Còn chỉ đạo xét xử, còn án oan

(PLO) - Sau khi Chánh án TAND TP.Tuy Hòa thổ lộ về việc “phải chịu nhiều sức ép” khi TAND thành phố này tiến hành xét xử 5 bị cáo (nguyên là cán bộ công an TP.Tuy Hòa) về tội “dùng nhục hình” khiến anh Ngô Thanh Kiều tử vong, thêm một lần nữa vấn đề tính độc lập của công tác xét xử và thẩm phán lại trở thành tâm điểm.
Bảo đảm nguyên tắc độc lập trong hoạt động của Tòa án theo quy định của Hiến pháp "thẩm phán, hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của thẩm phán, hội thẩm" (Khoản 2 Điều 103) là một trong những nhiệm vụ quan trọng đặt ra đối với Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) được TANDTC xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng qua (22/4) nhằm khắc phục được những hạn chế khiến chất lượng xét xử của các Tòa án chưa đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao của xã hội.
Hạn chế duyệt án, chỉ đạo xét xử
TANDTC cho rằng, nguyên nhân chủ yếu của những tồn tại, bất cập trong hoạt động Tòa án xuất phát từ các quy định của pháp luật hiện hành về mô hình tổ chức Tòa án, vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, bộ máy của Tòa án từng cấp còn chưa hợp lý, chưa phù hợp với các nguyên tắc về tổ chức và hoạt động của cơ quan thực hiện quyền tư pháp, chưa đáp ứng được các nguyên tắc cơ bản về tổ chức và hoạt động của TAND theo tinh thần cải cách tư pháp. Song ông Phan Trung Lý - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật - chỉ ra rằng, không chỉ ở luật hiện hành mà cả Dự thảo, tính độc lập của thẩm phán vẫn là vấn đề cần phải xem lại để nâng cao chất lượng xét xử. 
Hiện nay, các TAND cấp tỉnh, cấp huyện đang được tổ chức theo địa giới hành chính nên được coi là các Tòa án địa phương. Bên cạnh đó, hội thẩm nhân dân lại do Hội đồng nhân dân cùng cấp bầu nên "sự phụ thuộc" của Tòa án, hội thẩm với chính quyền địa phương là "điều không tránh khỏi". Vấn đề này cũng đã được tranh luận gay gắt khi thảo luận về Luật Tố tụng Hành chính với lo ngại "sự phụ thuộc của Tòa án với địa phương khiến Tòa không thể khách quan khi xử "quan" tại địa phương".
Do vậy, trong Dự thảo Luật, TANDTC đề xuất mô hình các TAND "tổ chức và hoạt động theo thẩm quyền xét xử, không phụ thuộc vào đơn vị hành chính" (gồm: Toà án sơ thẩm khu vực, Toà án phúc thẩm, Toà thượng thẩm, TANDTC), trong đó TAND sơ thẩm khu vực sẽ góp phần khắc phục những hạn chế, bất cập do mô hình tổ chức "song trùng quyền lực" của TAND, làm ảnh hưởng đến việc thực hiện nguyên tắc độc lập xét xử của Tòa án, nhất là trong việc giải quyết các vụ án hành chính, khi một bên trong vụ án là cơ quan nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước tại địa phương.
Băn khoăn về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị Dự thảo phải thể hiện rõ hơn quyền độc lập của thẩm phán cùng việc đảm bảo nguyên tắc tranh tụng tại Tòa. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện thì cho rằng cần quy định thẩm phán có nhiệm vụ, quyền hạn xét xử những vụ án và giải quyết những việc khác thuộc thẩm quyền của Tòa án theo quy định của pháp luật tố tụng, chứ không cần qui định "và sự phân công của Chánh án Tòa án nơi mình công tác hoặc nơi mình được luân chuyển, biệt phái, điều động” như trong Dự thảo để thể hiện rõ nguyên tắc độc lập của thẩm phán.
Ủy ban Tư pháp cũng đề nghị TANDTC tiếp tục nghiên cứu, làm rõ mối quan hệ lãnh đạo, quản lý của Chánh án TAND đối với thẩm phán, Hội đồng xét xử để thực hiện đúng nguyên tắc “thẩm phán, hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”. Đồng thời, "hạn chế các tác động tiêu cực của việc Chánh án Tòa án tổ chức duyệt án, chỉ đạo xét xử các vụ án cụ thể xâm phạm đến quyền độc lập xét xử, chỉ tuân theo pháp luật của  thẩm phán và Hội đồng xét xử như trong thực tế hoạt động xét xử hiện nay" - ông Hiện lưu ý.
Phát triển án lệ để hạn chế việc “lách luật”
Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức TAND lần này đã quy định nhiệm vụ xây dựng và phát triển án lệ của TANDTC. Theo Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình, phát triển án lệ và ràng buộc trách nhiệm tham khảo án lệ khi xét xử "chắc chắn sẽ hạn chế đến mức thấp nhất các vụ việc xét xử oan, sai, hạn chế việc “lách luật” do tiêu cực trong quá trình giải quyết vụ án", đồng thời cụ thể hóa quy định tại Điều 104 của Hiến pháp về việc TANDTC “bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử”. 
Mặc dù còn có nhiều ý kiến "ngập ngừng" trước việc đưa "án lệ" vào Dự thảo và đề nghị trước mắt chỉ quy định TANDTC có nhiệm vụ tổng kết kinh nghiệm xét xử, bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật là phù hợp với Hiến pháp, nhưng TANDTC cho rằng, việc quy định nhiệm vụ xây dựng và phát triển án lệ sẽ đáp ứng yêu cầu phải kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong công tác xét xử, khắc phục tình trạng quá tải và chậm ban hành văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật. 
Hơn nữa, việc công bố án lệ sẽ "nhất cử lưỡng tiện" khi vừa giúp người dân nắm rõ đường lối xét xử, dự báo được kết quả những vụ việc có liên quan đến quyền và lợi ích của họ, vừa là căn cứ để Tòa án (thẩm phán) tham khảo, phân tích thiếu sót trong những vụ án xét xử trước đó, rút kinh nghiệm, hạn chế việc kết án oan, sai.
Bên cạnh đó, từ nhiều năm nay TANDTC đã và đang thực hiện nhiệm vụ tổng kết thực tiễn xét xử của Tòa án các cấp, hướng dẫn các Tòa án áp dụng thống nhất pháp luật dưới hình thức ban hành Nghị quyết của TANDTC, được coi là văn bản quy phạm pháp luật. Theo Ủy ban Tư pháp, "đây là hình thức rất có hiệu quả, được thực tiễn kiểm nghiệm, cần tiếp tục phát huy". Do đó, tán thành với quan điểm TANDTC phát triển án lệ, Ủy ban Tư pháp cho rằng, ở Việt Nam, “án lệ” cần phải xác định là các quyết định giám đốc thẩm của TANDTC và không phải là văn bản quy phạm pháp luật để các Tòa án khác nghiên cứu tham khảo và làm theo...
Thẩm phán được kéo dài tuổi nghỉ hưu không đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo
Trong lần sửa đổi Luật TAND này, TANDTC đề nghị kéo dài tuổi làm việc của thẩm phán TANDTC đến 65 tuổi (không phân biệt nam, nữ); thẩm phán khác đến 62 tuổi đối với nam, 60 tuổi đối với nữ vì thẩm phán là một nghề đặc biệt, rất cần những người có kinh nghiệm trong công tác xét xử. 
Đa số thành viên Ủy ban Tư pháp tán thành với việc quy định thẩm phán TANDTC là nam làm việc không quá 65 tuổi, là nữ làm việc không quá 60 tuổi. Đối với các thẩm phán khác, vẫn áp dụng độ tuổi làm việc nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi và đề nghị quy định rõ thẩm phán được kéo dài tuổi nghỉ hưu không đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo.

Đọc thêm

Bắc Kạn giới thiệu văn bản pháp luật mới năm 2024

Hội nghị giới thiệu văn bản pháp luật mới năm 2024 tại Bắc Kạn (Ảnh: Hoàng Thu)
(PLVN) - Ngày 24/4, UBND tỉnh Bắc Kạn tổ chức Hội nghị triển khai các Luật được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, Kỳ họp thứ 6, Kỳ họp bất thường lần thứ 5 thông qua. Hội nghị được tổ chức trực tiếp và truyền hình trực tuyến tới các huyện, thành phố trong tỉnh.

Đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật chuyên nghiệp, khoa học, kịp thời, khả thi, hiệu quả

Thứ trưởng Trần Tiến Dũng chủ trì cuộc họp.
(PLVN) - Ngày 24/4, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng chủ trì cuộc họp Tổ công tác về lập đề nghị xây dựng Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi). Tham dự cuộc họp còn có đại diện Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ, đại diện cơ quan pháp chế một số bộ, ngành.

Hải Phòng: Chi cục THADS quận Đồ Sơn hoàn thành cưỡng chế chuyển giao quyền sử dụng đất

Lực lượng tham gia cưỡng chế di chuyển tài sản của người phải THA ra khỏi khu vực cưỡng chế.
(PLVN) - Ngày 24/4, Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) quận Đồ Sơn đã phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức cưỡng chế để chuyển giao quyền sử dụng đất cho Công ty TNHH Một thành viên Du lịch và Vui chơi Giải trí Đồ Sơn (địa chỉ tại Khu dân cư số 8, đường 353, phường Ngọc Xuyên, quận Đồ Sơn).

Đẩy mạnh hơn nữa quan hệ pháp luật và tư pháp giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam – Liên bang Nga

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc tiếp Đoàn công tác Hội Luật gia Liên bang Nga.
(PLVN) -Ngày 23/4, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc đã có buổi tiếp Đoàn công tác Hội Luật gia Liên Bang Nga do ông Sergey Stepashin Vadimovich Chủ tịch Hội Luật gia Liên bang Nga, nguyên Thủ tướng Chính phủ, nguyên Bộ trưởng Bộ Nội vụ, nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp Liên bang Nga làm Trưởng Đoàn.

Hậu Giang quyết tâm cao, phát triển tương xứng tiềm năng

Hậu Giang quyết tâm cao, phát triển tương xứng tiềm năng
(PLVN) -  Chiều ngày 23/4, Đoàn Công tác thành viên Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long - Trưởng đoàn công tác Thành viên Chính phủ làm việc với UBND tỉnh Hậu Giang về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh theo Quyết định 435 của Thủ tướng Chính phủ.

Tăng cường quan hệ hợp tác với Liên Bang Nga trong lĩnh vực giáo dục

Quang cảnh buổi tiếp.
(PLVN) -Sáng 23/4, Trường Đại học Luật Hà Nội đã có buổi tiếp Hội Luật gia Liên Bang Nga do TS Stepashin Sergay Vadimovic, Chủ tịch Hội Luật gia Liên Bang Nga, nguyên Thủ tướng Chính phủ Liên Bang Nga làm Trưởng đoàn. Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội TS Đoàn Trung Kiên chủ trì buổi tiếp.