11 cây cầu dân sinh nằm trên giấy vì "mạnh thường quân" hứa tài trợ rồi“mất hút”!

Cầu treo Khe Chè (Yên Bái) do TCty Đường sắt Việt Nam tài trợ đã khánh thành đúng cam kết với Bộ Giao thông Vận tải
Cầu treo Khe Chè (Yên Bái) do TCty Đường sắt Việt Nam tài trợ đã khánh thành đúng cam kết với Bộ Giao thông Vận tải
(PLO) - Sau thảm họa sập cầu treo Chu Va 6 (Lai Châu), Bộ Giao thông Vận tải phát động chương trình “Nhịp cầu yêu thương” để vận động các mạnh thường quân tài trợ xây cầu dân sinh cho đồng bào vùng sâu, vùng xa.
Cam kết gần 400 tỷ
Trong thư ngỏ kêu gọi ủng hộ cho chương trình này, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng bày tỏ: “Chứng kiến những hình ảnh thương tâm ghi lại cảnh các thầy cô giáo, học sinh, người dân nhiều nơi phải bất chấp nguy hiểm vượt sông, suối trong mùa lũ bằng việc chui vào túi nylon, đu dây hay đi trên những chiếc bè mảng tạm bợ khiến hàng chục người phải bỏ mạng... chắc chắn không ai trong chúng ta có thể yên lòng...”.
Vì thế, ngay sau lễ phát động diễn ra vào tối 17/1/2015 đã có hàng chục nhà tài trợ lớn, nhỏ cam kết ủng hộ “Nhịp cầu yêu thương” với số tiền lên tới gần 400 tỷ đồng. Những thương hiệu lớn như Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, Ngân hàng BIDV, Tổng Cty 36 (Bộ Quốc phòng)... lần lượt được Ban tổ chức xướng tên với số tiền cam kết tài trợ từ 20 - 50 tỷ đồng/đơn vị. 
Ngoài ra, các doanh nghiệp chủ lực của ngành Giao thông như Cienco 1, Cienco 6, Vinalines, Vietnam Airlines… cũng hưởng ứng với số tiền ủng hộ 5 tỷ/đơn vị và một số doanh nghiệp tư nhân từng tham gia thi công các công trình do Bộ GTVT làm chủ đầu tư cũng “giơ tay” ủng hộ với số tiền từ vài trăm triệu đến hàng chục tỷ đồng...
“Gút” lại sau đêm phát động, Ban tổ chức đánh giá chương trình diễn ra thành công, bởi thời gian kêu gọi tuy ngắn nhưng số tiền quyên góp được khá lớn. Qua báo, đài (buổi lễ được truyền hình trực tiếp trên sóng VTV), bà con vùng khó khăn khấp khởi mừng thầm vì tin rằng chỉ sau một thời ngắn, họ sẽ có cầu để vượt sông, suối trong mùa lũ.
Theo kế hoạch, chương trình được triển khai trong hai đợt. Đợt 1 chủ yếu dựa vào kinh phí tài trợ của doanh nghiệp; đợt 2 sẽ triển khai với quy mô lớn hơn, huy động nguồn vốn đóng góp của toàn xã hội. Bộ GTVT cũng đã lên kế hoạch tổ chức sơ kết đợt 1 vào tháng 12/2015 để đánh giá số lượng, hiệu quả của các công trình đã thực hiện, đồng thời vinh danh các nhà tài trợ “Nhịp cầu yêu thương”. 
Tuy nhiên, đến thời điểm này còn nhiều công trình do một số đơn vị cam kết tài trợ với kinh phí khoảng 180 tỷ đồng vẫn chưa được triển khai khiến kế hoạch này đang có nguy cơ bị chậm tiến độ.
“Lặn mất tăm”...
Trao đổi với PLVN, bà Đàm Thị Sinh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Xây dựng đường bộ (Tổng cục Đường bộ Việt Nam - TCĐBVN) - đơn vị được giao chủ trì chương trình cho hay, đến nay Cục đã có danh sánh chính thức của 21 nhà tài trợ đăng ký xây dựng 46 cầu với tổng số 251 tỷ đồng. 
“Thực tế, lúc đầu có tới 23 nhà tài trợ đăng ký tham gia. Nhưng sau một nhà tài trợ là Liên danh nhà đầu tư Dự án cầu Việt Trì mới (Cienco 1 - Thái Sơn - Yên Khánh) xin ủng hộ công trình trị giá xấp xỉ 15 tỷ đồng ở Ninh Bình vào đúng thời điểm phát động chương trình nên chúng tôi tính có 22 đơn vị. Trong số 22 đơn vị này, một đơn vị cam kết tài trợ 15 tỷ đồng từ đầu năm 2015, nhưng khi triển khai chúng tôi không tài nào liên lạc được với họ” - bà Sinh nói.
Được biết, đơn vị mà bà Sinh nói “không tài nào liên lạc được” là Cty CP Tập đoàn Đức Long Gia Lai - một doanh nghiệp có “tên tuổi” ở Tây Nguyên, hoạt động sản xuất kinh doanh nhiều lĩnh vực và là nhà đầu tư Dự án đường bộ BOT trên quốc lộ 14 trị giá hàng ngàn tỷ đồng. 
“TCĐBVN đã chỉ đạo Ban Quản lý dự án 4 làm việc với Tập đoàn này để xác nhận kế hoạch, số tiền mà họ hứa tài trợ cho “Nhịp cầu yêu thương” nhưng không gặp được người đứng đầu, gọi điện cũng không được; thậm chí, Bộ có văn bản gửi cũng không thấy phản hồi. Vì thế, chúng tôi đã báo cáo lãnh đạo, đưa ra khỏi chương trình này” - bà Sinh cho biết thêm.
Như đã nói, đứng đầu danh sách các nhà tài trợ chương trình là Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (50 tỷ đồng). Nhưng tới nay, TCĐBVN cũng chưa nắm được kế hoạch cụ thể của Tập đoàn này. “Họ thông báo sẽ chuyển thẳng giá trị tài trợ tới tỉnh Hậu Giang. Nhưng sắp tới, chúng tôi phải liên lạc lại để xác nhận con số cũng như cam kết của Tập đoàn này” - bà Sinh nói.
Trước thực tế trên, Bộ GTVT đã nhiều lần yêu cầu các nhà tài trợ khẩn trương có văn bản xác nhận các công trình cầu tài trợ (tên cầu, địa điểm xây dựng, kết cấu công trình), giá trị dự kiến tài trợ, đồng thời lưu ý phải hoàn thành trước ngày 10/12/2015. Tuy nhiên, theo nguồn tin của PLVN, đến nay mới có 5 cây cầu do TCty Thành An, Cienco 1, TCty Đường sắt Việt Nam, Ngân hàng BIDV đăng ký tài trợ đã được những đơn vị này hoàn thành đúng cam kết, 30 cầu đang triển khai và đặc biệt 11 cây cầu vẫn còn nằm trên… giấy. 
Cần biết rằng, “Nhịp cầu yêu thương” là một hoạt động mang tính tự nguyện, là chương trình mà ở đó, doanh nghiệp thể hiện trách nhiệm của mình với cộng đồng chứ không phải nơi tham gia để “đánh bóng” thương hiệu. Vì thế, hãy đừng “nuốt lời”, bởi ở những vùng khó khăn, người dân vẫn đang từng ngày mong có cầu để vượt sông suối trong mùa mưa lũ.
Tập đoàn Đức Long Gia Lai thất hứa?
“Lúc đầu có 23 nhà tài trợ, nhưng sau đó Liên danh nhà đầu tư Dự án cầu Việt Trì mới (Cienco 1 -Thái Sơn - Yên Khánh) đăng ký ủng hộ công trình trị giá xấp xỉ 15 tỷ đồng ở Ninh Bình cùng thời điểm phát động chương trình  nên tính có 22 đơn vị. Trong số 22 đơn vị này, Tập đoàn Đức Long Gia Lai đã cam kết tài trợ số tiền 15 tỷ đồng, nhưng đến khi triển khai chương trình chúng tôi không tài nào liên lạc được với người đứng đầu doanh nghiệp, gọi điện thoại họ cũng không nghe; thậm chí, Bộ gửi văn bản đề nghị xác nhận việc tài trợ, họ cũng không phản hồi.” - bà Đàm Thị Sinh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Xây dựng đường bộ. 

Đọc thêm

Cảnh sát giao thông Hà Nội: Triển khai mô hình 'Ngã tư an toàn giao thông'

CSGT sẽ đẩy mạnh xử lý các lỗi không chấp hành hệ thống biển báo, vạch kẻ đường. (Ảnh: Trường Thắng)
(PLVN) - Theo đại diện Phòng Cảnh sát giao thông - CSGT (Công an TP Hà Nội), hiện nay tại một số nút giao trọng điểm trên các tuyến trục chính ra, vào TP, tình trạng lộn xộn, thiếu an toàn vẫn diễn ra. Mô hình "Ngã tư an toàn giao thông" được triển khai để góp phần giải quyết tình trạng này.

'Hình hài' siêu dự án Sân bay Long Thành dần lộ diện

'Hình hài' siêu dự án Sân bay Long Thành dần lộ diện
(PLVN) - Trên công trình xây dựng sân bay Long Thành (huyện Long Thành, Đồng Nai) hiện có gần 4.000 kỹ sư, công nhân trong nước và quốc tế, gần 2.000 máy móc, phương tiện, trang thiết bị thi công đang ngày đêm làm việc với mục tiêu cao nhất là đẩy nhanh tiến độ để hoàn hoàn thành trong năm 2025 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc mới đây.

Đề xuất hợp lý của Cục Cảnh sát giao thông

Ảnh minh họa
(PLVN) - Chạy xe trên đường, nếu xao nhãng chỉ 1 giây, là có thể tàn cả 1 đời. Nếu vượt đèn đỏ, hậu quả còn có thể nguy hại hơn, thảm khốc hơn. Thế nhưng mới đây, một camera giao thông tại Hà Nội ghi lại được cảnh 164 lượt phương tiện vượt đèn đỏ ở một ngã tư chỉ trong 2 phút. Đó là một thực tế vô cùng đáng báo động, không chỉ xảy ra ở Hà Nội, mà còn ở một số địa phương khác.