Một trong những nội dung mới đáng lưu ý là định hướng bảo vệ quyền lợi của các chủ thể theo lẽ công bằng thông qua việc tăng thẩm quyền giải thích của Tòa án và Thẩm phán.
18 nguyên tắc “vàng” của Luật Công bằng đưa sao cho hết?
Tổ trưởng Tổ biên tập – Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự Kinh tế (Bộ Tư pháp) Dương Đăng Huệ cho biết: Dự thảo Luật bổ sung quy định trong trường hợp pháp luật không quy định, quy định không rõ ràng hoặc không đầy đủ thì quyền, lợi ích của các chủ thể phải được giải quyết theo lẽ công bằng và các lý do chính đáng. Quy định này là để góp phần bảo đảm sự khái quát, ổn định trong quy định của Bộ luật Dân sự (BLDS) và cũng để bảo đảm công bằng trong giải quyết yêu cầu của người dân.
Theo ông Huệ, việc quy định “mềm dẻo” như trên sẽ bảo đảm tốt hơn trong thực hiện, bảo vệ quyền của người dân, nhất là trong bối cảnh pháp luật không thể quy định hết được các vấn đề phát sinh trong thực tiễn. Mặt khác, đây là tiền đề pháp lý quan trọng để Tòa án thụ lý giải quyết các vụ việc chưa được pháp luật quy định, quy định không cụ thể hoặc không rõ ràng. “Qua đó, nó là giải pháp hiệu quả bảo đảm tính ổn định, khái quát của BLDS. Nguyên tắc này cũng đã được ghi nhận trong nhiều BLDS của các nước” – ông Huệ nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Nguyễn Minh Tâm rất tán thành quy định bảo vệ quyền dân sự theo lẽ công bằng của Dự thảo Luật. Bởi nếu áp dụng nguyên tắc luật công bằng sẽ tạo khả năng cho người có trách nhiệm, đặc biệt là Thẩm phán để họ chủ động, sáng tạo và có trách nhiệm xã hội trong giải quyết vấn đề, quan hệ dân sự.
Tuy nhiên, ông Tâm phân tích, luật công bằng (là một bộ phận của hệ thống pháp luật của những nước theo thông luật) có tới 18 nguyên tắc “vàng”, trong khi nước ta theo hệ thống luật thành văn với yêu cầu phải rõ ràng, minh bạch thì cần chọn những nguyên tắc nào để đưa vào cho phù hợp.
Ủng hộ sự bổ sung nói trên, Phó Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Thị Thủy Khiêm lý giải thêm, bảo vệ quyền dân sự theo lẽ công bằng còn hướng tới mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân và vì dân. Tuy cũng cho rằng “lẽ công bằng rất hay” nhưng Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đặt vấn đề: “Liệu năng lực Thẩm phán hiện nay đáp ứng được chưa?”.
Ngoài ra, có ý kiến cho rằng không nên quy định vấn đề này trong BLDS vì còn phụ thuộc nhiều vào quy định của pháp luật tố tụng dân sự, án lệ và thẩm quyền giải thích của Tòa án và Thẩm phán.
Mạnh dạn bỏ chế định hộ gia đình và tổ hợp tác
BLDS hiện hành quy định hộ gia đình và tổ hợp tác là chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự. Quy định này đã góp phần quan trọng trong việc phát huy vai trò của hộ gia đình, tổ hợp tác trong giao lưu dân sự nói riêng, phát triển kinh tế – xã hội của đất nước nói chung. Tuy nhiên, qua thực tiễn thi hành cho thấy đã có rất nhiều bất cập phát sinh trong quy định về hộ gia đình, tổ hợp tác (thành viên, tài sản, trách nhiệm dân sự, đại diện…). Nếu không thay đổi cách thức điều chỉnh phù hợp hơn với bản chất pháp lý của chúng thì không thể khắc phục được những bất cập đó, tạo nên những điểm nghẽn trong phát triển kinh tế – xã hội và cơ hội làm giàu của người dân.
Để khắc phục vấn đề này, Dự thảo Luật không quy định hộ gia đình và tổ hợp tác trong nội dung địa vị pháp lý của các chủ thể quan hệ dân sự mà thay vào đó điều chỉnh chúng bằng các chế định khác trong BLDS để phù hợp với bản chất pháp lý của chúng. Cụ thể, dự kiến điều chỉnh hộ gia đình bằng chế định sở hữu chung, đại diện và các chế định khác có liên quan; điều chỉnh tổ hợp tác bằng chế định hợp đồng hợp tác.
Ông Tâm cho rằng, chế định hộ gia đình gắn với việc xử lý tài sản chung nên trong giai đoạn hiện nay nên có cách xử lý giải quyết vấn đề cho rõ ràng hơn, còn về lâu dài thì không quy định. Khác với sự “e dè” của ông Tâm, PGS.TS Nguyễn Như Phát (Viện Nhà nước và Pháp luật) bày tỏ quan điểm cần mạnh dạn bỏ chế định hộ gia đình, tổ hợp tác “vì từ khi có 2 chế định này, chúng ta đã bỏ sót rất nhiều thứ rồi”.
Kết luận phiên họp về định hướng trên, Bộ trưởng Hà Hùng Cường nhấn mạnh, việc BLDS tiếp tục quy định hay không quy định 2 loại chủ thể này của quan hệ pháp luật dân sự là vấn đề rất quan trọng, có tác động to lớn, không chỉ thuần túy về mặt học thuật mà còn trên cả phương diện chính trị, xã hội. “Vì vậy, cần tiếp tục nghiên cứu vấn đề một cách cẩn trọng, khách quan, nghiêm túc để tìm ra cơ sở phán xét vững chắc hơn nữa trước khi trình Chính phủ (dự kiến vào tháng 7) và Ủy ban Thường vụ Quốc hội (dự kiến vào tháng 9)” – Bộ trưởng yêu cầu.