Theo ghi nhận của phóng viên tại các chợ Phú Thọ, Phú Cường, An Long, Tràm Chim (huyện Tam Nông, Đồng Tháp), rất dễ tìm thấy các loại động vật hoang dã như: rắn, rùa, chim, cò … thường xuyên được bày bán công khai.
Một số hộ tiểu thương chuyên bán động vật hoang dã ở chợ Tràm Chim (chợ trung tâm huyện Tam Nông) cho biết: “Các loại động vật này được những thợ săn chuyên nghiệp săn bắt được ở khu vực Vườn Quốc gia Tràm Chim và đem bỏ mối, chúng tôi bán lại cho người tiêu dùng hoặc bán lại cho chủ nhà hàng, quán nhậu… Giá bán mỗi ký rắn sống từ 150.000đ trở lên tùy chủng loại lớn, nhỏ; còn rùa thì bán 300.000đ/kg; chim, cò từ 150.000 đến trên 200.000đồng/kg; rắn làm khô giá bán từ 380.000đ/kg trở lên...”.
Tại một sạp hàng tiểu thương chuyên bán chim, cò… trong chợ Tràm Chim, phóng viên quan sát thấy một số con chim, cò, trích… còn sống được nhốt trong chuồng lưới, một số con chết bị nhổ lông để trong cái mâm nhôm trên chuồng. Khi tôi tiến đến gần, một tiểu thương nhận ra tôi thường đi với Đoàn kiểm tra liên ngành của huyện Tam Nông nên tỏ thái độ cảnh giác, nhanh tay cất giấu mâm chim, cò đã vặt lông, làm thịt vào trong và lấy tấm bạt che chuồng chim, cò, cúm núm sống trong chuồng lại. Để cho chị tiểu thương an tâm, tôi nói cứ an tâm bày bán… hôm nay tôi không có kiểm tra.
Chị tiểu thương cười rồi bày bán chim, cò, cúm núm lại và chị này chia sẻ: “Lực lượng Công an, Kiểm lâm kiểm tra gắt gao quá nên chúng tôi buôn bán loại động vật hoang dã này hồi hộp lắm; không bày bán công khai như trước đây và mỗi lần bán cũng ít thôi chứ không có công khai như chợ chim, cò ở thị trấn Thạnh Hóa (Long An)…”.
Tôi hỏi: “Biết các loại động vật hoang dã này cấm mua bán, săn bắt mà sao chị vẫn bán?”. Chị tiểu thương trả lời một cách tự nhiên: “Không bán lấy gì sống hả anh? Vả lại, chim trời, cá nước hết lại có mà anh. Vì người tiêu dùng thường đến hỏi mua nên mình phải bán, có cầu ắt có cung”. Tôi hỏi: “Nguồn này ở đâu mà có để bán?”. Chị tiểu thương trả lời gọn lỏn: “Do một số người săn bắt đem lại bỏ mối”.
Chim, cò làm sẵn để bán tại chợ Tam Nông |
Rời sạp bán chim, cò, cúm núm… tôi đến điểm bán rắn, rùa nổi tiếng tại chợ này. Rắn sống được để trong hồ kiếng, chuồng lưới; còn khô rắn thì treo lủng lẳng thẳng hàng, bên trong bịch khô rắn có nhãn hiệu của cơ sở chế biến là “T.R” (tức Tám Rắn)! Bà Tám Rắn cho biết: “Rắn sống và rắn chế biến làm khô ở đây bán chủ yếu là rắn ri voi, rắn nước, rắn bông súng, rắn ri cá… Rắn sống có giá bán từ 150.000đ/kg trở lên tùy chủng loại. Còn khô rắn có giá bán từ 400.000đ/kg trở lên…”.
Bà Tám Rắn bật mí: “Người sành ăn mới phân biệt được khô rắn với khô trăn. Còn không phân biệt được có thể mua lầm sản phẩm khô trăn có giá rẻ hơn gấp đôi khô rắn. Nguồn rắn chủ yếu được đưa từ Campuchia về và một số người săn bắt trong khu Ramsar Tràm Chim”.
Sau khi “mục sở thị” tình trạng săn bắt, mua bán động vật hoang dã trái phép tại chợ Tràm Chim, tôi cùng với 2 người bạn là ông Dương Hùng Đỗ - Chủ tịch Viện Công nghệ sinh học miền Nam thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ-Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cùng cô Ngân - thư ký của ông Đỗ vào nhà hàng Phương Chi ở thị trấn Tràm Chim, huyện Tam Nông để dùng cơm trưa.
Tại đây, chúng tôi cũng gọi món chim, cò, cúm núm rô ti thì chủ quán bảo chờ khoảng nửa tiếng đồng hồ để liên hệ xem có nguyên liệu chim, cò, cúm núm không? Sau thời gian chờ đợi, chủ quán cho biết chỉ mua được có 2 con cúm núm. Và chỉ với 2 con cúm núm chưa đến 300g, sau khi chế biến một đĩa rô ti thơm lừng có giá tới 280.000 đồng, bà chủ quán giải thích: “Chim, cò, cúm núm cở này khan hiếm, do bị săn bắt theo kiểu tận diệt cộng với các ngành chức năng kiểm tra, truy bắt quá gắt gao quá nên giá thành cũng mắc”.
Ông Nguyễn Thế Hanh - Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Tràm Chim cho biết: “Lực lượng Kiểm lâm tỉnh Đồng Tháp Kết hợp với Đội kiểm lâm liên huyện Tam Nông - Tân Hồng và Kiểm lâm Vườn Quốc gia Tràm Chim thường xuyên kiểm tra, phát hiện và bắt, xử lý hành vi mua bán, vận chuyển, chế biến, kinh doanh trái phép các loại động vật hoang dã.
Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, vận động mọi người xây dựng ý thức bảo tồn quần thể các loài động vật hoang dã và một số loại động vật bản địa đang dần bị cạn kiệt và có một số loài đang có nguy cơ tuyệt chủng. Đặc biệt là giáo dục, thuyết phục mọi người chỉ cần một hành động nhỏ là không săn bắt động vật hoang dã hay phóng sanh chúng là chung tay bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ các loài động vật hoang dã, bản địa cho thiên nhiên được trong lành.
Chúng tôi đang xây dựng kế hoạch khai thác tài nguyên hợp lý trong Vườn từ tháng 9 đến tháng 11 hàng năm… góp phần làm giảm áp lực xâm nhập trái phép vào Vườn. Yêu cầu bà con cô bác có ý thức trong việc giữ gìn Vườn Quốc gia, không nên xâm nhập trái phép vào Vườn. Yêu cầu bà con tự quản với nhau, cùng nhau cộng tác với Vườn Quốc gia để ngăn chặn xâm nhập. Đồng thời, những gia đình nào có con em thường hay vào Vườn khai thác tài nguyên trái phép, đoàn thể địa phương, gia đình cũng nên tuyên truyền, giáo dục con em mình không nên vào Vườn Quốc gia trái phép...”.
Điều 21 Nghị định 99/2009/NĐCP của Chính phủ quy định: cá nhân, tổ chức có hành vi mua bán, cất giữ, chế biến, kinh doanh trái phép các loại động vật thuộc lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng và lâm sản sẽ bị xử phạt hành chính tùy theo mức độ từ 3 triệu đến 500 triệu đồng. Mặc dù Chính phủ đã có quy định nghiêm cấm, xử phạt việc đánh bắt, vận chuyển, buôn bán trái phép các loại động vật hoang dã thuộc lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng và lâm sản; lực lượng kiểm lâm, quản lý thị trường, Công an huyện Tam Nông đã tổ chức nhiều cuộc ra quân kiểm tra, bắt giữ, xử lý không ít trường hợp đánh bắt, vận chuyển, mua bán trái phép các loại động vật hoang dã, nhưng thực trạng này vẫn ngang nhiên xảy ra ngay gần địa bàn Vườn Quốc gia Tràm Chim, giữa thanh thiên bạch nhật, đến mức đáng báo động!
Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng huyện Tam Nông và tỉnh Đồng Tháp cần đẩy mạnh tuyên truyền hơn nữa để người dân nêu cao ý thức tự giác, không săn bắt, vận chuyển, mua bán trái phép các loại động vật hoang dã. Đồng thời cần phải xử lý mạnh tay hơn nữa với những trường hợp vi phạm nhằm chung tay bảo vệ môi trường, bảo vệ các loài động vật hoang dã cho thiên nhiên được trong lành và giữ gìn hệ sinh thái bền vững.