Trong khi đó, việc tham gia Sáng kiến Minh bạch Công nghiệp Khai khoáng (EITI) lại đang bị Bộ Công Thương “câu giờ” sau gần 10 năm được Chính phủ giao trách nhiệm. Tại sao Bộ quản lý lĩnh vực này lại chậm trễ như vậy và sự chậm trễ đó có phải là một trong những yếu tố góp phần làm cho kho than tồn của TKV ngày một đầy lên?
“Đục nước béo cò”?
TS Nguyễn Thành Sơn, nguyên Trưởng Ban Chiến lược TKV cho biết, lẽ ra Việt Nam phải tham gia EITI từ 10 năm về trước, giờ tham gia đã là quá muộn. Theo vị này, nếu tham gia từ thập kỷ trước, thì có thể chúng ta đã đẩy lùi được thời gian phải nhập khẩu một số loại khoáng sản, trong đó có than, đến sau năm 2020 hoặc hơn nữa. Thế nhưng, vì không minh bạch nên Việt Nam đã phải nhập than từ năm 2013 và có xu hướng mỗi năm nhập một nhiều. “Nghịch lý là chúng ta có nhiều than nhưng lại phải nhập khẩu than”, ông Sơn nói.
Theo TS Nguyễn Thành Sơn, nguyên nhân Việt Nam chưa gia nhập EITI vì một số cơ quan quản lý muốn được “đục nước béo cò”? “Tức là cơ quan quản lý nhiều khi muốn tạo ra một môi trường lờ mờ để dễ quản lý hơn”, lời ông Sơn. Do đó, rào cản lớn nhất để tham gia EITI hay không là ở quyết tâm từ phía cơ quan quản lý chứ không phải ở bản thân ngành Khoáng sản.
“Ví dụ như TKV, cũng vì không minh bạch trong các khâu sản xuất, mà hiện đang tồn đọng lại khoảng 11 triệu tấn than, nhưng chủ yếu là than xấu, không bán đi đâu được; còn than tốt thì người ta đã lấy đi gần hết rồi”, TS Sơn nói. “Hiện nay, có rất nhiều loại tiêu chuẩn và phân loại, với hơn 100 loại than. Bất kỳ hòn đá nào ở Quảng Ninh nhặt lên cũng là than rồi, nhưng việc nhập nhằng giữa quá nhiều loại than như vậy cũng là một hình thức không minh bạch với người tiêu dùng, dẫn đến tiêu cực, gian lận có thể xảy ra”, vẫn lời ông Sơn.
Xung quanh vấn đề này, ông Đậu Tuấn Anh (Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam - VCCI) nói, cách đây 5 năm, VCCI đã tiến hành nghiên cứu về EITI đối với các doanh nghiệp trong và ngoài nước đang đầu tư, khai thác về khoáng sản.
Kết quả cho thấy, các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn, kinh doanh nghiêm túc thì đều cho rằng Việt Nam nên tham gia EITI. “Nhiều doanh nghiệp lớn muốn công khai, minh bạch thì tại sao Chính phủ lại không tạo điều kiện thực hiện?”, ông Tuấn Anh nói và cho rằng đây là một nghịch lý.
Trách nhiệm ở Bộ Công Thương?
Cũng theo vị đại diện VCCI, việc Việt Nam đến nay lưỡng lự chưa tham gia EITI có thể là do chúng ta đã chọn sai đầu mối thực hiện là Bộ Công Thương. Theo đó, việc nghiên cứu, xem xét Việt Nam có tham gia EITI hay không đang được giao Bộ Công Thương phụ trách. Tuy nhiên, dưới Bộ này có nhiều doanh nghiệp, tập đoàn Nhà nước.
“Rõ ràng khi hành xử, Bộ Công Thương không chỉ cân nhắc dưới tư cách là cơ quan quản lý nhà nước mà còn dưới góc nhìn của một nhà đầu tư, một ông chủ của tập đoàn lớn. Nên khi minh bạch trong khai khoáng, có thể ảnh hưởng đến quan hệ vốn giữa Bộ Công Thương và các tập đoàn, tổng công ty”, ông Đậu Anh Tuấn nói và đề xuất nên xem xét phương án chuyển đầu mối cho Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội hoặc Bộ Tài chính hay Bộ Tài nguyên và Môi trường để thực hiện nghiên cứu việc tham gia EITI.
Bà Trần Thanh Thủy (Đại diện tổ chức Liên minh Khoáng sản) cho biết, việc tham gia minh bạch khai thác khoáng sản được giao cho Bộ Công Thương chủ trì, nhưng thực ra là do một vụ, thậm chí là một cán bộ phụ trách. Nguồn lực hạn chế và chưa được quan tâm đúng mức là một trong những nguyên nhân khiến quá trình xem xét thực hiện EITI bị chậm trễ.
Còn nhớ, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo: “Phải khai thác sử dụng tài nguyên khoáng sản hiệu quả hơn, minh bạch hơn, trách nhiệm hơn. Nhiều nước tham gia Sáng kiến Minh bạch ngành công nghiệp khai khoáng giúp các nước giàu tài nguyên tăng thu được hàng trăm triệu USD. Yêu cầu Bộ Công Thương sớm báo cáo về khả năng của Việt Nam tham gia sáng kiến này”.
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo là vậy, thế nhưng mới đây tại một buổi tọa đàm bàn về việc có nên tham gia EITI hay không, đại diện Bộ Công Thương lại nêu quan điểm: Minh bạch trong khai thác khoáng sản là cần thiết nhưng không nhất thiết phải tham gia EITI. Còn tại buổi tọa đàm diễn ra hôm 12/9 cũng liên quan đến chủ đề này, Ban Tổ chức lại tiếp tục mời đại diện Bộ Công Thương nhưng không thấy ai ở Bộ này tới dự.
Minh bạch khai khoáng - “chuẩn bị” tới bao giờ?
Để làm rõ hơn thông tin cũng như biện pháp để giải quyết việc tồn đọng 11 triệu tấn than hiện nay của TKV, phóng viên đã liên lạc với ông Nguyễn Khắc Thọ, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương), người phụ trách lĩnh vực than. Tuy nhiên, ông này cho biết, muốn trả lời việc này thì phóng viên phải có công văn và được phê duyệt của Tổng Cục trưởng thì mới trả lời.
Trong khi đó, ông Cao Quốc Hưng, Thứ trưởng Bộ Công Thương, người phụ trách ngành Than của Bộ này cho rằng: “Việc tham gia EITI nên có thời gian chuẩn bị”.
Bộ Công Thương nên chính thức có phản hồi về vấn đề này để giải đáp những thắc của dư luận và công luận về lộ trình minh bạch hoạt động khai khoáng cũng như câu chuyện 11 triệu tấn than tồn chưa có “lối thoát” của TKV.