Giả mạo chữ kí để chiếm đất
Phản ánh tới Báo PLVN, bà Phượng cho biết: Cha của bà là ông Nguyễn Văn Quán có một mảnh đất diện tích 3.780m2 tại xã Hòa Thành, quận Quản Long, tỉnh An Xuyên (nay thuộc khóm 1, phường 8, TP Cà Mau). Năm 1979, ông Quán mất, bà Tô Thị Lâm (vợ ông Quán) và các con thừa kế mảnh đất và sinh sống ổn định, không hề có tranh chấp.
Bất ngờ năm 1989, ông Tô Văn Hiền (trú tại phường 7, thị xã Cà Mau) làm đơn đòi 1.260m2 đất trong thửa đất nêu trên. Bằng chứng ông Hiền đưa ra là một mảnh giấy viết tay đề ngày 24/6/1971, có chữ viết “Nguyễn Văn Quán” và chữ ký mà không có chứng nhận của chính quyền nào.
Ngày 6/5/1994, UBND phường 8, thị xã Cà Mau (nay là tỉnh Cà Mau) ra quyết định buộc bà Nguyễn Kim Phượng giao đất cho ông Hiền. Sau đó, ngày 28/11/1994, UBND thị xã Cà Mau lại tiếp tục ra quyết định chuẩn y quyết định trên. Không chấp nhận, bà Phượng đã khiếu nại lên nhiều cấp có thẩm quyền.
Thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh Cà Mau về việc giám định kỹ thuật hình sự “giấy nhượng đất” của ông Hiền, Công an tỉnh Cà Mau đã tổ chức giám định và kết luận, hồ sơ thể hiện ông Tô Văn Hiền có dấu hiệu lập giấy tờ giả để chiếm đoạt tài sản của người khác. Vì vậy không có yếu tố pháp lý để thu hồi đất của bà Phượng giao lại cho ông Tô Văn Hiền. Sau đó, Ban Nội chính và Phòng bảo vệ chính trị Công an tỉnh Cà Mau đã báo cáo kết quả giám định và kiến nghị hướng xử lý bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho bà Phượng lên cấp trên.
Những tưởng sự việc đã quá rõ ràng nhưng đến năm 2000- 2001, UBND tỉnh Cà Mau vẫn ra quyết định chuẩn y quyết định của UBND thị xã Cà Mau. Sau đó, các cơ quan chức năng đã tiến hành giao đất của bà Phượng cho ông Hiền.
Bao giờ người dân mới được trả lại đất?
Sau nhiều năm “kêu oan”, ngày 20/4/2007, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng đã trực tiếp chủ trì cuộc họp giải quyết khiếu nại của bà Phượng.
Tại cuộc họp này, sau khi thu thập tất cả các hồ sơ có liên quan, Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định khiếu nại của bà Phượng là đúng. Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng chỉ đạo: “Giao Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau giải quyết cụ thể, có lý có tình, phù hợp và có tính khả thi. Thanh tra Chính phủ, UBND tỉnh phải chỉ đạo kiểm điểm, xử lý nghiêm các cán bộ đã tham mưu đề xuất không đúng pháp luật vụ việc trên, báo cáo Thủ tướng trong tháng 6/2007”.
Sau đó, ngày 16/7/2007, UBND tỉnh Cà Mau đã ra Quyết định số 44/QĐ-UBND buộc ông Tô Văn Hiền và các cá nhân có liên quan khắc phục hậu quả để giao trả phần đất nêu trên cho bà Nguyễn Kim Phượng (đại diện cho gia đình ông Quán) quản lý, sử dụng.
Cũng theo bà Phượng, mặc dù chỉ đạo của Phó Thủ tướng đã rõ ràng nhưng nhiều năm nay sự việc của gia đình bà vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng. Tại thời điểm đó, ông Trần Ngọc Tú (người mua lại đất của ông Hiền) đòi phải trả cho ông 14 tỷ đồng thì ông mới trả đất. Do ông Hiền không có tiền khắc phục nên UBND tỉnh Cà Mau phải “gánh” trách nhiệm. Nhưng UBND tỉnh “không có tiền” nên bà Phượng vẫn phải chịu bất công.
Ngày 13/11/2008, UBND tỉnh Cà Mau đã đề nghị bà Phượng nhận số tiền 3,3 tỷ đồng từ ngân sách nhưng bà Phượng đã từ chối vì cho rằng chưa hợp lý.
Không nhất trí với việc bồi thường trên, bà Phượng lại có đơn khiếu nại. Ngày 10/10/2011, UBND tỉnh Cà Mau tiếp tục ra quyết định bồi thường giá trị quyền sử dụng đất và nâng lên 6,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, bà Phượng cho rằng giá trị phần đất của bà cao hơn nhiều so với mức giá mà UBND tỉnh bồi thường, do đó sự việc vẫn kéo dài cho đến nay.
“Do bị cưỡng chế nhà nhiều năm nay, gia đình tôi phải sống trong căn nhà ọp ẹp trên đường Nguyễn Tất Thành, phường 8, TP Cà Mau. 25 năm nay tôi phải vay mượn tiền của, đi lại khắp các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương rất tốn kém và vất vả nhưng vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng. Trong vụ việc này, tôi đề nghị các cơ quan chức năng cần truy cứu trách nhiệm hình sự đối với ông Hiền về hành vi “giả mạo giấy tờ”. Còn đất của gia đình đã bị UBND tỉnh xử lý sai thì phải có biện pháp khắc phục thỏa đáng, hợp tình, hợp lý”, bà Phượng bức xúc.