Dù không phải mẹ ruột nhưng nhiều năm qua bà tận tình, hết lòng chăm sóc 8 đứa con riêng của chồng. Ngay cả khi con và chồng không may mắc bệnh hiểm nghèo, bà vẫn âm thầm ở bên lo chu toàn bổn phận đến giây phút cuối cùng.
Gái trẻ “đèo bòng” 8 con riêng của chồng
Căn nhà nằm bên đồi chè tại xã Thanh Mai, huyện Thanh Chương (Nghệ An) nhiều năm nay là mái ấm của mẹ con bà Phan Thị Hoa (SN 1970). Mái ấm này đặc biệt bởi bên trong dù có những mối quan hệ mà người đời thường cho là phức tạp như: mẹ kế, dì ghẻ, con riêng, con chung....nhưng chưa bao giờ xảy ra xích mích. Trái lại, đức hy sinh, sự tần tảo, một lòng lo cho chồng và 8 đứa con riêng của chồng của bà Hoa khiến nhiều người nể phục.
Năm 2000, người vợ của ông Trần Văn Đức (SN 1955, ngụ xóm Xí nghiệp, xã Thanh Mai) đột ngột qua đời sau một cơn tai biến mạch máu não. Thời điểm đó, đứa con thứ 8 của vợ chồng ông là Trần Văn Đạt chưa đầy 2 tháng tuổi. Vợ qua đời, ông Đức một mình “gà trống nuôi con”. Cuộc sống nơi vùng quê vốn nghèo khó càng vất vả hơn đối với người đàn ông vừa chăm sóc đàn con vừa cày cấy ruộng đồng.
Với mong muốn có người cùng mình lo cho các con, vun vén gia đình, ông Đức quyết định tìm người để đi bước nữa. Nhưng trong tâm trí ông lúc này là hàng loạt câu hỏi liệu có người phụ nữ nào chấp nhận “đèo bòng” 8 đứa con đang thơ dại hay không? Hay liệu họ có đủ lòng bao dung để yêu thương, dạy bảo các con riêng của mình?.
Và rồi, bà Phan Thị Hoa đã đến với ông như duyên phận. Bà Hoa ít hơn ông Đức 15 tuổi. Vì kém duyên nên bà muộn chồng, tính ở vậy suốt đời. Nhưng sau khi được mai mối, qua tìm hiểu biết ông Đức thật thà, hiền lành nên cô gái ấy quyết định gắn bó với người đàn ông đã qua một đời vợ, đang nuôi 8 đứa con.
Quyết định của bà bị nhiều người phản đối, kể cả gia đình vì sợ bà vất vả khi phải nuôi nhiều con riêng của chồng. “Mọi người bảo đã ở cái tuổi 30 rồi thì ở vậy nuôi thân, việc gì phải cực khổ mà nuôi con người khác, biết chúng nó có yêu thương mình hay không…”, bà Hoa nhớ lại.
Bà Phan Thị Hoa. |
Gạt đi tất cả, bà vẫn quyết định về chung sống với bố con ông Đức. Rồi ngày cưới đã được định. Thế nhưng, cuộc hôn nhân vất vả của họ dường như được báo trước bằng những điềm không lành.
Bà Hoa nhớ lại: “Hôm diễn ra lễ cưới, gia đình tôi chờ đến tận trưa mà vẫn không thấy đằng trai sang. Mãi sau chúng tôi mới nhận được tin báo nhà ông Đức có tang nên ông ấy phải vào Hà Tĩnh để lo việc. Đến 14h chiều, ông Đức mới vội vã đến nhà gái rước dâu. Đám cưới ngày ấy chỉ làm vài mâm cơm để mời hai bên nội ngoại”.
"Bánh đúc" ấm tình mẫu tử
Dù xác định trước tư tưởng về làm mẹ 8 đứa con riêng của chồng sẽ gặp nhiều khó khăn nhưng bà Hoa không ít lần tủi thân. Bởi thời gian đầu các con riêng không mấy thiện cảm với mẹ kế. Bà hiểu tâm lý “mẹ kế con chồng” nên không trách cứ mà lặng lẽ làm việc, lo lắng cho gia đình. Người phụ nữ này muốn chứng tỏ tình thương của mình đối với gia đình, chồng con qua những việc làm.
Sau ngày cưới, bà cùng chồng quần quật làm việc để nuôi các con ăn học. Thương cảnh nghèo khó, người nhà cho hai vợ chồng mượn một mảnh đất ở Nông trường chè Thanh Mai để có kế sinh nhai. Để lo ngày 3 bữa cơm cho các con, bà Hoa cùng chồng “giật gấu vá vai”, chăm chút nương chè của mình để cải thiện kinh tế, kiếm thêm thu nhập. Trời không phụ công người chăm sóc, những nương chè lá xanh mơn mởn giúp vợ chồng ông có thêm kinh tế.
Không chỉ hay lam hay làm, bà Hoa luôn quan tâm chăm sóc các con. Hình ảnh 8 đứa con gầy gò, rách rưới khiến bà thương cảm. Vì cũng mang phận mồ côi từ nhỏ nên bà hiều sự thiệt thòi của các con mình. Thế nên, gạt qua mọi dư luận, bà Hoa vẫn tần tảo sớm hôm nuôi các con, lo cho 10 miệng ăn trong nhà. Sau thời gian dài lặng lẽ làm tròn trách nhiệm của người vợ, người mẹ, 8 đứa con dần nhận ra tấm chân tình của mẹ kế. Từ hiểu, họ thương và trân trọng người mẹ kế của mình hơn.
Đến năm 2007, bà Hoa sinh bé Trần Quang Huy. Khi đứa con vừa lọt lòng, bà đã nhờ bác sĩ thắt ống dẫn trứng cho mình vì sợ không thể cáng đáng chăm sóc cho tất cả các cháu. Câu chuyện người phụ nữ thắt ống dẫn trứng để toàn tâm lo cho các con riêng của chồng khiến nhiều người xúc động.
Cuộc sống nghèo khó nhưng bình yên của gia đình bà kéo dài đến năm 2014 thì biến cố ập đến. Cuối năm đó, em Trần Văn Thắng (SN 1997) phát hiện bị ung thư xương quái ác. Lúc này, bà gác lại công việc đồng ruộng cùng con ra Hà Nội tìm sự sống. Hình ảnh người “dì ghẻ” ân cần chăm con tại bệnh viện khiến nhiều người cảm phục. Dù gia đình cố gắng vay mượn tiền bạc, nhưng mọi nổ lực và sự hy sinh của bà Hoa đã không có kết quả. Năm 2017, em Thắng qua đời sau 3 năm chống chọi với căn bệnh ung thư.
Nhiều năm qua, bà luôn tận tâm làm việc để lo cho các con riêng của chồng |
Nỗi đau mất con dù đó không phải là đứa con mình đứt ruột sinh ra cũng khiến bà suy sụp. Phải mất một thời gian, bà mới vực dậy tinh thần thì bất hạnh lại ập xuống. Năm 2018, bà Hoa điếng người khi nhận hung tin chồng bị ung thư. Một lần nữa người thân trong nhà mắc bệnh hiểm nghèo, bà như muốn ngã quỵ. Nhưng bà vẫn cố gắng đưa chồng đến các bệnh viện để chạy chữa nhưng 1 năm sau, ông Đức qua đời để lại bà cùng 8 đứa con.
Chồng mất, khó khăn lại thêm chồng chất, bà một mình chạy vạy, lo cho các con từng bữa cơm để sống qua ngày. Rồi bà dựng vợ, gả chồng cho những đứa lớn. Hiện, bà Hoa đang sống cùng 3 đứa con, trong đó có con gái đầu Trần Thị Mỹ (SN 1979), bị câm điếc bẩm sinh. Dù cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn nhưng điều bà hãnh diện là các con luôn đoàn kết, yêu thương nhau, không có sự phân biệt giữa con riêng, con chung.
Nói về người mẹ kế, em Trần Văn Đạt tâm sự: “Khi mẹ Hoa về em mới 6 tuổi, mẹ đã hết lòng chăm sóc em cùng các anh chị. Mẹ lo cho chúng em từ bữa ăn, giấc ngủ cho đến việc giáo dục làm người. Dù mẹ Hoa không có công sinh nhưng công dưỡng dục của mẹ chúng em không bao giờ quên”.
Câu chuyện mẹ kế hết lòng chăm sóc con riêng của chồng được người dân nơi đây hết lòng khen ngợi, thán phục. Ông Hà Quang Thắng, Chủ tịch UBND xã Thanh Mai, huyện Thương Chương đã thốt lên hai chữ “tuyệt vời” khi nói về đức hy sinh của bà Hoa. Theo ông Thắng, tại địa phương, chị Hoa là người phụ nữ tần tảo sớm hôm lo cho các con riêng của chồng. Tình thương và trách nhiệm của chị đối với gia đình chồng khiến nhiều người thán phục. Sự hy sinh, tần tảo của chị đáng để nhiều người phụ nữ khác noi theo.