Trước đó, sau nhiều ngày quan sát thực tế tại tuyến Quốc lộ 18, đoạn rẽ vào phường Hoàng Tân (thị xã Chí Linh, Hải Dương), phóng viên chứng kiến cảnh nhiều lượt xe tải phủ bạt chở đất gắn biển Thế Anh nối đuôi nhau chạy từ hướng Đền Chúa Bến Tắm (phường Hoàng Tân) ra Quốc lộ 18.
Di chuyển vào sâu bên phía trong đồi, tại khu dân cư Bến Tắm, phóng viên phát hiện hẳn một “công trường” khai thác đất với tấp nập xe tải ra vào, máy xúc nổ ầm ầm ở một vị trí khuất sâu bên trong một quả đồi. Cả một khoảng đồi máy đã xúc đất tạo thành những bức tường đất dựng đứng cao từ 10 – 16 mét. Có chỗ sâu hoắm xuống gần cả chục mét và đang được hai máy xúc làm công việc san lấp lại.
Thấy sự xuất hiện của phóng viên, một thanh niên xưng tên là Thế Anh ra cho biết, khu vực đồi này thuộc sở hữu của một người ông trong gia đình, hiện gia đình đang muốn san gạt đồi để làm dự án phục vụ mục đích chăn nuôi. Việc san gạt đất tại đây đã được UBND Thị xã Chí Linh cho phép. Đồng thời, thanh niên này cũng có ý định ngăn cản phóng viên quay phim, chụp ảnh trong khu vực này.
Để tìm hiểu rõ hơn, phóng viên đề nghị nam thanh niên cung cấp giấy phép khai thác đất. Phải một hồi lâu, nam thanh niên này mới lấy ra một tờ giấy mà theo anh ta đây chính là “giấy phép” và đưa cho phóng viên xem.
Theo đó, đây là công văn số 942/UBND – TNMT của UBND Thị xã Chí Linh do Phó Chủ tịch Thị xã Chí Linh Nguyễn Phúc Thịnh ký vào ngày 23/11/2016 gửi UBND phường Hoàng Tân và ông Trịnh Đức Hiểu (trú tại phường Hoàng Tân) về việc xin được san gạt, hạ thấp độ cao đất thổ cư của gia đình và vận chuyển đất dư thừa ra ngoài.
Công văn nêu rõ, UBND Thị xã Chí Linh đã giao cho phòng Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND phường Hoàng Tân xem xét trực tiếp tại hiện trường khu vực xin vận chuyển đất cụ thể: khuôn viên đất rộng 1.500 m2, tại thửa đất số 173, tờ bản đồ số 02; diện tích san gạt khoảng 800 m3, khối lượng đất khoảng 2.000 m3. Trong đó, việc xin vận chuyển đất dư thừa sau khi san gạt, hạ thấp độ cao ra ngoài làm vật liệu san lấp không thuộc thẩm quyền của UBND Thị xã. UBND Thị xã đề nghị ông Hiểu liên hệ với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hải Dương để được hướng dẫn hoàn thiện các thủ tục hồ sơ liên quan trình UBND tỉnh cho phép. Đồng thời giao UBND phường Hoàng Tân kiểm tra thường xuyên việc thực hiện của ông Trịnh Đức Hiểu theo quy định.
Máy múc đang lấy đât màu lấp lên khu vực đã khai thác sét |
Công văn của UBND Thị xã Chí Linh đã nêu rõ như vậy, nhưng trên thực tế gia đình ông Hiểu đã thuê hẳn một đơn vị khai thác, bốc xúc đất chuyên nghiệp để xúc, hạ cấp cả một vạt đồi rộng lớn. Một khoảng đất sét lớn ở sâu dưới lòng đồi đã bị xúc đi. Sau đó, đơn vị này đã dùng máy xúc xúc lớp đất mầu trên đồi lấp xuống hòng che dấu vết.
Theo ghi nhận của phóng viên, khoảng đất đã san gạt, khai thác có bề ngang rộng chừng 100 mét, chiều dài gần 400 mét, độ sâu khai thác trung bình trên 5 mét. Như vậy, gia đình ông Hiểu đã “san gạt” vạt đồi với tổng diện tích lớn gấp gần nhiều lần diện tích cho phép. Khối lượng đã khai thác, bốc xúc, vận chuyển khoảng 150.000m3, vượt xa khối lượng được phép san gạt. Điều đáng nói, đoàn xe gắn biển Thế Anh vận chuyển đất từ khu vực này ra Quốc lộ 18 đều chở quá tải trọng, vượt thành xe và lưu thông suốt ngày qua cả trụ sở UBND phường Hoàng Tân nhưng không hề bị lực lượng chức năng nào kiểm tra, dừng lại.
Liên hệ với phường Hoàng Tân về vấn đề này, ông Lương Văn Nghinh, Phó Chủ tịch UBND phường xác nhận, gia đình ông Trịnh Đức Hiểu có đơn đề nghị xin san gạt đồi. Qúa trình gia đình san gạt, phường có tới kiểm tra vài lần, ban đầu thấy họ làm đúng nhưng sau đó, gia đình làm với diện tích lớn hơn, địa phương cũng nhắc nhở vài lần. “Khu vực đó ở khuất, nằm sâu phía bên trong đồi và cũng không phải mảng phụ trách nên tôi không nắm chắc được vụ việc, chỉ nghe nói khu vực đó đã được UBND Thị xã cho phép. Lực lượng công an và Quản lý đô thị cũng đã tới kiểm tra lập biên bản”, ông Nghinh cho biết.
Ngày 16/3/2018, trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Hóa, Chủ tịch UBND Thị xã Chí Linh cho biết, sau khi nhận được phản ánh, ông Hóa thừa nhận UBND Thị xã cũng chủ quan trong việc quản lý, giám sát hoạt động khai thác đất trên tại đây. Đồng thời, ông khẳng định sẽ cho sẽ cho kiểm tra, xác minh sự việc ngay và xử lý đúng thẩm quyền hoặc có thể đình chỉ việc san gạt của gia đình ông Hiểu.
Việc gia đình ông Hiểu mặc sức khai thác tùy tiện tài nguyên trái phép, thay đổi địa hình khu vực, vận chuyển ra ngoài khu vực với khối lượng lớn đất đồi, đất sét đã rõ. Hơn nữa, Chủ tịch UBND Thị xã cũng đã có ý kiến sẽ cho kiểm tra, xác minh, xử lý vụ việc. Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên vào ngày 20/3/2018, tại khu vực “công trường” của gia đình ông Hiểu, hoạt động san lấp vẫn diễn ra bình thường, các máy xúc tại đây vẫn tiếp tục làm công việc xúc đất màu lấp xuống những hố đã được lấy đất sét trước đó. Xung quanh, những đống đất cao gần chục mét vẫn còn ngổn ngang, bề bộn.
Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin.