Thủ tướng Anh ký thư kích hoạt Điều 50 Hiệp ước Lisbon

Thủ tướng Anh ký thư kích hoạt Điều 50 Hiệp ước Lisbon
Thủ tướng Anh ký thư kích hoạt Điều 50 Hiệp ước Lisbon
(PLO) - Sau khi ký bức thư lịch sử chính thức khởi động tiến trình Brexit, Thủ tướng Anh Theresa May kêu gọi người dân Anh đoàn kết để hướng tới một tương lai tươi sáng.

Theo AFP, Văn phòng Thủ tướng Anh ngày 28/3 đã công bố bức ảnh bà May đang ký bức thư kích hoạt Điều 50 Hiệp ước Lisbon của EU, khởi động tiến trình Brexit kéo dài trong 2 năm. Bức thư của chính quyền Anh ngày 29/3 được Đại sứ Anh tại EU Tim Barrow gửi tới Chủ tịch EU Donald Tusk, chính thức thông báo với ông về việc Anh rời khỏi EU sau 44 năm là thành viên của khối.  

Phát biểu ngày 29/3, bà May thừa nhận cuộc bỏ phiếu về Brexit hồi tháng 6 năm ngoái là một cuộc bỏ phiếu gây chia rẽ. Song, bà bày tỏ hy vọng rằng người Anh sẽ không lấn cấn vì cuộc bỏ phiếu nữa, thay vào đó là quyết tâm biến kết quả cuộc bỏ phiếu thành một thành công.

“Chúng ta là một liên hiệp có lịch sử đầy tự hào và tương lai tươi sáng. Chúng ta đã đưa ra quyết định rời EU và đã đến lúc chúng ta đoàn kết với nhau để cùng thực hiện quyết định này” – bài phát biểu của bà May xác nhận việc đếm ngược đến thời điểm rời EU của Anh do phố Downing công bố có đoạn.

Trước khi bức thư được chuyển đi, tối 28/3, bà May cũng đã có cuộc điện đàm với ông Tusk, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean-Claude Juncker và Thủ tướng Đức Angela Merkel. “Họ cũng đồng ý về tầm quan trọng của việc bước vào các cuộc đàm phán với tinh thần xây dựng và tích cực cũng như việc đảm bảo tiến trình rời khỏi EU một cách có trật tự và êm thấm” – Văn phòng Thủ tướng Anh thông báo. 

Phát biểu của bà May được đưa ra chỉ vài giờ sau khi Nghị viện Scotland bất chấp kêu gọi của bà đã bỏ phiếu chấp thuận đề xuất tiến hành cuộc trưng cầu ý dân về việc độc lập khỏi Vương quốc Anh với tỉ lệ 69 phiếu thuận và 59 phiếu chống. Với kết quả này, Nghị viện Scotland chính thức ủy nhiệm Thủ hiến Nicola Sturgeon thực hiện các bước tiếp theo để tiến hành cuộc trưng cầu ý dân.

“Tôi hy vọng Chính phủ Anh sẽ tôn trọng ý muốn của nghị viện chúng tôi” – bà Sturgeon nói. Bà Sturgeon cho biết sẽ đề nghị tiến hành cuộc trưng cầu ý dân vào mùa xuân năm 2019 – tức trước khi Brexit hoàn tất – để Scotland có thể duy trì quan hệ với EU. Tuy nhiên, để cuộc trưng cầu được diễn ra, bà sẽ phải được phê chuẩn từ chính phủ Anh. 

Trước đó, hồi năm 2014, Scotland đã bỏ phiếu với tỉ lệ 55% người dân bác bỏ việc độc lập khỏi Anh. Nhưng hiện nay, Đảng Quốc gia Scotland của bà Sturgeon cho rằng cần phải tiến hành cuộc trưng cầu ý dân thứ 2 để tránh việc Scotland bị buộc phải rời khỏi EU trái với nguyện vọng của họ. Cả Scotland và Bắc Ireland đã bỏ phiếu ở lại EU nhưng với số cử tri ở cả 2 nơi này ít hơn hẳn so với Anh và xứ Wales – nơi có nhiều người ủng hộ Brexit. 

Các thăm dò gần đây cho thấy tỉ lệ người ủng hộ việc độc lập khỏi Anh của Scotland đang ở mức khá cao, mà theo một thăm dò lên đến 46%, nhưng đa số người dân ở đây vẫn phản đối việc này. Ngoài vấn đề Scotland, chính phủ của bà May thời gian tới cũng sẽ phải tìm biện pháp để ngăn chặn sự sụp đổ của chính quyền ở Bắc Ireland sau khi dàn xếp chia sẻ quyền lực giữa Đảng liên đoàn Dân chủ và Đảng Dân tộc Ireland Sinn Fein sụp đổ hồi tháng 1 vừa qua và các bên cho đến nay vẫn chưa thống nhất được về thời điểm tiến hành một cuộc bầu cử mới.

Theo tờ Telegraph, ở trong nước, sau khi chính thức kích hoạt Điều 50, bà May cũng sẽ phải chứng minh cho người dân thấy các động thái để cắt giảm dòng người di cư tới Anh, giành lại quyền kiểm soát các đạo luật của Anh cùng nhiều vấn đề kinh tế, xã hội khác.

Đọc thêm

Nghề giáo bốn phương

Giải thưởng Nhà giáo Ghana 2024 là một trong những giải thưởng cao quý nhất để công nhận, tôn vinh những đóng góp của các giáo viên khắp cả nước này. (Ảnh: UNICEF)
(PLVN) - Giáo viên tại các quốc gia đang phát triển thường xuyên đối diện với nhiều thách thức lớn như nghèo đói, thiếu hụt nguồn lực, lớp học quá tải, điều kiện công nghệ hạn chế. Tuy nhiên, họ vẫn luôn kiên trì và tận tâm, không ngừng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để mang lại tri thức và hy vọng cho từng học sinh, dù cho điều đó đôi khi vượt xa trách nhiệm công việc của họ.

Nghề độc đáo ở Nhật Bản: Ra sức 'nhồi nhét' khách lên tàu, mỗi năm thu nhập trên 800 triệu đồng

 Số lượng người dân đi tàu điện ngầm ở Nhật Bản lúc nào cũng quá tải. (Ảnh: Japan Insider)
(PLVN) - Nhật Bản vốn nổi tiếng là đất nước sử dụng tàu điện ngầm là phương tiện giao thông chính và quan trọng, phục vụ hàng triệu người mỗi ngày. Với hệ thống tàu điện hiện đại, hiệu quả và có mặt khắp các thành phố lớn, việc sử dụng tàu điện là cách tốt nhất để di chuyển trong và ngoài thành phố.

Úc cấm trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội

Hình minh họa
(PLVN) - Chính phủ Úc vừa cam kết sẽ ban hành luật giới hạn độ tuổi sử dụng mạng xã hội là 16 tuổi, kèm theo hình phạt cho các nền tảng không tuân thủ. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ làm thế nào để các ông lớn công nghệ như Facebook, Instagram, TikTok... có thể thực thi hiệu quả quy định này.