Tạo bình đẳng trong giáo dục, ổn định an ninh chính trị
Vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi (DTTS, MN) chiếm 3/4 diện tích tự nhiên cả nước. Đồng bào DTTS chiếm 14,6% dân số cả nước, dân cư phân tán, đời sống đồng bào còn rất nhiều khó khăn. Những khó khăn, đặc thù về tự nhiên, kinh tế - xã hội (KT-XH) có tác động, ảnh hưởng không nhỏ tới việc phát triển giáo dục và đào tạo (GD&ĐT).
Theo Bộ GD&ĐT, trong những năm qua, sự nghiệp GD&ĐT vùng đồng bào DTTS, MN đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước. Các chủ trương, chính sách đối với đồng bào vùng DTTS, MN được thể chế hóa thành các văn bản quy phạm pháp luật và tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, kịp thời, đáp ứng yêu cầu phát triển GD&ĐT, được Nhân dân đồng tình, ủng hộ. Ngoài chính sách của Nhà nước có tính ổn định, còn có các chương trình, đề án, dự án về phát triển giáo dục vùng khó khăn…
Nổi bật là, trong 10 năm qua, hệ thống cơ sở giáo dục từ mầm non đến THPT được củng cố và phát triển. Các xã vùng sâu, vùng xa, vùng mà người DTTS ở phân tán, địa hình cách trở cũng đều có trường mầm non, trường tiểu học và trường THCS, tất cả các huyện đều có ít nhất từ 2 trường THPT trở lên, đáp ứng nhu cầu học tập của con em người DTTS. Tỷ lệ học sinh (HS) đến trường tăng cao, HS lưu ban, bỏ học ngày càng giảm. Hệ thống giáo dục chuyên biệt cũng ngày càng phát huy hiệu quả tích cực.
Bên cạnh đó, các chế độ, chính sách đối với cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên và người học là người DTTS đã được thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng quy định. Qua đó, đã khuyến khích công tác dạy và học, tạo sự bình đẳng trong giáo dục, góp phần phát triển KT-XH và ổn định an ninh chính trị vùng đồng bào DTTS, MN.
Tuy nhiên, công tác phát triển GD&ĐT vùng đồng bào DTTS, MN cũng còn gặp nhiều khó khăn, bất cập. Có thể kể đến là cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của các cơ sở giáo dục vùng đồng bào DTTS, MN mặc dù đã được quan tâm đầu tư nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế; vẫn còn phòng học nhờ, phòng học tạm, thiếu các phòng chức năng, thiết bị dạy học tối thiểu làm ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học, đặc biệt là việc thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Cơ cấu đội ngũ nhà giáo cũng còn mất cân đối giữa các môn học trong cùng một cấp học, giữa các vùng miền có điều kiện KT-XH khác nhau. Một số chính sách, cơ chế tài chính đối với GD&ĐT vùng đồng bào DTTS, MN chưa phù hợp, chậm được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn…
Bảo đảm quyền lợi học tập của học sinh
Dự báo thời gian tới, vùng đồng bào DTTS, MN tiếp tục phải đối mặt với những khó khăn về KT-XH, văn hóa, giáo dục và y tế. Một số yếu tố văn hóa, phong tục, tập quán của đồng bào DTTS vẫn còn lạc hậu. Tỷ lệ hộ nghèo cao. Việc đầu tư cho phát triển GD&ĐT vùng đồng bào DTTS, MN sẽ tiếp tục gặp khó khăn.
Trong bối cảnh đó, Bộ GD&ĐT cho biết, Bộ sẽ tiếp tục triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển GD&ĐT. Trong đó, tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chính sách đã ban hành, thực hiện cơ chế, chính sách ưu tiên đầu tư phát triển GD&ĐT vùng DTTS, MN; quan tâm ưu tiên nguồn kinh phí cho xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị trường học thực hiện đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông 2018 nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực cho vùng DTTS, MN.
Bộ GD&ĐT cũng cho biết sẽ tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách phát triển GD&ĐT đã ban hành; nghiên cứu, đề xuất, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục vùng đồng bào DTTS, MN. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện việc sắp xếp mạng lưới các cơ sở giáo dục vùng đồng bào DTTS, MN bảo đảm khoa học, phù hợp với quy hoạch, điều kiện thực tế của từng địa phương và có lộ trình hợp lý nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, bảo đảm quyền lợi học tập của HS và đáp ứng được các yêu cầu thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Đi cùng với đó là các biện pháp nhằm nâng cao chất lượng đối với giáo dục dân tộc vùng đồng bào DTTS, MN; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học vùng DTTS, MN. Rà soát về số lượng và cơ cấu giáo viên ở tất cả các cấp học, môn học; xác định cụ thể số lượng giáo viên còn thiếu để đề xuất bổ sung biên chế năm học 2023 - 2024 nhằm khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ và thiếu giáo viên tại các địa phương vùng đồng bào DTTS, MN…
Năm 2020, Quốc hội đã phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS, MN giai đoạn 2021 - 2030 để đầu tư phát triển cho giáo dục vùng đồng bào DTTS, MN. Tổng kinh phí thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2025 là 8.074.638 triệu đồng, trong đó vốn đầu tư là 6.293.046 triệu đồng; vốn ngân sách là 1.781.592 triệu đồng. Đến năm 2023, Bộ GD&ĐT đã có văn bản đề xuất phân bổ 3.308,647 triệu đồng, đạt 40,98% tổng kinh phí cả giai đoạn cho các địa phương thực hiện nhiệm vụ được giao.