Báo cáo tại cuộc họp, đồng chí Trần Anh Đức, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật cho biết, trên cơ sở báo cáo tổng kết thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) và Báo cáo số 134/BC-CP ngày 09/4/2024 của Chính phủ về việc đánh giá thực trạng và kiến nghị đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật, Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật đã xây dựng định hướng nội dung chính sách Luật Ban hành VBQPPL (sửa đổi). Theo đó, ngoài việc sửa đổi toàn diện, thay thế Luật Ban hành VBQPPL năm 2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành VBQPPL năm 2020, nội dung Luật mới sẽ bổ sung thêm các nội dung về bảo đảm gắn với hoạt động tổ chức thi hành pháp luật; trách nhiệm của các chủ thể tham gia xây dựng, thi hành pháp luật; các điều kiện bảo đảm cho công tác xây dựng, triển khai thi hành VBQPPL...
Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật Trần Anh Đức báo cáo tại cuộc họp. |
Luật Ban hành VBQPPL (sửa đổi) được dự kiến xây dựng theo 3 nhóm chính sách lớn, trên cơ sở bám sát quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới và Báo cáo số 134/BC-CP ngày 09/4/2024 của Chính phủ.
Tại cuộc họp, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận, tập trung cho ý kiến đối với các nội dung chính sách cụ thể và đề xuất, kiến nghị một số giải pháp, chính sách mới cho đề nghị xây dựng Luật Ban hành VBQPPL (sửa đổi). Cụ thể, Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật Lê Vệ Quốc cho biết một trong những vướng mắc phổ biến hiện nay đó là nguồn lực dành cho công tác tổ chức thi hành pháp luật tại các địa phương còn hạn chế; bên cạnh đó, tuy các bộ, ngành hầu hết đã xây dựng cơ chế tiếp nhận phản ánh, kiến nghị nhưng còn yếu, chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu để cập nhật các tình huống pháp lý phát sinh. Do đó, đồng chí nhấn mạnh việc xây dựng các quy định về thi hành pháp luật nên đảm bảo một số nguyên tắc như: Gắn kết giữa xây dựng và thi hành VBQPPL; nêu cao trách nhiệm, vai trò người đứng đầu; đề cao tính nghiêm minh, kịp thời, hiệu lực, hiệu quả nhưng phải có phân công, phân cấp rõ ràng từ trung ương đến địa phương.
Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật Lê Vệ Quốc. |
Để xây dựng nội dung về tổ chức thi hành pháp luật đạt hiệu quả, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật Lê Thanh Bình nêu một số nhóm nội dung chính bao gồm: các nội dung về tổ chức thi hành pháp luật (xây dựng, ban hành kế hoạch; ban hành văn bản quy định chi tiết; phổ biến, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ; theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thi hành để phát hiện vướng mắc, bất cập...); thẩm quyền và trách nhiệm các cơ quan nhà nước trong thực hiện các nội dung liên quan đến tổ chức thi hành pháp luật; trình tự, thủ tục triển khai thực hiện các nội dung về triển khai thi hành VBQPPL; các điều kiện bảo đảm.
Phó Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật Lê Thanh Bình. |
Về công tác truyền thông chính sách, các đại biểu đều nhất trí làm tốt công tác truyền thông chính sách sẽ mở ra những nguồn lực lớn, tạo nên sức mạnh lớn, hiệu quả cao trong xây dựng, thực thi chính sách. Do đó, Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật Phan Hồng Nguyên đề xuất dự thảo Luật cần quy định rõ trách nhiệm các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND cấp tỉnh trong chỉ đạo thực hiện công tác này, từ khâu lập đề nghị xây dựng VBQPPL đến khi được thông qua. Bên cạnh đó, đồng chí cũng đề xuất đưa báo cáo về tình hình truyền thông dự thảo chính sách là một trong những tài liệu bắt buộc trong hồ sơ thẩm định, thẩm tra luật, pháp lệnh.
Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật Phan Hồng Nguyên. |
Ngoài ra, đại diện cơ quan pháp chế một số bộ, ngành đã cho ý kiến cụ thể vào các đề xuất chính sách của Tổ công tác như Bộ Tài chính trao đổi về quy trình lập pháp, các biểu mẫu trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản QPPL; Bộ Công an có ý kiến thêm về công tác truyền thông chính sách; Bộ Xây dựng trao đổi về tiến độ thực hiện, chất lượng VBQPPL, trách nhiệm của các chủ thể tham gia xây dựng, thi hành pháp luật;...
Thứ trưởng Trần Tiến Dũng kết luận cuộc họp. |
Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng đề nghị Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật và Tổ công tác tiếp thu tối đa các ý kiến để hoàn thiện đề nghị xây dựng Luật Ban hành VBQPPL (sửa đổi); trong đó bảo đảm các chính sách lớn và các chính sách cụ thể bám sát nội dung tại Nghị quyết số 27-NQ/TW. Bên cạnh đó, Thứ trưởng đề nghị Tổ công tác nghiên cứu một số nội dung quan trọng trong quá trình xây dựng định hướng chính sách của Luật, như vấn đề kiểm soát quyền lực; vai trò, trách nhiệm của các chủ thể trong xây dựng, ban hành, triển khai thi hành VBQPPL, đặc biệt là đối với những địa phương sẽ áp dụng mô hình tổ chức chính quyền địa phương mới như Đà Nẵng, Hà Nội, TP. HCM; vấn đề giải thích pháp luật; trọng dụng nhân tài trong quá trình xây dựng pháp luật… Trong đó, Thứ trưởng đặc biệt lưu ý Tổ công tác cần lưu ý nghiên cứu, xây dựng các chính sách rõ ràng, cụ thể cho Chương quy định việc tổ chức thi hành Luật và điều kiện bảo đảm cho việc xây dựng, ban hành VBQPPL.