Áo dài, chuyện của kí ức, chuyện của tương lai

(PLVN) - Có lẽ, không có trang phục nào trên đất Việt kì diệu và đẹp đẽ như chiếc áo dài. Vẻ đẹp ấy gói trọn những câu chuyện của kí ức đẹp đẽ và còn tiếp nối đến tương lai.

Áo dài có từ bao giờ? Đó là một câu hỏi được nhiều người Việt đặt ra rất nhiều lần, dẫn đến nhiều quan niệm khác nhau. Có người bảo, áo dài chỉ mới có khoảng trăm năm nay, được thiết kế lại bởi những nhân vật thời Pháp thuộc, thời Mỹ đô hộ. Nhưng, đó chỉ là quan niệm sai lầm, bởi, đó là những thời điểm và quá trình mà áo dài được cải biên, cách tân cho hợp thời. Cũng có những dân tộc tự “nhận vơ” áo dài là của mình, đưa vào những bộ sưu tập hoành tráng để trình diễn, để rồi bị cộng đồng người Việt và bạn bè quốc tế lên tiếng phản ứng.

Thực chất, nếu nói về lần đầu xuất hiện, người ta cho rằng, áo dài đã có mặt từ thời Hai Bà Trưng, được hai bà mặc khi uy dũng cưỡi trên lưng voi ra trận đánh quân Đông Hán. Những hình ảnh trên mặt chiếc trống đồng Đông Sơn (700 TCN - 100) cho thấy hình người Việt cổ thời đó đã mặc trang phục với hai tà áo xẻ đôi. Loại trang phục này được nữ giới sử dụng phổ biến kéo dài từ năm 2000 trước công nguyên cho tới năm 200 sau công nguyên. Đây được cho là thời điểm khởi phát ra hình dạng đầu tiên của chiếc áo dài Việt Nam. 

Đến những năm của thế kỉ 17-18, dưới thời Nguyễn, áo dài trở nên phổ biến, với tên gọi áo giao lĩnh. Áo giao lĩnh còn được gọi là áo đối lĩnh, được may rộng, xẻ hai bên hông, cổ tay rộng, thân dài chấm gót. Thân áo được may bằng 4 tấm vải kết hợp mặc cùng thắt lưng màu và váy đen. Đây là kiểu áo cổ chéo gần giống với áo tứ thân.

Sau nhiều biến cổ lịch sử, được cách tân bởi nhiều nhân vật có ảnh hưởng đến giới nữ, chiếc áo dài có được hình dạng như ngày hôm nay.

Một đoạn lịch sử về chiếc áo dài để thấy rằng, câu nói “áo dài gói trọn hồn dân tộc” là một sự ví von đẹp và đúng lắm. Chiếc áo dài xuất hiện từ ngàn năm trước, đi cùng lịch sử giữ nước và dựng nước, không chỉ là một trang phục “mặc cho đẹp”. Chiếc áo ấy mang vẻ đẹp của văn hóa truyền thống người Việt, chứng kiến sự thay đổi của thế cuộc, của thời đại, được cải tiến qua các thời kì với sự thay đổi trong gu thẩm mỹ của phụ nữ Việt Nam.

Áo dài, ấy chính là câu chuyện đẹp của quá khứ cần gìn giữ, nâng niu và trân trọng. Đã có một đoạn thời gian cách đây chưa xa, vì mưu sinh, vì cơm áo và vì cả sự tiếp nhận ồ ạt văn hóa phương Tây và các nước, phụ nữ Việt “tạm thời” quên mất áo dài. Họ tìm đến những trang phục mới mẻ hơn, lạ mắt hơn, hiện đại hơn.

Nhưng rồi, như quy luật của vòng xoắn ốc, rời đi là để trở về, để yêu thương và trân trọng hơn, chiếc áo dài lại trở về với đời sống người Việt, sau những nỗ lực âm thầm hay mạnh mẽ của nhiều người, nhiều tổ chức. Những lễ hội áo dài ở các thành phố lớn. Những nghiên cứu hay ho về áo dài được công bố. Nhiều nhóm “Việt phục, cổ phong” ra đời trên mạng xã hội, “thổi” thêm tình yêu văn hóa Việt, yêu áo dài và trang phục dân tộc cổ vào lòng người. Các nhà thiết kế áo dài nghiên cứu ra nhiều hơn những thiết kế đẹp, những hoa văn và chất liệu độc đáo, góp phần “nâng tầm” áo dài Việt Nam, đưa trang phục Việt ra quốc tế.

Chiếc áo dài duyên dáng tôn vinh vẻ đẹp phụ nữ Việt.
Chiếc áo dài duyên dáng tôn vinh vẻ đẹp phụ nữ Việt.

Cứ thế, chiếc áo dài tan trong nhịp sống của người Việt. Những chiếc áo dài trắng rợp như cánh chim câu của nữ sinh trên đường đến trường. Áo dài duyên dáng mà nền nã mỗi sáng thứ hai công chức đến công sở. Áo dài rực rỡ sắc màu của những gia đình nhỏ, của những “hội bạn bè” cùng nhau làm bộ ảnh lưu dấu tháng ngày tươi đẹp. Áo dài tung bay đầy kiêu hãnh trên đấu trường nhan sắc quốc tế…

Phụ nữ Việt yêu chiếc áo dài, bởi trang phục ấy tôn vinh vẻ đẹp của họ. Vừa kín đáo, trang nhã, mà lại rất đỗi gợi cảm, chiếc áo dài thật khéo làm sao, khiến người phụ nữ bộc lộ được hết những đường nét cơ thể thiên phú. Dù cho là người phụ nữ yếu mềm hay mạnh mẽ, người làm việc văn phòng hay buôn bán, nội trợ, khi khoác lên người chiếc áo dài, người phụ nữ đều thấy mình trở nên đẹp hơn, duyên hơn, tràn trề nữ tính.

Đàn ông lại càng yêu thích chiếc áo dài, bởi nó khiến những người đàn bà trở thành “nàng thơ” trong mắt họ. Người đàn ông nào mà chẳng ngẩn ngơ trước một vóc dáng yêu kiều, trước những đường cong thấp thoáng, những duyên dáng ngọt ngào?

Phụ nữ thì cứ mặc áo dài, cứ làm nàng thơ. Và đàn ông thì sẽ làm thơ, viết nhạc ca tụng vẻ đẹp ấy. Như nhà thơ Nguyên Sa từng viết như thế này: “Có phải em mang trên áo bay/Hai phần gió thổi, một phần mây/Hay là em gói mây trong áo/Rồi thở cho làn áo trắng bay?”.

Từ chiếc áo dài thuở mới thành hình được Hai Bà Trưng khoác oai phong trên lưng voi đánh trận, đến chiếc áo giao lĩnh đậm chất dân tộc được các tầng lớp mặc dưới thời Nguyễn, rồi đến những chiếc áo dài tà ngắn, tà dài của thời Pháp thuộc, thời Mỹ miền Nam trước năm 1975 và cho đến chiếc áo dài hoàn thiện, đẹp đẽ, phong phú về kiểu dáng, chất liệu và màu sắc hôm nay là một hành trình đầy thú vị. Hành trình ấy lưu giữ văn hóa cội nguồn Việt từ quá khứ ngàn năm, trải đến hiện tại đẹp đẽ, thơ mộng. Hành trình ấy sẽ còn được tiếp nối đến tương lai vô tận. Bởi, còn nước Việt, còn người Việt, áo dài sẽ vẫn còn. 

Đọc thêm

Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: Nơi bình yên tìm về

Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)
(PLVN) -  Với nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, để “bình yên tìm về” là cả một hành trình dài. Nhưng qua mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương, trong hành trình đó, họ không đơn độc. Với nhiều người, hạnh phúc, bình yên đã thực sự trở lại.

Ngăn chặn ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử

Hiện nay chỉ có một số ít cơ quan có năng lực xét nghiệm phát hiện ma túy tổng hợp được như: Viện Giám định Pháp y – Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. (Nguồn ảnh: Thanh Loan)
(PLVN) -  Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới đã xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, khoảng từ năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ.

Thuốc lá điện tử gây ảo giác, loạn thần

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy)
(PLVN) - Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân đến điều trị có liên quan đến hút thuốc lá điện tử. Điều đáng lưu ý là hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện do có dấu hiệu đau đầu, lo âu, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, có một vài trường hợp có dấu hiệu loạn thần, ảo giác. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng.

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu
(PLVN) - Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Bạc Liêu đã và đang ra sức thi đua rèn luyện, học tập, thực hiện các công trình, phần việc Măng non lập thành tích chào mừng để kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2023), làm quà nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).

Đừng coi thường say nóng, say nắng

Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
(PLVN) -  Dù miền Bắc mới bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng thứ 2 kể từ đầu mùa nhưng nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi mấy ngày qua đều chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nắng nóng nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc.