Lo ngại không gìn giữ được quốc phục
Ở Tuần lễ thời trang Trung Quốc mùa xuân - hè 2019 diễn ra tại Bắc Kinh, nhà thiết kế (NTK) Trung Quốc đã giới thiệu những mẫu thiết kế có phom dáng và cấu trúc không khác gì áo dài Việt Nam mang thương hiệu Ne-Tiger.
Điều đáng nói là những thiết kế ấy được chú thích là “Chinese style” (phong cách Trung Quốc). Thậm chí, Zhang Zhifeng - nhà sáng lập Ne Tiger còn tuyên bố: “Khi sáng tạo ra bộ sưu tập, tôi đã nhấn mạnh vẻ kiêu sa cũng như phẩm giá của trang phục truyền thống Trung Quốc”.
Không chỉ có Nei Tiger, nhiều bộ sưu tập áo dài khác cũng đã và đang được giới thiệu ở Trung Quốc như là thành quả sáng tạo của họ. NTK Sỹ Hoàng kể lại câu chuyện năm 2008, trong khuôn khổ hoạt động kỷ niệm giao lưu văn hóa giữa Việt Nam và Nhật Bản tổ chức tại Tokyo - Nhật Bản, anh có dịp đi tham quan Bảo tàng Kimono, lúc đó tại bảo tàng có triển lãm chuyên đề Lịch sử trang phục 5.000 năm Trung Quốc.
“Nhưng thật bất ngờ, lo lắng khi tủ kính trưng bày hiện vật cuối cùng của triển lãm tôi nhìn thấy là hiện vật nguyên bản một bộ áo dài lụa màu xanh ngọc, nón lá và đôi guốc mộc. Phía dưới là bảng ghi chú thích hàng chữ trang phục hiện đại Trung Quốc”.
NTK áo dài Võ Việt Chung cũng cho biết đây không phải là lần đầu anh chứng kiến các mẫu áo dài của Việt Nam xuất hiện trong các bộ sưu tập của các NTK nước ngoài. Anh kể 10 năm trước khi dự Tuần lễ thời trang ở Thượng Hải (Trung Quốc) cũng đã chứng kiến điều này.
Đã từ lâu, cả thế giới đều biết, áo dài là trang phục truyền thống của Việt Nam. Chiếc áo dài Việt Nam được nhân loại đánh giá sự đặc trưng ngang với kimono của Nhật Bản, hanbok của Hàn Quốc và sườn xám của Trung Quốc. Cụ thể, chiếc áo dài được ghi rõ “ao dai” cùng với hai từ nữa là “pho” và “banh mi” được giữ nguyên âm tiếng Việt trong từ điển Oxford, như một đặc trưng văn hóa Việt Nam.
Theo tài liệu cung cấp từ Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, tiền thân áo dài được gọi là áo ngũ thân cổ đứng. Loại áo này nữ và nam may khá giống nhau, chỉ khác nhau vài đặc điểm như: nữ cổ áo thấp hơn nam, ống tay nữ hẹp hơn ống tay nam..., được định hình từ thời Chúa Nguyễn Phúc Khoát (1739-1765), ông là người đặt nền tảng cho hình hài của áo dài.
Áo dài quốc phục. |
Sau khi nhà Nguyễn thống nhất đất nước (1802) đã kế thừa sự cải cách trang phục của Chúa Nguyễn. Tới năm 1836 - 1837 Vua Minh Mạng quyết định tiến hành cải cách trang phục và áo dài được phổ biến rộng trong cả nước.
Trong những năm đầu thập niên 30 của thế kỷ XX, họa sĩ Cát Tường là người khởi xướng cho phong trào cách tân áo dài truyền thống. Ông đã thiết kế áo dài gọn hơn, khoe vẻ đẹp người phụ nữ, phù hợp với đời sống xã hội lúc bấy giờ. Họa sĩ Cát Tường đã thêm những yếu tố tạo hình mới vào áo dài như vai bồng, áo có cổ lá sen, tà áo hẹp hơn…
Với những căn cứ lịch sử và nguồn gốc xuất xứ như vậy, nhưng cho đến nay áo dài vẫn chưa được công nhận là quốc phục nữ giới của Việt Nam. Điều này khiến rất nhiều người lo ngại.
Vì sao áo dài chưa được công nhận là quốc phục?
Có thể nói, vấn đề lựa chọn quốc phục là trăn trở bấy lâu nay từ cấp Nhà nước cho đến các NTK thời trang. Từ những năm 90 đến nay, việc chọn quốc phục đã được đưa ra “cân, đo, đong, đếm” nhiều lần qua các kì họp cấp Nhà nước và các cuộc thi thiết kế thời trang, nhưng vẫn chưa được quyết định thống nhất do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan.
Dẫu còn có những băn khoăn nhưng nhiều nhà quản lý, nghiên cứu, các chuyên gia, nhà ngoại giao văn hóa... khẳng định, quốc phục là biểu tượng văn hóa Việt Nam cần có trong bối cảnh hiện tại, nhất là khi nước ta đang mở rộng hội nhập. Tuy nhiên, để tuyển chọn được biểu tượng mang bản sắc văn hóa dân tộc nhất thiết phải xây dựng các tiêu chí và lộ trình bài bản.
Riêng về áo dài, nhiều ý kiến cho rằng đã đáp ứng được bốn tiêu chí mà quốc phục được lựa chọn cần phải có. Đó là: Đã được phổ biến rộng rãi trên ba miền Việt Nam và không giống về hình dáng, kiểu cách, chất liệu bất kỳ một nước nào trên thế giới; được nhân dân ta tôn vinh yêu quý sử dụng lâu đời và nhất là trong nghi thức lễ hội truyền thống từ Trung ương đến địa phương, kể cả kiều bào ta ở nước ngoài; chất liệu bằng chất liệu lụa tơ tằm truyền thống và có thể là chất liệu mới tương tự; có kiểu dáng, cấu trúc mỹ thuật tạo hình hợp lý, phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt, màu sắc trang nhã, họa tiết lịch sự, văn minh và do nhân dân ta sáng tạo ra.
Phân tích về áo dài nữ Việt Nam, có thể cảm nhận được cấu trúc tạo hình không ở nơi nào có được kể cả các nước như Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản… Những đường cong, đường lượn của nếp may cộng với màu sắc rực rỡ, êm dịu đã tạo thêm giá trị thẩm mỹ duyên dáng của người thiếu nữ trong ngày hội, ngày vui của dòng họ, gia đình.
Cụ Trần Thị Hoàn 100 tuổi hưởng ứng Cuộc thi Áo dài Thanh Chương online 2020. |
Về chất liệu và kiểu dáng hoàn toàn là sản phẩm sáng tạo của chính người Việt. Thế nên trong các tác phẩm mỹ thuật thiếu nữ của Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, Lương Xuân Nhị… đã phản ánh một cách rất sinh động, thẩm mỹ của thiếu nữ Việt trong bộ áo dài truyền thống.
Thế nhưng, việc bảo vệ, gìn giữ và tôn vinh áo dài như một di sản văn hóa, một “cộc mốc chủ quyền” trong thời trang cũng không hề dễ dàng gì, mà sự kiện tại Tuần lễ thời trang Trung Quốc mùa xuân - hè 2019 diễn ra tại Bắc Kinh là một minh chứng, gây bức xúc cho nhiều người như phát biểu của NTK Minh Hạnh: “Ngay sau khi xem chương trình, tôi đã rất bất bình và gọi điện cho một số nhà quản lý đề nghị Việt Nam nên có động thái đăng ký bản quyền chiếc áo dài với Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới. Bởi đây chính là một “đường lưỡi bò” thứ 2 về mặt văn hóa”.
Khẩn trương công nhận áo dài là quốc phục Việt Nam đó là mong muốn của rất nhiều nhà văn hóa cũng như NTK thời trang. PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam nêu quan điểm, từ câu chuyện các nhà tạo mẫu Trung Quốc gọi mẫu áo dài Việt Nam là “phẩm giá trang phục truyền thống Trung Quốc”, đặt ra bài học về việc xây dựng thương hiệu cho áo dài Việt Nam nói riêng và các thương hiệu văn hóa Việt Nam nói chung, để từ đó, không chỉ giúp các sản phẩm văn hóa - nghệ thuật Việt Nam tạo ra những giá trị kinh tế cho đất nước, thực sự là động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội, mà còn khẳng định giá trị văn hóa Việt Nam trên thế giới, tránh tình trạng “đánh cắp bản quyền” như trường hợp của áo dài này.
Được biết, việc công nhận chiếc áo dài là quốc phục Việt Nam cho cả nam và nữ đã được xới xáo cách đây nhiều năm. Nhưng suốt những năm qua, việc công nhận ấy vẫn còn “nghẽn” ở các cuộc hội thảo, bàn luận.
Theo ông Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, khi trình lên Chính phủ vào năm 2014, đề án này đã phải dừng lại bởi chưa tìm được bộ lễ phục cho nam giới và một số lý do khác. Vì vậy tới nay, mặc dù áo dài nhận được sự đồng thuận rất lớn của xã hội nhưng vẫn chưa có văn bản cụ thể nào công nhận áo dài là quốc phục.
Áo dài - tài sản không chỉ riêng cho nữ giới
Nhắc đến áo dài Việt Nam, người ta thường chỉ nghĩ đến hình ảnh duyên dáng, nhẹ nhàng của người phụ nữ Việt Nam thướt tha trong tà áo dài truyền thống, mà ít ai nhớ rằng bộ “áo dài, khăn đóng” cũng từng là trang phục truyền thống, đặc trưng của đàn ông Việt. Trải qua nhiều biến cố lịch sử, áo dài nam giới dường như đã có lúc bị mai một.
Ngay từ thời Vua Lý Thái Tông, Nhà Vua đã bắt đầu có ý định muốn thể hiện đất nước tự cường thông qua vấn đề trang phục. Đến thời Chúa Nguyễn, vấn đề này càng được chú trọng. Chúa Nguyễn Phúc Khoát là người có công khai sáng và định hình cho chiếc áo dài Việt Nam ở xứ Đàng Trong.
Kể từ năm 1802 thời Vua Gia Long trở đi, nhà Nguyễn đã hoàn thiện tà áo dài nam hoàn chỉnh. Chiếc áo dài nam của người đàn ông Việt mang tính giáo dục rất cao, khi mặc bộ trang phục lên người, nó buộc người mặc phải có phong thái nghiêm trang, đĩnh đạc.
Không được may mắn như áo dài của nữ giới, trải qua nhiều biến cố lịch sử, tà áo dài ngũ thân của nam giới có lúc lại dường như bị quên lãng. Nhà nghiên cứu văn hóa Đinh Hồng Cường chia sẻ: “Sau năm 1945, đất nước rất nghèo, để may áo ngũ thân như thế này rất tốn vải vóc. Sau đó chúng ta đối mặt những cuộc chiến chinh trường kỳ, đó là lý do áo dài nam bị mai một.
Phong trào Tây hóa, thay đổi khiến người ta có cái nhìn mới hơn cũng là lý do áo dài nam bị ảnh hưởng. Đất nước lại tiếp tục chiến tranh và tà áo dài không có cơ hội được tiếp tục nối liền. Một điểm rất tiếc cho tà áo dài nam là hình ảnh áo dài này gắn liền với hình ảnh cụ lý trưởng, cường hào làm người ta có cái nhìn sai lệch về tà áo dài nam giới”.