Từ lúc phát hiện ra cơ ngơi Công ty vốn là nghĩa trang liệt sỹ tạm nơi chôn cất các liệt sỹ hy sinh trong trận Xuân Lộc, cuộc sống hàng trăm lao động nơi đây bước vào một khúc ngoặt mới. Hoạt động sản xuất đình trệ, nhà xưởng bị hỏng hóc vì những cuộc đào bới tìm mộ liệt sỹ, rồi Đồng Nai sau đó đòi “thu hồi” đất. Và dù tòa án đã tuyên yêu cầu của Đồng Nai là sai trái, Công ty vẫn bị địa phương gây khó dễ, lâm vào tình trạng “sống mòn”, chờ chết.
Hơn 60 tuổi, ông Mậu vẫn chưa được nghỉ hưu vì vướng những vấn đề khúc mắc giữa Công ty và Đồng Nai liên quan đến khu đất. Dãy nhà văn phòng của Công ty gần 30 năm nay vẫn thế, xập xệ tưởng như lạc về những năm 1980. Chỉ tay vào những vết nứt dọc ngang trong phòng làm việc, ông Mậu cho hay đó là dấu tích những cuộc tìm kiếm hài cốt liệt sỹ. Bộ đội đào thông móng nửa nhà, rồi lấp lại, đào tiếp bên kia. Nhà xưởng nào cũng nứt nẻ, sụt móng.
“Những mất mát của mình có đáng gì”
Tháng 4/1991, ông Mậu nhận bàn giao Công ty Dâu tằm tơ Tân Lộc, doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Trước đó, năm 1990, đất này do Công ty vay tiền mua. Nếu chắp nối với những thông tin của người quản trang nghĩa trang tạm, có thể lần ra nguồn gốc khu đất như sau.
Trước năm 1975, khu đất của một người phụ nữ tên Hương. Năm 1975 bộ đội mượn đất bà Hương làm nghĩa trang tạm. Sau đó nghĩa trang tạm di dời sang Nghĩa trang Liệt sỹ Long Khánh bây giờ. Xí nghiệp nhựa Xuân Lộc trực thuộc huyện Xuân Lộc tiếp quản lô đất, rồi bị giải thể. Công ty Dâu tằm tơ Tân Lộc mua lại xí nghiệp này. Mua xong, trả tiền vào năm 1990 và năm 1991, có biên nhận cho ngân sách của huyện, nguồn tiền không phải từ ngân sách nhà nước.
Bước ngoặt diễn ra vào ngày 29/5/1992, khi Công ty xây dựng nhà máy ươm tơ và phát hiện 192 mộ liệt sỹ bị những kẻ ác cố tình giấu lại dưới lòng đất. Nhận thấy tính chất nghiêm trọng của sự việc, tỉnh chỉ đạo ngừng hoạt động của Công ty để tìm kiếm toàn bộ khu vực này từ QL1 vào hết đất Công ty (16,2 ngàn m2). Lúc đó Công ty phải mượn văn phòng của Xí nghiệp đường Xuân Lộc bên cạnh làm văn phòng tạm, nhà xưởng tạm.
“Thời điểm ấy ngành dâu tằm đang phát triển, vùng nguyên liệu của Công ty lên đến 8.000ha nên kén rất nhiều ùn về. Lúc đó Bí thư Tỉnh ủy Năm Trang (bố bà Phan Thị Mỹ Thanh, cựu Phó Bí thư Đồng Nai - PV) và ông Năm Bình là Chủ tịch tỉnh xuống đây thị sát, tôi đề nghị: “Giờ mấy anh tính sao chứ Công ty phải dừng sản xuất, thiệt hại quá”. Tôi đề nghị tỉnh bán cho Công ty 13,7 ngàn m2 của trại ong mật huyện nằm ở vị trí sát bên vừa giải thể. Sau khi Công ty giao tiền xong cho huyện, tỉnh ra hai quyết định giao đất cho Công ty vào tháng 7/1992”.
Ở thửa đất cũ, đến tháng 1/1993 mới kết thúc công việc tìm kiếm liệt sỹ. Tỉnh tìm kiếm xong trả lại cho Tân Lộc nguyên một bãi đất đào bới. Công ty phải thuê người san lấp lại. Mấy dãy nhà phải sửa lên sửa xuống nhưng cứ sụt lún vì đã bị đào rỗng móng. Ở thửa đất mới bên cạnh, công ty xây dựng đến tháng 4/1993 mới xong nhà xưởng, tiếp tục sản xuất.
Trong khuôn viên Công ty, ông Mậu cho xây một đền thờ nho nhỏ thờ phụng các anh linh liệt sỹ; là nơi cho các cựu chiến binh, người thân liệt sỹ nếu có tới thăm thì có nơi nhang khói. Dù Công ty chịu nhiều thiệt hại, ông vẫn không ân hận gì. Việc tìm thấy các đồng đội, với ông là niềm vui không gì có thể đánh đổi.
Trong nhiều cuộc họp, ông đã thay mặt Công ty phát biểu, nếu nhân dân cần, ông sẵn sàng đề xuất Bộ hiến khoảng dăm bảy ngàn m2 đất Công ty làm đền thờ liệt sỹ; xây công trình lịch sử để các thế hệ con cháu biết được rằng mỗi nắm đất nơi đây đều là máu xương những người đã ngã xuống cho tự do của quê hương, đất nước. “Thiệt hại cỡ nào tôi cũng không ân hận. Biết bao đồng đội đã ngã xuống, rồi còn bị chúng xâm hại hài cốt thi thể… Những mất mát của mình có đáng gì”, ông Mậu nói.
“Cái tội” tọa lạc ở khu đất đắc địa
Thời hoàng kim của Tân Lộc là từ 1993 – 1995. Công ty phụ trách vùng nguyên liệu tằm tơ cả Nam Bình Thuận và Đông Nam bộ gồm các tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương, Bến Tre (Ba Tri), Bình Phước, Nam Bình Thuận 3 huyện, Tây Ninh. Tổng số toàn khu vực khoảng 8.000ha. Tại Công ty luôn luôn có tới 450 cán bộ, công nhân viên thu nhập ổn định.
Bắt đầu từ năm 1996, toàn ngành dâu tằm tơ khủng hoảng. Càng sản xuất càng lỗ vốn vì giá xuống. Công ty phải chuyển đổi ngành nghề để cứu mấy trăm công nhân khỏi cảnh lao đao. Năm 1997 ông Mậu ra Hà Nội xin Bộ bổ sung ngành nghề kinh doanh tổng hợp.
Công ty sau đó hợp tác gia công may mặc với Malaysia từ năm 1997 – 2001, sử dụng nhà máy ươm tơ làm nhà xưởng. Đến năm 2002 Công ty chuyển sang hợp tác với nhiều công ty khác như Hàn Quốc, Trung Quốc làm các lĩnh vực từ may mặc đến sản xuất gia công linh kiện điện tử, chíp điện tử.
Công ty Tân Lộc thêm lần nữa lận đận khi năm 2006, Thủ tướng ra Quyết định 115 sắp xếp lại các công ty trực thuộc Bộ Nông nghiệp. Trong danh sách có Tân Lộc thuộc diện “cho phá sản”. Ngày 6/2/2006, Tòa án tỉnh Đồng Nai thụ lý việc phá sản của Công ty.
Ông Mậu kể lại: “Tôi vẫn chấp hành quyết định của Thủ tướng, đồng thời kiên quyết đấu tranh với các ông ở Tổng Công ty là “tham mưu thì tham mưu nhưng nếu theo Luật Phá sản, tôi không đủ điều kiện phá sản. Tôi không đủ các tiêu chí như nợ quá hạn, lương công nhân không nợ”. Tôi vẫn tạo điều kiện cho tòa án làm việc, hợp tác phục vụ đàng hoàng”. Một năm sau, Tòa án tỉnh Đồng Nai thấy không đủ tiêu chí phá sản nên ra quyết định đình chỉ mở thủ tục phá sản, bàn giao lại giấy tờ, tài liệu.
Sóng gió vẫn chưa dừng lại, lần này là đến từ chính quyền Đồng Nai. Ông Mậu trầm ngâm: “Cái tội của Công ty là tọa lạc ở khu đất đẹp quá, đắc địa quá, nên bị nhòm ngó hòng xâu xé. Lúc đó chính quyền Đồng Nai biết tòa đang thụ lý vụ phá sản, Công ty đang “hấp hối”, nên chính quyền thị xã đơn phương xuống coi khu đất để tham mưu cho tỉnh thu hồi. Họ bất chấp việc tòa án đã ra quyết định đình chỉ vụ phá sản và Công ty có thông báo sự việc cho địa phương”.
Một ngày giữa năm 2007, Bí thư Thị ủy Long Khánh (lúc này huyện Xuân Lộc đã tách ra thành thị xã Long Khánh và huyện Xuân Lộc – PV) cùng Chủ tịch thị xã sang Công ty. Lúc đó ông Mậu không ở nhà, chỉ có bảo vệ. Lãnh đạo huyện điện cho Phòng Tài nguyên và Môi trường yêu cầu sang đo đất. Bộ phận bảo vệ ngăn lại: “Tôi không biết mấy chị, mấy anh ở đâu. Ở đây Giám đốc không chỉ đạo thì tôi không dám cho ai đo đất hết”.
Đồng Nai bị tố cáo “lạm quyền”
Ông Mậu kể: “Thông tin tôi được biết, có cuộc họp của thị xã Long Khánh đầu năm 2007, có Chủ tịch tỉnh xuống dự. Lãnh đạo thị xã báo với tỉnh muốn lấy đất của Công ty. Sau đó lãnh đạo thị xã mới qua đây coi để tham mưu.
Rồi tháng 3/2007, tỉnh ký một quyết định điều chỉnh quy hoạch cục bộ, đơn phương điều chỉnh đất của Công ty Tân Lộc từ đất sản xuất kinh doanh thành đất văn hóa lịch sử. Tôi đã phản đối nhiều lần, trưng ra chứng cứ Bộ Tài chính xác nhận tiền mua đất không phải của ngân sách nhà nước nên rõ ràng đất này tài sản của Công ty chứ không phải là đất công Đồng Nai cho thuê”.
“Theo quy định thì việc làm này không hợp pháp. Việc điều chỉnh quy hoạch phải là thẩm quyền Thủ tướng nếu diện tích 1ha trở lên xây công trình văn hóa lịch sử. Chưa nói đến việc đây là đất hợp pháp của doanh nghiệp trực thuộc Trung ương đang hoạt động. Muốn lấy đất, tỉnh phải thỏa thuận với doanh nghiệp, với Bộ Nông nghiệp là cơ quan chủ quản, với Bộ Tài chính là đơn vị quản lý công sản, sau đó mới xin Thủ tướng. Đó mới đúng quy trình”.
Bất chấp những phản đối trên của Tân Lộc, năm 2007, Đồng Nai vẫn ban hành hai quyết định, có quyết định giới thiệu địa điểm cho Ban quản lý công trình nhưng trong đó ghi rất chung chung mập mờ, chỉ viết “thửa đất thuộc phường Xuân Bình, TX Long Khánh” chứ không ghi của Công ty Tân Lộc. Ban quản lý dự án đến làm việc, Công ty mới biết đất bị quy hoạch. Công ty không cho dựng bảng quy hoạch trái luật, buộc Ban quản lý dự án “mang về làm gì thì làm”.
Ông Mậu bức xúc: “Về tình, trong nhiều cuộc họp, tôi đã nhiều lần thay mặt Công ty phát biểu, nếu nhân dân cần, chúng tôi sẵn sàng hiến khoảng dăm bảy ngàn m2 đất trong khuôn viên Công ty làm đền thờ liệt sỹ; xây công trình lịch sử để các thế hệ con cháu biết được rằng mỗi nắm đất nơi đây đều là máu xương những người đã ngã xuống cho tự do của quê hương, đất nước.
Về lý, chưa nói đến chuyện thu sai luật, chính quyền địa phương muốn làm công trình văn hóa diện tích bao nhiêu mà đòi thu trắng đất của Tân Lộc? Họ đòi thu rồi xây công trình văn hóa bé tí teo, còn lại biết đâu âm mưu phục vụ mục đích nhóm, xâu xé chia chác nhau kiếm lời?”
Ông Mậu phẫn nộ: “Tòa đã tuyên Công ty không phá sản. Và ví dụ có phá sản, thì mọi tài sản đều giao cho Bộ Tài chính và Bộ Nông nghiệp. Sau đó Trung ương làm gì thì Trung ương sẽ tính tiếp. Vậy mà địa phương dám lạm quyền”.
Công ty Tân Lộc sau đó đã lập một “kỷ lục”, khi đâm đơn kiện chính quyền Đồng Nai ra tòa và cả hai phiên tòa đều tuyên việc Đồng Nai đòi thu hồi đất là trái luật. Thế nhưng “phép vua thua lệ làng”… Trong số báo sau, nghe tâm sự của vị Giám đốc Công ty Tân Lộc, bạn đọc sẽ hiểu được câu chuyện doanh nghiệp này dù thắng kiện vẫn bị Đồng Nai “hành” đến “dở sống, dở chết” ra sao?