Tại “Hội thảo chuyên đề Marketing 2012” vừa diễn ra, ông Joseph Baladi, chuyên gia tư vấn chiến lược thương hiệu hàng đầu thế giới chia sẻ, Việt Nam là nơi có dân số đông đảo và thị trường tiêu thụ tiềm năng nhất thế giới nhưng lại có quá ít thương hiệu danh tiếng tầm cỡ thế giới. Năm 2011, chỉ có 8 thương hiệu châu Á có tên trong top 100 thương hiệu thế giới.
Toàn cảnh hội thảo. |
Theo ông Joseph Baladi, 5 lý do khiến các thương hiệu châu Á chưa bắt nhịp với các thương hiệu quốc tế hàng đầu là CEO thiếu tầm nhìn và kế hoạch xây dựng thương hiệu mang tính dài hạn, văn hóa doanh nghiệp được mặc định chủ quan, những chuyên gia thương hiệu yếu kém, sự điều tiết chưa tốt của các tổ chức chính phủ và năng lực phát triển thương hiệu kém cỏi của các công ty quảng cáo.
“Muốn thay đổi điều này, các doanh nghiệp Việt Nam cũng như châu Á cần nỗ lực thay đổi, sáng tạo và kiên trì với chiến lược đầu tư và kế hoạch phát triển thương hiệu trên nền tảng chiến lược kinh doanh có mục tiêu rõ ràng” ông Joseph Baladi cho biết.
Cũng tại hội thảo, ông Joseph Baladi đã cung cấp cho các doanh nghiệp Việt Nam công cụ Brand Blueprint - kế hoạch thương hiệu và tư vấn riêng cho các công ty hàng đầu trong ngành chế biến sữa và thực phẩm Việt Nam. Theo đó, nêu rõ cách thức cần có để phát triển thương hiệu tốt nhất trong bối cảnh nền kinh tế hiện nay, nhất là với các công ty đang có năng lực phát triển thương hiệu tầm cỡ quốc gia và quốc tế cũng như những doanh nghiệp đầu ngành sữa bò, sữa đậu nành.
Ông Joseph chia sẻ cách thức cần có để phát triển thương hiệu tốt nhất trong bối cảnh nền kinh tế hiện nay. |
Trong khuôn khổ Hội thảo, bà Tôn Nữ Thị Ninh, lãnh đạo Trung tâm nghiên cứu Xã hội và giáo dục Trí Việt và nhóm Khởi xướng dự án xây dựng thương hiệu quốc gia cho Việt Nam cũng cho rằng, thương hiệu của các doanh nghiệp Việt Nam nếu làm tốt sẽ đóng góp và bổ trợ cho thương hiệu quốc gia phát triển.
Tuy nhiên, bà Ninh cũng cảnh báo về tình trạng chưa phối hợp đồng bộ trong việc xây dựng thương hiệu tại Việt Nam từ chiến lược, kế hoạch, sự nhất quán về thông điệp đến các thành tố quan trọng như cơ quan chính phủ, các doanh nghiệp, khối du lịch, các cơ quan truyền thông, giới trí thức…
“Các doanh nghiệp Việt Nam nên xem lại việc tham gia vào nhiều chương trình giải thưởng thương hiệu vì đó mới chỉ là một phần bề nổi, mang tính phong trào. Việc xây dựng và phát triển thương hiệu của doanh nghiệp Việt Nam cần đi vào thực chất bên trong với chiến lược, kế hoạch bền vững và quyết tâm thực thi cao. Làm như vậy doanh nghiệp Việt Nam mới thực chất có được thương hiệu có giá trị lâu dài và có tầm cỡ quốc gia, quốc tế” bà Ninh bày tỏ.
Anh Phương