Nhiều trường giảm chỉ tiêu tuyển sinh
Kỳ thi diễn ra vào tháng 6.
Tại Hà Nội, theo công bố của Sở GD&ĐT, tổng chỉ tiêu tuyển sinh vào trường công tăng lên, nhưng thực tế ghi nhận, một số trường công lập, trường tốp đầu giảm chỉ tiêu tuyển sinh.
Cụ thể, một số trường như THPT Cầu Giấy (quận Cầu Giấy) giảm 45 chỉ tiêu, THPT Trần Phú (quận Hoàn Kiếm) giảm gần 100 chỉ tiêu, THPT Xuân Đỉnh (Bắc Từ Liêm) giảm khoảng 50 chỉ tiêu... Đại diện một số trường cho biết, năm nay Sở giao chỉ tiêu xuống các trường dựa theo nhiều tiêu chí như cơ sở vật chất, chất lượng giảng dạy,... Nhưng một số trường đang trong thời gian xây dựng, sửa chữa, hoặc chưa đáp ứng đủ yêu cầu, nên chỉ tiêu tuyển sinh bị giảm xuống.
Tại TP HCM, các trường cấp III có xu hướng giảm mạnh chỉ tiêu tuyển đầu vào lớp 10. Như Trường THPT Trần Phú giảm hơn 200 chỉ tiêu, THPT Vĩnh Lộc B giảm gần 300 chỉ tiêu… Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, ông Lê Hoài Nam cho biết, dựa theo thống kê những năm trước, cho thấy số lượng HS đi du học, học nghề sau cấp II có chiều hướng tăng. Để phù hợp yêu cầu của Bộ GD&ĐT tuyển 70% HS vào các trường công lập, TP đã giảm chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 niên học 2024 - 2025.
Việc một số trường công lập giảm chỉ tiêu, vô tình tạo ra áp lực cho HS lựa chọn đăng ký xét tuyển. Đặc biệt, số lượng thí sinh năm nay có xu hướng tăng, nhiều trường “điểm” được dự báo có tỷ lệ chọi cao hơn.
Nỗi lo lắng của phụ huynh, HS còn “lan” sang các trường tư thục. Các trường ngoài công lập năm nay cũng có sự thay đổi về cơ chế tuyển sinh. Trong đó, các trường tư thục được phép lựa chọn một hoặc cả hai phương thức tuyển sinh dựa theo học bạ THCS và dựa theo điểm thi tốt nghiệp THCS của HS.
Nhiều trường tư thục đã lựa chọn cả hai phương thức xét tuyển. Ví dụ, HS muốn đỗ vào Trường THCS - THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) ngoài việc đủ điểm thi tốt nghiệp THCS, còn cần đáp ứng tiêu chí về học bạ như hạnh kiểm tốt, học lực khá cả 4 năm THCS, trong đó riêng lớp 9 bốn môn Toán học - Hóa học - Vật lí - Tiếng Anh phải từ 7,5 điểm tổng kết trở lên, môn Ngữ văn phải từ 6,5 trở lên.
Một số trường cấp III tự chủ tài chính, trực thuộc các trường ĐH, có phương thức xét tuyển cao hơn. Như THCS - THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội), ngoài hai phương thức trên, còn sử dụng thêm phương thức thứ ba thi tuyển với những bài kiểm tra riêng biệt.
Cách ôn thi giai đoạn “nước rút”
Hạn nộp đơn đăng ký nguyện vọng của HS lớp 9 tại Hà Nội đã kết thúc vào 19/4. Một tháng cuối trước kỳ thi là giai đoạn quan trọng giúp HS “bứt phá” đạt được số điểm như mong muốn.
Cô giáo Lê Diệu Linh (giáo viên cấp hai thuộc hệ thống Trường Pathway Tuệ Đức, Hà Nội) chia sẻ cách ôn thi: “Một tháng cuối cùng, HS nên phân bổ thời gian học ba môn Toán - Ngữ Văn - Tiếng Anh hợp lý. Vừa ôn lại, tổng hợp và lập sơ đồ tư duy ghi nhớ kiến thức cơ bản. Sau khi kiến thức cơ bản đã nắm chắc, HS mới có thể vững vàng khi luyện đề thi, làm các câu điểm 9, điểm 10”.
Cô Linh nhấn mạnh, HS nên cẩn thận với việc “học mẹo, học tủ”. Theo cô, cấu trúc đề thi năm nay sẽ không có nhiều đổi mới so với những năm trước. Để có điểm 7 - 8 không khó, cần nắm chắc kiến thức cơ bản, có phương pháp học tập khoa học và đủ nỗ lực.
Với nhiều năm kinh nghiệm luyện thi cho HS lớp 10, cô Linh cho biết, ngoài các trường công lập, các trường top, HS còn rất nhiều lựa chọn khác: “Điều quan trọng nhất, chính là phụ huynh, HS không tự đặt áp lực lên bản thân các em. Hiện nay ngoài hệ thống trường công lập, chất lượng các trường tư thục cũng rất tốt. Đặc biệt, trường nghề có rất nhiều cơ hội giúp HS phát triển khả năng của mình”