Cả cuộc đời của mình, những nghệ sĩ ấy đã để lại cho người yêu nhạc cả một gia tài đồ sộ các ca khúc viết về tình yêu với quê hương đất nước mang đậm hồn Việt sống mãi trong lòng công chúng yêu nhạc Việt.
10 ngày đưa tiễn 4 “cây đại thụ” âm nhạc
GS-TS Trần Văn Khê là “cây đại thụ” của nền âm nhạc Việt Nam và thế giới đã rời “cõi tạm”, để lại sự nuối tiếc cho hàng triệu người. Ông sinh năm 1921 tại làng Vĩnh Kim, tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang) trong một gia đình có truyền thống bốn đời làm nhạc sĩ. Tuổi thơ của ông được nuôi dưỡng trong “bầu sữa” âm nhạc dân tộc. 6 tuổi ông đã biết chơi đàn kìm, 8 tuổi biết chơi đàn cò, 12 tuổi biết đàn tranh, đánh trống nhạc.
GS-TS Trần Văn Khê |
Ông cũng là người Việt duy nhất được vinh dự ghi danh trong Từ điển Bách khoa Âm nhạc Thế giới. Giáo sư Trần Văn Khê là người có công đầu trong việc giới thiệu những nét tinh hoa của Nhã nhạc Cung đình Huế, Quan họ Bắc Ninh và Ca trù lên UNESCO để được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của toàn nhân loại.
“Lẽ sống quan trọng nhất của đời mình là âm nhạc. Làm thế nào để phụng sự âm nhạc Việt Nam, đưa âm nhạc Việt Nam ra cho thế giới hiểu, đồng thời tìm hiểu xem trên thế giới có những gì, giúp đưa nền âm nhạc Việt Nam lên một mức cao hơn mà không bị ngoại lai?. Chưa bao giờ không thương, chưa bao giờ phản bội, người tình mà tôi quý nhất chính là âm nhạc”- vị giáo sư quá cố từng tâm sự.
Có một tình yêu rất lớn dành cho âm nhạc dân tộc. Suốt nửa thế kỷ, ông chỉ sống một mình và chỉ làm một việc là giảng dạy, sưu tầm, nghiên cứu âm nhạc dân tộc cùng với việc đi quảng bá nghệ thuật dân tộc Việt Nam trên khắp năm châu. Cả một đời đau đáu theo đuổi để tôn vinh, phát huy và quảng bá giá trị âm nhạc dân tộc ra thế giới, đến khi sắp nhắm mắt xuôi tay, GS.TS Trần Văn Khê vẫn không nguôi ước mơ những điều tốt đẹp để nghệ thuật dân tộc, trong đó có âm nhạc dân tộc được trường tồn và phát triển.
Sáng 24/6, người nghệ sĩ, nhạc sĩ, nhà nghiên cứu của làng nhạc dân tộc Việt Nam qua đời ở tuổi 94 sau gần một tháng đối mặt với bạo bệnh: suy tim, viêm phổi nặng, thận hư.
Nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu sinh năm 1924 tại Đà Nẵng trong một gia đình có 11 người con. Ông tham gia hoạt động âm nhạc khá sớm. Cả đời gắn bó với âm nhạc, ông để lại cho hậu thế hơn 100 ca khúc. Những tác phẩm âm nhạc của ông như Cuộc đời vẫn đẹp sao, Hành khúc ngày và đêm, Tình trong lá thiếp, Những ánh sao đêm, Bóng cây Kơnia, Anh ở đầu sông em cuối sông, Sợi nhớ sợi thương, Ở hai đầu nỗi nhớ, Đêm nay anh ở đâu, Thuyền và biển, Thơ tình cuối mùa thu, Người ấy bây giờ đang ở đâu, Tình ca Đămbri, Tia nắng... đã trở thành những tình khúc sống mãi trong trái tim của người yêu nhạc Việt Nam.
Nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu |
Ngoài ra, một số sáng tác cho thiếu nhi của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu như Đội kèn tí hon, Nhớ ơn Bác,… cũng được rất nhiều thế hệ thiếu nhi Việt Nam thuộc nằm lòng. Ngày 28/6, nhạc sĩ từ giã “Hành khúc ngày và đêm” sau khi bị xuất huyết và hôn mê sâu, để lại “Sợi nhớ, sợi thương” trong lòng hàng triệu người yêu nhạc.
Tuy sinh ra và lớn lên ở miền Nam nhưng nhạc sỹ Phan Nhân lại rất yêu thích các làn điệu dân ca Bắc bộ. Nhạc sỹ Phan Nhân tên thật là Liêu Nguyễn Phan Nhân, sinh năm 1930 tại Long Xuyên, An Giang. Những ca khúc như Em ở nơi đâu, Nhớ về Pắc Bó,… mang đậm âm hưởng dân ca Bắc bộ.
Nhạc sỹ Phan Nhân |
Ông cũng có một số sáng tác cho thiếu nhi như Chú ếch con, Chú cừu Mộc Châu, Em là bông lúa Điện Biên, Hàng cây ơn Bác... được đông đảo các bạn nhỏ yêu thích. Đặc biệt, chỉ riêng ca khúc Hà Nội- niềm tin và hi vọng đã đủ sức đưa ông trở thành một trong những nhạc sỹ hàng đầu của nền âm nhạc Việt Nam. Tác giả “Hà Nội niềm tin và hy vọng” tìm về cõi Phật sau nhiều ngày điều trị bệnh tim, phổi vào ngày 29/6.
Sinh năm 1949 tại xã Quỳnh Thắng (Quỳnh Lưu, Nghệ An), ngay từ nhỏ, nhạc sĩ An Thuyên đã bộc lộ tài năng âm nhạc. Hơn 10 tuổi ông đã có những ngón đàn, thổi sáo và chơi một số nhạc cụ dân tộc làm say lòng người. Không chỉ biết nhiều nhạc cụ, ông còn có khả năng sáng tác nhạc. “Nối gót anh hùng” là ca khúc đầu tiên khi ông 16 tuổi và là ca khúc đặt nền móng cho sự nghiệp âm nhạc của ông.
Nhạc sĩ An Thuyên |
Ông luôn kiếm tìm hơi thở mới để viết tiếp những bài ca đương đại. Cuộc đời nhạc sĩ An Thuyên như dòng chảy âm nhạc bất tật. Và chiều ngày 3/7, ông đã “bẻ đôi câu thơ, tôi làm mái chèo lướt sóng” để về miền cực lạc.
Niềm thương ở lại…
Các cây đại thụ âm nhạc lần lượt ra đi khiến cho hàng triệu người tiếc thương. Trên các phương tiện thông tin đại chúng tràn ngập những lời đau thương tiếc nuối, chia buồn của rất nhiều nghệ sĩ, người dân Việt đối với các tên tuổi lớn của âm nhạc Việt Nam.
Là những nhạc sĩ được công chúng tôn vinh, các ông còn là người có tình yêu và trách nhiệm với gia đình vì lẽ đó, khi các nhạc sĩ rời “cõi tạm”, thân nhân gia đình các nhạc sĩ cảm thấy một khoảng trống khó có gì bù đắp.
Nén nỗi đau thương, GS-TS Trần Quang Hải - con trai trưởng của GS -TS Trần Văn Khê tự hào về ba mình: “Sự ra đi của ba cũng là sự giải thoát về mặt thể xác cho những nỗi đau đớn do bệnh tật mà ông đã chịu đựng từ trước đến nay. Nhưng đó chỉ là sự mất mát về thể xác, còn về tinh thần thì tôi và gia đình có quyền tự hào về những di sản lớn của ông để lại cho nền âm nhạc dân tộc nước nhà”.
Bà Phạm Thị Vân - vợ nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu không kìm được những cảm xúc đau buồn dồn nén trong lòng. Khi thắp cho chồng nén hương, bà khóc nấc. Con cháu sợ bà quá đau buồn sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe nên luôn túc trực bên cạnh xoa dầu gió, vuốt ngực, chăm sóc bà.
Suốt 60 năm qua, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu sống khỏe, sáng tác tốt là nhờ có người bạn đời yêu thương, lo lắng, chăm sóc cho ông với tình cảm sâu nặng. Nhạc sĩ của “Anh ở đầu sông em cuối sông” cũng không ít lần bày tỏ tình cảm ông dành cho người vợ luôn bao dung, hy sinh thầm lặng.
NSƯT Phi Điểu - vợ nhạc sĩ Phan Nhân với tình yêu người chồng vô bờ đã tận tay chuẩn bị bữa cơm cuối trong lễ di quan với những món ăn mà chồng bà yêu thích. Trong mâm cơm không quên kèm tách cà phê sữa nóng như mọi khi.
Tôi chăm ông ấy gần hai tháng trong viện, đã dặn là khi nào cảm thấy gần đi, nhớ nhắc tôi. Vậy mà lừa lúc tôi vắng mặt, ông ấy ra đi liền. Chơi gì kỳ lạ, đã hứa với nhau rồi”, nghệ sĩ chia sẻ trong tiếng nghẹn. Sống với nhau đã mấy chục năm nay, trong mắt NSƯT Phi Điểu, cố nhạc sĩ là người thẳng thắn và trong sạch. Ông sống trước sau như một và rất tình nghĩa với bạn bè. Với con cái, ông cũng thế. Chưa bao giờ nhạc sĩ “la mắng hay đánh đòn hai đứa nhỏ”.
Khi hay tin nhạc sĩ An Thuyên qua đời vì nhồi máu cơ tim cấp, bà Ngô Huyền Lâm - vợ nhạc sĩ An Thuyên rất sốc vì không thể tin vào cái chết đột ngột của chồng. Bà Ngô Huyền Lâm vừa khóc vừa chưa hết choáng váng như không thể tin vào sự thật. Bà nghẹn ngào bảo hôm qua mới mua cặp vé để hai vợ chồng xem nhạc kịch thì hôm nay ông đã ra đi. Sống hạnh phúc bên nhau, họ thường gọi nhau đầy ngọt ngào, thân thương: “Ba, Mẹ”. “Tài sản Ba để lại là những việc làm nhân đức nên giờ đây Mẹ, các con, các cháu được hưởng đó là tình cảm của triệu triệu con người dành cho Ba lúc này. Xin đa tạ, xin đa tạ mọi người”.
Dù tuổi đã cao nhưng các bậc lão thành âm nhạc chưa một ngày nghỉ ngơi. Những nhạc sĩ già ấy luôn ấp ủ những dự định trên hành trình cống hiến cho nền âm nhạc Việt Nam. Cả cuộc đời của mình, những nghệ sĩ ấy đã để lại cho người yêu nhạc cả một gia tài đồ sộ các ca khúc viết về tình yêu với quê hương đất nước mang đậm hồn Việt sống mãi trong lòng công chúng yêu nhạc Việt.