Anh 'lên lịch' hủy bỏ và thay thế luật EU

Ông David Davis - Bộ trưởng phụ trách vấn đề Brexit của Anh
Ông David Davis - Bộ trưởng phụ trách vấn đề Brexit của Anh
(PLO) -Ngày 30/3, Bộ trưởng phụ trách vấn đề Brexit của Anh, ông David Davis, đã công bố sách trắng giới thiệu dự luật "Hủy bỏ Lớn" với nhiều kế hoạch khác nhau nhằm hủy bỏ và thay thế các luật lệ của Liên minh châu Âu (EU), bằng luật pháp Anh. 

Tuy nhiên, ông Davis cũng khẳng định rằng các phán quyết trước đây của Tòa án Công lý châu Âu (ECJ) vẫn tiếp tục có hiệu lực ở nước này. 

Quyết chấm dứt

Công bố sách trắng giới thiệu dự luật "Hủy bỏ Lớn" là bước đi đầu tiên mà Anh triển khai nhằm chấm dứt thời kỳ độc tôn của luật pháp EU tại đảo quốc sương mù. Trong sách trắng, Chính phủ Anh nhấn mạnh tới sự cần thiết phải tạo dựng cơ sở pháp lý vững chắc cho cộng đồng doanh nghiệp và cả các cá nhân trong và sau tiến trình Brexit.

Bộ trưởng Davis Davis nhấn mạnh ảnh hưởng của hệ thống luật pháp EU có thể vẫn kéo dài ngay cả khi tiến trình Brexit đã hoàn tất. Ông David Davis đặc biệt nhấn mạnh đến tầm quan trọng của dự luật "Hủy bỏ lớn" bởi một khi Anh hoàn toàn rời khỏi EU, London cần phải có quy định và tiêu chuẩn tương đồng với EU mới có thể tìm kiếm mối quan hệ đối tác mới, sâu rộng và đặc biệt với khối thị trường chung này. 

Kế hoạch nói trên liên quan đến hàng loạt vấn đề khác nhau, cần tới nhiều công cụ pháp lý. Vì vậy, các chuyên gia luật cảnh báo rằng Quốc hội Anh có thể sẽ lâm vào tình trạng quá tải khi xem xét dự luật cả thời điểm trước và sau khi Anh rời khỏi EU.

Các chuyên gia giải thích rằng Hạ viện Anh khó có thể xem xét thấu đáo toàn bộ các luật lệ mới. Trong khi đó, một số nước châu Âu lo ngại rằng phía Anh sẽ tìm cách điều chỉnh luật lệ và cắt giảm thuế để thu hút doanh nghiệp từ "lục địa già" sau khi hoàn tất tiến trình Brexit.

Không bồi thường

Mặt khác, Anh cũng sẽ không trả cho Liên minh châu Âu (EU) các khoản tiền bồi thường cho việc chấm dứt tư cách thành viên của mình trong EU. Ông Davis cho biết trên thực tế Anh cũng chưa nhận được yêu cầu từ Ủy ban châu Âu về khoản tiền bồi thường này. Ông nhấn mạnh Anh là một nước tuân thủ luật pháp và đang thực hiện các cam kết, song sẽ không trả một khoản tiền nào. 

Trước đó, truyền thông Anh đưa tin nhà đàm phán chính của EU về Brexit, Michel Barnier đang làm việc để thỏa thuận giữa Anh và EU bao gồm cả vấn đề London thanh toán khoản bồi thường như phần bảo đảm các cam kết hiện có của nước này, với tổng trị giá từ 50 đến 60 tỉ euro, trong đó có việc trả lương cho những người Anh sinh sống tại các nước EU, cung cấp đảm bảo cho các khoản tín dụng cũng như chi cho các nhu cầu khác. Việc xác định tổng trị giá các khoản thanh toán này là một trong những chủ đề chính trong các cuộc đàm phán giữa Anh và EU về Brexit.

Về phần mình, ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel ngày 30/3 cảnh báo tiến trình đàm phán liên quan đến việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) hay còn gọi là Brexit sẽ gặp nhiều khó khăn trước khi bước vào giai đoạn dễ dàng hơn. Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Đức đưa ra tuyên bố trên 1 ngày sau khi Anh chính thức kích hoạt tiến trình đàm phán Brexit. 

Trong tuyên bố nêu trên, Ngoại trưởng Gabriel kêu gọi Anh thực hiện đầy đủ mọi nghĩa vụ tài chính, đồng thời khẳng định không có bất cứ chương trình "giảm giá" cho người Anh trong tiến trình đàm phán Brexit.

Theo giới truyền thông, chính quyền London sẽ phải thanh toán khoản bồi thường như phần bảo đảm các cam kết hiện có của nước này, với tổng số tiền từ 50 đến 60 tỉ euro, trong đó có việc trả lương cho những người Anh sinh sống tại các nước EU, cung cấp đảm bảo cho các khoản tín dụng cũng như chi cho các nhu cầu khác. Việc xác định tổng trị giá các khoản thanh toán này là một trong những chủ đề chính trong các cuộc đàm phán giữa Anh và EU về Brexit. 

Dự luật "Hủy bỏ Lớn" đề cập tới hàng ngàn nội dung pháp lý khác nhau trong khuôn khổ Luật Cộng đồng châu Âu năm 1972 mà Chính phủ Anh cần phải bóc gỡ và biến chúng thành luật của quốc gia. Việc thông qua dự luật này được coi là một bước đi quan trọng của lộ trình Brexit, giúp quá trình chuyển giao thời kỳ hậu Brexit diễn ra thuận lợi hơn, để các doanh nghiệp có thể giao dịch hàng hóa và dịch vụ giữa Anh và EU dựa trên những tiêu chuẩn, quy định giống nhau.

Đọc thêm

Nghề độc đáo ở Nhật Bản: Ra sức 'nhồi nhét' khách lên tàu, mỗi năm thu nhập trên 800 triệu đồng

 Số lượng người dân đi tàu điện ngầm ở Nhật Bản lúc nào cũng quá tải. (Ảnh: Japan Insider)
(PLVN) - Nhật Bản vốn nổi tiếng là đất nước sử dụng tàu điện ngầm là phương tiện giao thông chính và quan trọng, phục vụ hàng triệu người mỗi ngày. Với hệ thống tàu điện hiện đại, hiệu quả và có mặt khắp các thành phố lớn, việc sử dụng tàu điện là cách tốt nhất để di chuyển trong và ngoài thành phố.

Úc cấm trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội

Hình minh họa
(PLVN) - Chính phủ Úc vừa cam kết sẽ ban hành luật giới hạn độ tuổi sử dụng mạng xã hội là 16 tuổi, kèm theo hình phạt cho các nền tảng không tuân thủ. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ làm thế nào để các ông lớn công nghệ như Facebook, Instagram, TikTok... có thể thực thi hiệu quả quy định này.