Khi mẹ cha là 'nỗi ám ảnh thiên tài'…

Cách làm cha mẹ có ảnh hưởng rất nhiều lên con cái
Cách làm cha mẹ có ảnh hưởng rất nhiều lên con cái
(PLVN) - Là giáo viên ở một trung tâm ngoại ngữ, bên cạnh việc giảng dạy, hàng ngày tôi phải chứng kiến rất nhiều nỗi buồn của những đứa trẻ. Những nỗi buồn mang tên “cha mẹ”, những nỗi hoang mang mang tên “thiên tài”…

“8 điểm là không có não, 9.5 điểm là ngu”!

Em là một học sinh lớp 8 của một trường dân lập. Em rất sợ bố, mọi người thường nói là nếu em không nghe lời, cứ lấy bố em ra dọa, kiểu gì em cũng nghe. Là giáo viên, tôi biết điều ấy vì chính bố em nói với tôi “bí quyết” để dạy em. Thế nhưng, tôi chẳng bao giờ làm vậy. Một hôm, khi cô trò đang cùng học thì em kể với tôi rằng: “Em học đội tuyển toán của trường. Em thích học toán lắm. Nhưng mà cô biết không, cứ mỗi lần em được 8 điểm thì bố lại bảo em không có não, 9 hay 9.5 điểm thì bảo ngu vì có mỗi bài cuối (khó nhất) thôi mà cũng không biết làm cho xong. Thế còn được 10 điểm thì bố bảo: “Ờ, vào đi tắm đi”. Riết rồi em cũng quen”. 

Mọi người chỉ nhìn thấy bề ngoài em là một đứa trẻ “thích thể hiện, học dốt”, nhưng mấy ai hiểu em? Em đang học lớp 9 của một trường quốc tế có tiếng tại Hà Nội. Ngày trước, em học ở một trường dân lập nhưng mẹ em nói học trường quốc tế sẽ tốt hơn nên chuyển trường bất kể em thích hay không. Ở môi trường mới, tưởng rằng cả lớp sẽ rất hòa đồng vì sĩ số ít, ấy vậy mà em rất cô đơn.

Em học không được tốt tiếng Anh bằng các bạn, nên đến giờ học, em luôn phải tập trung hơn rất nhiều để nghe giảng. Nhưng các bạn nô đùa, nghịch ngợm, không chịu học lại khiến em không thể nghe hiểu được bài. Khi em có ý kiến với giáo viên thì hình phạt cô đưa ra cũng chỉ loanh quanh 3 chữ “phạt cấm túc” nên các bạn không hề sợ. Em nhờ mẹ em nói với cô thì mẹ em bảo chuyện đấy là việc của riêng em, em phải tự giải quyết (nhưng lại la mắng em vì học dốt và luôn lấy em trai em ra làm thước đó để so sánh).

Thế rồi bạn bè biết được, cho rằng em là đồ mách lẻo nên liền cô lập em, loại em ra khỏi tất cả những nhóm chat trên mạng, lấy em ra làm trò đùa trên lớp, đổ nước vào suất ăn trưa của em. Em nói rằng em bế tắc, không biết phải làm gì và cũng chẳng có bạn. Có lẽ vì thế em thường đến  trung tâm sớm hơn và về muộn hơn, chỉ vì “ít ra ở đây còn có cô nghe em nói”. Nhìn em vừa nói, vừa khóc, vừa lấy bút tô đi tô lại vài nét nguệch ngoạc trên giấy mà tôi thực sự rất thương em.

Nhắc đến “bạo lực học đường”, mọi người hẳn sẽ hiểu đó là phải đánh, phải đấm. Nhưng bạo lực về mặt tinh thần thì hẳn sẽ chỉ nhận được cái phẩy tay: “Có thế mà cũng nói là bị bạo lực!”. Trong khi đó, bạo lực tinh thần mới thực sự là bão ngầm trong tim mỗi con người phải chịu đựng…

Các bậc làm cha mẹ, vì thương con nên luôn mong mỏi những điều tốt đẹp nhất đến với những đứa con của mình. Nhưng mà, đôi khi tình thương đó lại trở thành gánh nặng với những đứa trẻ, tạo ra những rào cản giữa chúng và bố mẹ. Mẹ em gọi điện đến tâm sự với cô giáo: “Chị không nói chuyện được với con. Nó không nghe chị nữa, hỏi gì cũng không nói. Mà chị thấy con chị không thích học. Nó đòi bỏ hết tất cả các môn học thêm rồi em ạ”. Nghe vậy, hẳn ai cũng nghĩ đứa trẻ chắc đang tuổi lớn, ẩm ương hay trái tính trái nết. Nhưng cậu học trò đó lại tâm sự rằng: “Em không nói chuyện được với mẹ, vì chuyện gì em nói mẹ cũng cho là sai, rồi mẹ lại hay càm ràm. Em thích xem phim, nghe nhạc (để luyện tiếng Anh) nhưng mẹ lại nói những thứ đó làm hỏng người, chỉ có học là tốt thôi. Vậy thì em xin nghỉ hết kể cả đi học thêm tiếng Anh vì mẹ em nói thế là hỏng người mà”.

Mỗi đứa trẻ được sinh ra với những số phận khác nhau và được ban cho những năng lực khác nhau. Chẳng phải đứa trẻ nào cũng giỏi Toán, Lý, Hóa và cũng chẳng phải đứa trẻ nào cũng sinh ra là để dành cho việc học. “Em ghét học”, em nói em học không vào. Còn mọi người thì luôn ép em là phải học cái này, cái kia. Em không thích học tiếng Anh và học tiếng Anh cũng không vào. Em nói em thích tiếng Nhật, em tự học qua những bộ phim hoạt hình anime của Nhật.

Em nói rằng em sẽ chỉ học hết lớp 12 thôi, rồi em sẽ sang Nhật làm đầu bếp. “Đỡ phải học đại học, mà em lại thích ăn, sang đấy toàn đồ ăn ngon”. Ai cũng có con đường riêng, để làm người tốt và có ích đâu nhất thiết cần một tấm bằng. Đối với các sĩ tử chuẩn bị bước vào kỳ thi quan trọng thì có lẽ câu hỏi quan trọng nhất sẽ là: “Ngành nào? Trường nào?”. Đối với nhiều người biết mình muốn gì thì có lẽ dễ dàng để đưa ra câu trả lời. Tuy nhiên, như nhiều sĩ tử còn đang mông lung thì việc chọn ngành, nghề tương lai lại chẳng hề đơn giản.

“Ngành này mới kiếm nhiều tiền”, “học trường này sau này xin việc mới dễ”… Các em rối tinh, hoang mang trước vô vàn câu nói quen thuộc như vậy. Học ngân hàng thì lương thưởng mới cao, học ngành giống bố mẹ thì sau này bố mẹ mới lo cho được. Học các ngành “khác người” như: Môi trường, thú y, nấu ăn... thì lại bị nói “dở người”, “điên”, “sau này nghèo lắm”. Nghe mãi rồi cũng chẳng muốn thanh minh. Để rồi, khi được gặp những người trồng nấm, nuôi ong nghe đến lợi nhuận tỷ đồng mỗi năm thì lại nói: “Học thế mà khôn, sau này kiểu gì cũng làm tỷ phú nhỉ”. Họ đâu biết rằng sau đấy là mồ hôi công sức, để thỏa mãn 2 chữ “đam mê”.

Phụ huynh của một học sinh lớp 9 gọi điện đến cô giáo để hỏi về chuyến dã ngoại hướng nghiệp tiếng Anh nói:  “Thế cái bọn ở đấy (ý nói là mấy thầy bên trường đại học) có nói được tiếng Anh không?”. Trẻ nhỏ chính là tấm gương phản chiếu của người lớn, vậy sao người lớn luôn mong những đứa trẻ phải ngoan, phép tắc trong khi bản thân họ lại không vậy. Bài học đạo đức, có bao giờ là đủ.

Con cái chúng ta không phải là thiên tài
Con cái chúng ta không phải là thiên tài

Cách làm cha mẹ có ảnh hưởng rất nhiều lên con cái

Đó là tiêu đề một bài báo nước ngoài mà tôi đã từng đọc được. Bài báo đưa ra thông điệp rằng: Phong cách làm cha mẹ có thể ảnh hưởng đến rất nhiều vấn đề từ cân nặng của con đến việc con có cảm giác thế nào về chính bản thân chúng. Bài báo đưa ra 4 tuýp làm cha mẹ.

Theo đó, nếu bạn thuộc tuýp “cha mẹ độc tài” với lối tư duy: Tin rằng với trẻ con thì chỉ nên trông chừng chúng thôi chứ không nên nghe chúng; nói đến các quy tắc, bạn tin rằng đó là “bất di bất dịch”; không xem xét đến cảm xúc của con. Trẻ có cha mẹ độc tài lớn lên thường có xu hướng tuân theo mọi nguyên tắc, dễ thiếu tự tin vì các ý kiến của chúng thường không được coi trọng. Trẻ cũng có thể trở nên thù địch hoặc hung dữ. Thay vì nghĩ làm sao để làm mọi việc tốt hơn trong lần sau, trẻ lại thường chỉ tập trung vào sự tức giận của mình với cha mẹ. Do cha mẹ độc tài thường khó tính, con cái của họ lớn lên dễ thành kẻ nói dối điêu luyện trong nỗ lực tránh bị trừng phạt.

Là “cha mẹ có thẩm quyền”, bạn rất nỗ lực tạo ra và duy trì mối quan hệ tích cực với con; sẵn sàng giải thích lý do đằng sau các quy tắc mình đưa ra và thực thi các quy tắc và đưa ra hậu quả, nhưng luôn cân nhắc đến cảm xúc của con. Trẻ em có cha mẹ thuộc nhóm này lớn lên có xu hướng hạnh phúc và thành công. Họ cũng có khả năng tốt hơn trong việc đưa ra quyết định và đánh giá rủi ro, an toàn đến với mình. Trẻ có nhiều khả năng trở thành những người lớn có trách nhiệm và cảm thấy thoải mái khi bày tỏ ý kiến.

Nhóm thứ ba là “cha mẹ luôn cho phép” với việc thiết lập các quy tắc nhưng hiếm khi thực thi; thường xuyên không đưa ra hậu quả khi trẻ không tuân theo quy tắc; nghĩ rằng không can thiệp sẽ giúp con học tốt nhất; luôn tha thứ và chấp nhận một điều rằng “chúng nó là trẻ con”. Trẻ em lớn lên với cha mẹ nhóm “luôn cho phép” học hành thường chật vật, có thể mắc nhiều vấn đề trong hành vi và thường không tuân theo kỷ luật. Trẻ có cha mẹ thuộc nhóm này cũng đối diện với nguy cơ có vấn đề sức khỏe nhiều hơn như béo phì, sâu răng vì cha mẹ thường không thực thi thói quen tốt, như việc yêu cầu trẻ giữ thói quen đánh răng 2 lần mỗi ngày.

Nhóm cuối cùng là “cha mẹ không liên quan” sẽ không bao giờ hỏi con về việc học ở trường hoặc bài tập về nhà; hiếm khi biết con đang ở đâu, với ai; không dành nhiều thời gian cho con. Thay vào đó thường kỳ vọng trẻ tự rèn luyện bản thân, họ không dành thời gian cũng như năng lượng của mình để đáp ứng các nhu cầu của trẻ dẫn đến thiếu hiểu biết về sự phát triển của con. Trẻ có cha mẹ thuộc nhóm này dễ tự ti, học đuối ở trường và thường có vấn đề về hành vi, không vui vẻ.

….Tôi chưa có gia đình và cũng chưa có con cái để có thể nói mình sẽ thuộc nhóm cha mẹ nào và sẽ giáo dục con cái của mình như thế nào, mà chỉ đơn thuần kể lại những gì mình đã tận mắt chứng kiến và tri thức mình đã thu lượm được để chuẩn bị cho hành trình sau này. Nhưng, chỉ biết rằng trước khi trở thành một cô giáo tôi cũng là một đứa trẻ và tôi đã trưởng thành theo đúng nguyện vọng của bản thân tôi, nhờ vào suy nghĩ của bố mẹ tôi rằng: Con cái chúng ta không phải là thiên tài!

Đọc thêm

Kỳ thi Tốt nghiệp THPT 2025: Không gây quá tải, áp lực cho thí sinh

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng phát biểu kết luận Hội thảo. (Ảnh: MOET)
(PLVN) - GS.TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng cho biết, công tác chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 đã được Bộ GD&ĐT chuẩn bị trong một thời gian dài, bám sát mục tiêu của Chương trình GDPT 2018, ứng dụng những kinh nghiệm quốc tế trong đổi mới công tác thi tốt nghiệp THPT…

Vì sao trường Cao đẳng Huế có tới 8 Hiệu phó?

Ông Nguyễn Văn Phương (Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế) trao quyết định và tặng hoa Hiệu trưởng cùng 8 Phó Hiệu trưởng
(PLVN) - UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa tổ chức lễ Công bố Quyết định thành lập trường Cao đẳng Huế. Sau khi thành lập, trường này có tới 8 Phó Hiệu trưởng. Sở Nội vụ tỉnh Thừa Thiên Huế lý giải việc này ra sao?

Thi tốt nghiệp THPT 2024: Những điểm mới cần lưu ý

Thi chứng chỉ VSTEP tại Đại học Kinh tế - Tài chính. (Ảnh: UEF)
(PLVN) - Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã công bố quy chế kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Kỳ thi năm nay cơ bản giữ ổn định như năm trước, chỉ điều chỉnh một số điểm về mặt kỹ thuật để bảo đảm thống nhất trong quá trình tổ chức thi trên phạm vi cả nước.

Nhiều cơ hội cho thí sinh chọn ngành bán dẫn

Nhiều cơ hội cho việc làm trong ngành công nghiệp bán dẫn. (Ảnh minh họa - Nguồn: ĐHBK)
(PLVN) - Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, dự kiến năm 2024, các trường đại học sẽ tuyển sinh đào tạo hơn 1.000 sinh viên ngành vi mạch bán dẫn, chủ yếu là thiết kế và 7.000 sinh viên lĩnh vực liên quan đến ngành này… Con số trên sẽ tăng dần từ 20 - 30% mỗi năm. Năm 2030, số lượng nhân lực ngành bán dẫn cơ bản đáp ứng theo yêu cầu của Chính phủ.

Tuyển sinh đại học 2024: Cuộc đua đa sắc màu

Sinh viên ngành Kỹ thuật Điện tử - Viễn thông, Đại học Bách khoa Hà Nội. (Ảnh: HUST)
(PLVN) - Theo PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT), quy chế tuyển sinh của Bộ GD-ĐT được giữ ổn định từ năm 2022 tới nay, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các thí sinh. Do vậy nhiều trường công bố đề án tuyển sinh sớm để thí sinh chuẩn bị tốt nhất, cho cả kỳ thi tốt nghiệp THPT và các đợt xét tuyển vào đại học, cao đẳng năm 2024…

Gia đình Việt với sinh viên nước ngoài xa nhà

Chị Nguyễn Thị Thanh Hằng (phải) và con gái đỡ đầu là sinh viên Lào. (Ảnh: NVCC)
(PLVN) - Học tập, sinh sống ở một đất nước xa lạ, nhưng các sinh viên Lào, Campuchia đã nhận được hơi ấm thân thương từ các gia đình cha - mẹ đỡ đầu Việt Nam. Trao đi tình yêu thương, các bậc cha mẹ người Việt cũng nhận lại nhiều tình cảm và kỉ niệm đẹp từ các con.

Tuyển sinh Đại học 2024: Nhiều ngành “khát” nhân lực

Thí sinh cần cân nhắc trước ngưỡng cửa chọn nghề tương lai. (Ảnh minh họa - Nguồn: huongnghiep.hocmai.vn)
(PLVN) - Theo PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố thông tin đầu tiên về kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024. Sắp tới, quy chế thi tốt nghiệp THPT sẽ được chính thức ban hành để thí sinh sẽ đăng ký dự thi từ tháng 4.