Thưa quý độc giả, để trả lời câu hỏi này, trước hết PV báo PLVN đã tìm hiểu và được biết vào hồi 5h28 ngày 24/10, tàu SE2 lưu thông hướng Sài Gòn đi Hà Nội xảy ra va chạm với xe ô tô Hon da CR – V 5 chỗ BKS: 30A -602.25 tại đoạn giao cắt ở xã Văn Giáp, Thường Tín, Hà Nội. Hiện trường cách ga Thường Tín khoảng 2 km, theo hướng đi ga Hà Nội.
Tại hiện trường, khu vực đường ngang dân sinh qua đường tàu có cột đèn báo, có chuông báo tự động và có barie. Tuy nhiên, theo người dân gần hiện trường, tại thời điểm xảy ra tai nạn không có người gác chắn ở đó, nên barie không được hạ xuống để cảnh báo cho người tham gia giao thông.
Ông Đoàn Duy Hoạch – Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho biết: “Vị trí xảy ra vụ tai nạn đường sắt sáng nay (24/10), ngành đường sắt có lắp đặt cột đèn báo, chuông tự động. Còn barie là do 1 doanh nghiệp gần đó tự lắp đặt và thuê người gác chắn tại đó, không thuộc quản lý của ngành đường sắt”.
Qua tìm hiểu, chiếc barie tại vị trí tai nạn nói trên do một doanh nghiệp gần đó tự lắp đặt đã được khoảng 4 năm và thuê 1 người đàn ông 71 tuổi làm nhiệm vụ hạ barie xuống khi có tín hiệu tàu sắp tới. Thời gian làm việc của người đàn ông này, sáng từ 7h-11h, chiều từ 13h-19h.
Trả lời câu hỏi của bạn đọc, Luật sư Nguyễn Anh Thơm – Trưởng văn phòng Luật sư Nguyễn Anh, Đoàn luật sư TP Hà Nội đưa ra quan điểm:
Những năm gần đây đã xảy ra hàng loạt vụ tai nạn giao thông đường sắt (TNGTĐS) gây hậu quả rất nghiêm trọng đến tính mạng và tài sản của những người tham gia giao thông. Nguyên nhân chính đều xuất phát từ ý thức của người tham gia giao thông tại các điểm giao cắt chưa cao, không chú ý quan sát tàu khi đi qua đường ngang biển báo. Bên cạnh đó, trách nhiệm quản lý của ngành đường sắt cũng còn chưa được quan tâm đúng mức, thiếu sự phối hợp đồng bộ trong việc quản lý công tác xây dựng hành lang an toàn đường ngang của chính quyền địa phương với ngành đường sắt.
Đối chiếu theo quy định của pháp luật, tài xế lái xe ô tô Hon da CR – V đã có dấu hiệu phạm Tội vi phạm các qui định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ. Tội phạm và hình phạt được quy định tại điểm a Khoản 3 Điều 202 BLHS.
Tuy nhiên, cũng cần xem xét nơi giao nhau này ngành đường sắt đã thực hiện đầy đủ các biện pháp cảnh báo, rào chắn theo quy định của luật giao thông hay chưa, nếu chưa áp dụng triệt để thì ngành đường sắt cũng có trách nhiệm trong vụ TNGT này và họ phải bồi thường trách nhiệm theo quy định tại Điều 608, 609, 610 của Bộ luật dân sự.
Ngoài ra, trong vụ TNGTĐS này, chiếc barie tại vị trí tai nạn nói trên do một doanh nghiệp gần đó tự lắp đặt đã được khoảng 4 năm và thuê 1 người đàn ông 71 tuổi làm nhiệm vụ hạ barie xuống khi có tín hiệu tàu sắp tới. Thời gian làm việc của người đàn ông này, sáng từ 7h-11h, chiều từ 13h-19h.
Xét hành vi của Doanh nghiệp đã tự lắp đặt barie và thuê 1 người đàn ông 71 tuổi làm nhiệm vụ cảnh bảo an toàn với thời gian sáng từ 7h-11h, chiều từ 13h-19h là việc làm tốt để nhằm mục đích ngăn ngừa, hạn chế tai nạn giao thông.
Việc lắp đặt barie này không cản trở giao thông và không ảnh hưởng đến an toàn hành lang đường sắt nên người đàn ông 71 tuổi và Doanh nghiệp này không có lỗi nên không có căn cứ xử lý là đúng pháp luật.