Chồng mất, nhiều năm qua, cụ Lý Thị Luận (82 tuổi, ngụ khu phố 10, phường 14, quận Gò Vấp) cùng người con tâm thần đã ngoài tuổi ngũ tuần tá túc trong căn chòi nhỏ của một người hàng xóm cạnh nghĩa trang.
Phận già nương tựa lẫn nhau
Những ngày qua, người dân sống trong con hẻm nhỏ ngay cạnh chùa Linh Sơn Hải Hội (13/81, đường Phan Huy Ích, phường 14, quận Gò Vấp, TP.HCM) trở nên chộn rộn hẳn. Sau giờ làm, người tất bật lo cơm nước cửa nhà, người tranh thủ chạy sang căn chòi nhỏ của người hàng xóm sát nghĩa trang.
Ở đó, nhiều năm qua có hai mẹ con già yếu sinh sống, nhưng từ ngày người con gái Lê Thị Nga (51 tuổi) đi biệt tích không về, chỉ còn mỗi cụ bà Luận sống vò võ một mình. Biết cụ già không thể đi lại, nấu nướng được gì, nhiều người thương tình mang cho hộp cơm, người đem đến gói xôi để cụ dằn bụng qua ngày. Thế nhưng, người mẹ ấy thương nhớ con, nước mắt lưng tròng khơi khơi được vài miếng rồi lại thôi.
Nơi ở của hai mẹ con cụ Luận là căn phòng lợp tạm chỉ chừng 10m2, nền đất còn nhấp nhô chỗ thấp chỗ cao. Mái tôn thủng lỗ chỗ không che được những vệt nắng cuối ngày chiếu vào. Gian nhà ấy chỉ vừa đủ để kê một chiếc giường, một lối đi nhỏ và một cái bàn dài, hẹp chất đầy đồ đạc. Trong những đồ đạc ngổn ngang ấy, chiếc quạt bé tí đã cũ phát ra những tiếng rè rè có thể xem là tài sản có giá trị nhất.
Bà cụ đã già, dáng người nhỏ thó gầy trơ xương, hai tay cứ đan chặt vào nhau không giấu được nỗi buồn khổ trên gương mặt. Hỏi chuyện, cụ bà tai lãng, miệng móm mém câu được câu mất. Nhắc đến những chuyện cũ, cụ đã chẳng còn nhớ nhiều được nữa. Chỉ biết, cụ vốn quê sinh ra trong một gia đình nghèo xơ nghèo xác ở tỉnh Long An. Những năm chiến tranh đói ăn đói mặc, gia đình tha phương, cụ lưu lạc lên tận Sài Gòn rồi cưới chồng sinh con.
Căn nhà tuềnh toàng nơi mẹ con cụ Luận trú ngụ. |
Được hai người con, người khỏe mạnh thì không may mất sớm, người con gái sống cùng cụ bây giờ thì bị tâm thần, thiểu năng trí tuệ từ nhỏ. Hồi đó, bà Nga bị sốt cao, hai đấng sinh thành làm thuê làm mướn quần quật từ ngày đến đêm cũng không có đồng tiền nào chữa chạy.
Không chữa trị kịp thời, bệnh càng nặng thêm khiến đứa con 5 tuổi không thể mở miệng nói chuyện được. Đến nay, đã ngoài 50 nhưng bà Nga cũng chỉ ú ớ trong miệng vài ba câu. Nói chuyện với bà, người đối diện phải kiên nhẫn nhắc từng từ một như dạy trẻ lên ba tập nói.
Hơn 10 năm trước, cụ ông chẳng may qua đời vì một cơn bạo bệnh, sức khỏe cụ bà lại suy yếu không thể làm lụng được gì, anh em bên chồng hắt hủi không cho ăn nhờ ở đậu. Cụ ôm đứa con thần trí chẳng minh mẫn ra đường bắt đầu những ngày tứ cố vô thân. Một người hàng xóm thương tình đưa hai mẹ con về tá túc trong căn chòi nhỏ trên bãi đất trống cạnh chùa Linh Sơn Hải Hội từ độ ấy đến nay.
Dọn về ở cạnh chùa, những người hàng xóm lại rủ bà Nga lên chùa làm công quả rồi được các sư tận tình chỉ dạy những kỹ năng cơ bản như quét dọn cửa nhà, nhóm bếp thổi cơm. Dù chậm hiểu nhưng được cái chịu khó, cẩn thận, ai chỉ gì làm nấy nên được nhiều người quý mến. Biết làm việc ở chùa, chị về nhà tập tành làm theo, nhờ đó, bà cụ được đỡ đần phần nào.
Cũng vì hoàn cảnh khó khăn, ngoài giờ lên chùa làm công quả, người ta chỉ cho người phụ nữ này đi lượm ve chai bán lấy tiền. Nói là đi nhặt ve chai, nhưng thực chất là những người hàng xóm để ve chai vào một bịch, rồi gọi chị sang lấy về chất thành đống, chờ người đến thu mua. Không thể làm được công việc gì nặng nhọc, hai mẹ con cụ chỉ sống bằng số tiền trợ cấp hàng tháng của nhà nước.
Vò võ ngóng tin con
Cuộc sống dù vất vả, chui ra chui vào trong căn nhà chật hẹp, mái thấp lè tè nhưng hai mẹ con vẫn nương tựa, đỡ đần lẫn nhau. Bà con lối xóm thương tình khi mang qua cho đấu gạo, mớ rau, nhiều khi vài ba con cá, mớ tôm mớ tép... Dù chẳng nhiều nhặn gì, nhưng cũng phần nào giúp cụ trang trải cuộc sống.
Cuộc sống cứ bình lặng trôi như thế, nếu không có ngày bà Nga đi biệt tích. Đưa tay lật giở những tấm ảnh con gái đã hoen vàng, cụ Luận run run kể: Vào chiều ngày 4/12/2016, sau khi nấu cơm và dặn dò mẹ ăn uống cẩn thận, bà Nga ra khỏi nhà, chỉ nói là đi Hóc Môn để đưa tang người bà con. Biết con ngu ngơ chậm hiểu, cụ níu tay kêu con đừng đi.
“Nghe nói đi Hóc Môn, tôi bảo nó đừng có đi. Đi xa không biết đường về đâu, mà nó gạt phăng ra bảo đi một lát rồi về. Mấy người xe ôm đầu ngõ biết ngỏ ý chở đi nó cũng không chịu. Từ đó đến nay chẳng thấy nó quay về”, cụ bà nghẹn ngào hồi ức.
“Bình thường nó cũng hay ra ngoài, nhưng cũng chỉ qua chùa làm công quả hoặc đi đám tang một số người quanh khu vực. Cũng có đôi lần nó đi lạc, nhưng nhờ ở gần nên được người ta chỉ đường về nhà. Đây là lần đầu tiên nó đi xa đến vậy. Mấy người bà con bên đó xác nhận nó có đến dự, rồi sau đó chẳng ai biết nó đã đi đâu. Chắc là lúc về, đi xe buýt rồi không biết trạm xuống nên đi lạc đâu mất rồi”, cụ nức nở nói tiếp.
Hình bà Nga, con gái cụ Luận. |
Những người hàng xóm biết chuyện, thay cụ trình báo công an phương rồi in hình chị Nga đi dán khắp nơi, mong những người đi đường giúp đỡ, nếu có thấy chị ở đâu thì báo tin về. Một số người nhiệt thành còn đến tận bến xa An Sương, bến xe Hóc Môn, Gò Vấp... để hỏi thăm tin tức về người phụ nữ nói năng ú ớ, đầu cạo trọcmặc bộ đồ màu tím, khoác áo bà ba đi từ Hóc Môn về Gò Vấp. Nhưng đã nhiều ngày trôi qua, bà Nga vẫn bặt vô âm tính.
Nhìn cụ bà gầy gò ngồi bần thần dưới gốc mận trước nhà, chị Út kể, mảnh đất này vốn chị sử dụng để trồng cây cảnh. Căn chòi nhỏ vốn là nơi trú ngụ cho những đêm trông coi mấy chậu hoa. Biết hoàn cảnh cụ bà không nơi nương tựa, chị đưa cụ về đây sinh sống. Mỗi ngày hai lần vào sáng chiều, chị cùng chồng về tưới nước cho cây, tiện thể thăm nom bà cụ. Những lúc cụ đau ốm, người chủ ấy lại gác lại mọi lo toan, đưa cụ đi bệnh viện thăm khám.
Chiều, gió trở mạnh, những hạt mưa lất phất rơi xuống, ai ra đường cũng thêm một lớp áo. Riêng bà cụ với bộ đồ sờn cũ vẫn ngồi yên dưới gốc cây mận, mắt nhìn vào ánh đèn đường vàng vọt xa xăm. Cụ thì thào: “Tôi phải đợi nó về. Đi lạc bên ngoài không biết nó có phải chịu khổ hay bị ai ức hiếp gì không...”.