Cổ nhân dạy: Bệnh tật từ miệng đưa vào; tai họa từ miệng phát ra. Đúng như vậy, không biết làm thế nào để trở thành “người tiêu dùng thông minh” khi đứng trước quầy thực phẩm, từ chợ cóc đến các siêu thị. Đã có rất nhiều vụ việc tuồn thực phẩm “bẩn”, không rõ nguồn gốc vào siêu thị.
Về thực phẩm không an toàn, có nhiều nguyên nhân: do đất đai, không khí, thức ăn ô nhiễm; cơ sở chăn nuôi, giết mổ, chế biến, bảo quản, vận chuyển... không đảm bảo; và cả nguyên nhân do người sản xuất, buôn bán “hám lợi” bất chấp đạo lý.
Theo số liệu của Bộ Y tế, tính chung 8 tháng năm 2022, cả nước xảy ra 36 vụ ngộ độc thực phẩm với 522 người bị ngộ độc, trong đó có 11 người tử vong. Đó là những vụ việc được phát hiện. Tình hình chung là hằng ngày chúng ta đều phải ăn để tồn tại và không ai biết đã mang chất độc gì vào người. Theo các nhà khoa học dinh dưỡng, đây là một nguyên nhân làm cho bệnh ung thư ở Việt Nam ngày càng nhiều, bệnh nhân ung thư ngày càng “trẻ hóa”.
Để kiểm soát an toàn thực phẩm, năm 2003, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh vệ sinh an toàn thực phẩm. Năm 2010, Pháp lệnh được nâng lên thành Luật (Luật số 55/2010/QH12). Ban Bí thư (khóa XI) cũng có Chỉ thị 08-CT/TW. Tuy nhiên, do nhiều bất cập mà công tác quản lý, đưa luật vào cuộc sống còn khó khăn.
Trong số các vấn đề còn bất cập, phải kể đến quy định về kiểm soát và xử lý vi phạm đối với chất cấm, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật. Hiệu quả công tác quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc còn bị hạn chế do quy mô sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, hệ thống phân phối lạc hậu, vẫn còn các chợ tự phát, trôi nổi; thực phẩm chủ yếu có xuất xứ từ các tỉnh hoặc nhập khẩu; các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm có quy mô nhỏ, mặt bằng chật hẹp, máy móc lạc hậu, trang thiết bị không đầy đủ, ý thức tự giác chấp hành các quy định an toàn thực phẩm của chủ cơ sở và nhân viên không cao. Tình trạng sử dụng nguyên liệu thực phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng, chất phụ gia thực phẩm nằm ngoài danh mục, chất cấm trong chăn nuôi, sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm đang rất báo động.
Không nước nào đủ lực lượng thanh tra, kiểm tra nếu người sản xuất, kinh doanh thực phẩm cố ý không chấp hành luật pháp, không có trách nhiệm với đồng loại.
Tình trạng “một mâm cơm, nhiều bộ quản” diễn ra trong thời gian quá dài. Chính vì thế, mới đây Thường trực Ban Bí thư vừa ký ban hành Chỉ thị của Ban Bí thư về tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn lương thực, thực phẩm trong tình hình mới. Đã đến lúc phải thống nhất một đầu mối đảm bảo an toàn thực phẩm.