc là phải vuốt xuôi, tức là vuốt từ trên đầu xuống dưới chân. Vuốt khi nào nước da người bị rắn độc cắn hồng hào trở lại là đã qua cơn nguy kịch.
Mặc dù đã cứu nhiều người trong tích tắc thoát khỏi thần chết nhưng với mế, người trị độc là phải có cái tâm, mình làm phúc chứ không phải vì danh lợi: “Tôi không xem đây là một nghề kiếm tiền mà chỉ muốn cứu giúp những người gặp nạn. Ai thành tâm chỉ cần mua một chai rượu, lạng chè thắp hương lên bàn thờ gia tiên để tỏ ơn cứu mạng là quý lắm rồi”.
Mế Hữu sinh được năm người con, tuy nhiên tất cả đều đã qua đời. Để lưu giữ thuật chữa trị độc rắn thần bí này, mế đã truyền nghề lại cho cháu nội tên là Trương Văn Thiên. Tuy mới học nghề nhưng anh Thiên cũng đã lĩnh hội được đầy đủ thuật chữa rắn độc cắn, do kinh nghiệm còn thiếu nên khi đi chữa trị anh vẫn còn phải nhờ mế chỉ dẫn.
Đi tìm nhân chứng
Để tìm lời giải cho thuật chữa rắn độc cắn đầy bí ẩn và kỳ lạ này, chúng tôi đã tìm đến nhà những người đã được mế chữa khỏi để hỏi chuyện. Đầu tiên là gia đình ông Trương Văn Sơn ở bản Cẩm Bộ bị rắn cạp nia cắn hồi tháng sáu năm ngoài. Khi nhắc đến chuyện bị rắn cạp nia cắn, ông Sơn vẫn chưa hết bàng hoàng.
Ông kể lại: “Vào giữa năm ngoái, tôi và thằng em trai đi lấy củi, chẳng may dẫm phải con rắn cạp nia bò trong bụi lau sậy ở vạt rừng sau nhà. Lúc bị rắn cắn, nọc độc phát tán quá nhanh và mạnh, chỉ sau mấy phút trúng độc thì toàn thân tôi đã cứng đờ, ngất lịm”.
Bà Quách Thị Thơm (vợ ông Sơn) góp chuyện: “Hôm ấy may là có chú Xuân đi cùng, nếu không thì tính mạng ông nhà sẽ không biết ra sao. Nghe đâu lúc bị rắn cắn, chú Xuân còn kịp ga rô vào bắp chân, xong xuôi mới cõng nhà tôi ra bìa rừng và đặt ở đường để chạy nhanh về bản. Khi xin được nước phép của mế Hữu, do vội nên chú Xuân bị ngã làm đổ mất một nửa ấm nước. May là vẫn còn một ít để uống và vuốt lên cơ thể, thế mà lại cứu sống được ông nhà tôi, đúng là kỳ lạ”.
Khi quét “nước phép” phải quét ướt từ đầu xuôi xuống hai bên lưng trâu. Ảnh: M.P |
Nhiều trường hợp khác cũng bị rắn độc cắn nặng như ông Sơn đó là anh Bùi Văn Ninh, trú tại bản Sánh; hay chị Quách Thị Xuân ở xã Thành Yên bị rắn hổ mang cắn tưởng không qua khỏi, nhưng khi được mế dùng “thần chú” và “nước phép” chữa trị thì đều qua cơn nguy kịch. Hiện tại, họ vẫn sống khỏe mạnh và không hề có di chứng gì để lại.
Theo lời giới thiệu của ông Sơn, chúng tôi tìm đến nhà chị Trương Thị Dụng, mới đây trâu đực của gia đình chị bị rắn độc cắn và được mế Hữu “làm phép” chữa trị. Chị Dụng nhớ lại: “Hôm đó đứa con tôi thả trâu cho ăn ở vạt rừng lau sậy đằng sau vườn, vừa được một lúc thì nó chạy về gọi hốt hoảng: “Mẹ ơi, trâu nhà mình bị ngã”. Trong đầu tôi lúc đó nghĩ ngay là trâu nhà đã bị rắn lục cắn, đây là một loại rắn cực độc, nó có thể giết chết trâu trong tích tắc. Không còn cách nào, tôi phải chạy sang nhà mế Hữu nhờ cụ đọc thần chú vào trong chậu nước mới cứu được con trâu này”.