Xuất siêu đạt 11,9 tỷ USD
Báo cáo về tình hình thương mại và công nghiệp của Bộ Công Thương cho thấy, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu (XK) tháng 8/2020 ước tính đạt 26,5 tỷ USD, tăng 6,5% so với tháng trước. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch hàng hóa XK tháng 8 tăng 2,5%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 18,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) giảm 4,6%.
Theo đại diện Bộ Công Thương, tuy mức tăng trưởng tháng 8 là mức tăng XK cao nhất trong số các tháng của năm 2020 và có tăng so với cùng kỳ, nhưng xét tới các nhóm hàng, mặt hàng chính vẫn cho thấy sự khó khăn nhất định.
Cụ thể, so với tháng 8/2019, kim ngạch XK của Việt Nam tăng chủ yếu đến từ đà tăng trưởng cao của một số mặt hàng như máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; gỗ và sản phẩm gỗ.
Trong khi đó, kim ngạch XK của nhiều mặt hàng chủ lực khác vẫn sụt giảm so với cùng kỳ năm 2019 như: Điện thoại các loại và linh kiện giảm 10,2%; hàng dệt và may mặc giảm 10,9%, giày dép các loại giảm 11%; xơ, sợi, dệt các loại giảm 14,8%... Một số mặt hàng nông, thủy sản cũng ghi nhận sự sụt giảm như thủy sản, hạt điều, cà phê, chè các loại, hạt tiêu…
Tính chung, sau 8 tháng, kim ngạch XK hàng hóa ước tính đạt 174,11 tỷ USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là kim ngạch XK của hầu hết các mặt hàng nông sản đều giảm so với cùng kỳ năm trước, trong đó giảm mạnh nhất là hạt tiêu với mức giảm lên đến 20%; sau đó đến cao su (giảm 12,7%) và rau quả (giảm 11,3%).
Đại diện Bộ Công Thương cho rằng, hiện nay, dịch bệnh Covid-19 vẫn chưa được kiểm soát trên phạm vi toàn cầu, đặc biệt tại các quốc gia châu Âu (EU), Hoa Kỳ, Ấn Độ… Một số nước khi dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp, mở cửa biên giới lại phải đối mặt với làn sóng Covid-19 thứ hai quay trở lại đã ảnh hưởng bất lợi tới các hoạt động kinh tế, đặc biệt là hoạt động thương mại. Do đó, dù số liệu cho thấy, sau 8 tháng, xuất siêu của Việt Nam lên đến 11,9 tỷ USD nhưng tình hình XK trong các tháng cuối năm sẽ gặp nhiều khó khăn.
Dự báo nhiều khó khăn thời gian tới
Trong 8 tháng qua, Hoa Kỳ là thị trường XK lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch tăng 19% so với cùng kỳ năm trước; Trung Quốc tăng 13%; Các thị trường còn lại đều giảm như thị trường ASEAN giảm 13,6%; Nhật Bản giảm 6,1%; Thị trường EU giảm 4%; Hàn Quốc đạt 12,6 tỷ USD, giảm 1,5%... Đây đều là những thị trường XK lớn của Việt Nam, đặc biệt là các mặt hàng chủ lực như dệt may, da giày. Do vậy, những lo ngại về tăng trưởng kim ngạch XK những tháng cuối năm vẫn tiếp tục tăng lên.
Đại diện Bộ Công Thương cho biết, từ nay đến cuối năm, dự báo đầu ra của ngành da giày sẽ tiếp tục gặp khó, bởi phụ thuộc nhiều vào khả năng khống chế dịch của Mỹ và Châu Âu. Động lực lớn nhất cho tăng trưởng của ngành chính là Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực.
Để có thể tận dụng cơ hội từ Hiệp định này nhằm gia tăng XK, nhiều doanh nghiệp trong ngành đã lên phương án như tái cơ cấu bộ máy, sẵn sàng hạ tầng nhà xưởng, nguyên liệu nhằm đáp ứng theo các cam kết của Hiệp định, đồng thời tăng cường đầu tư máy móc để nâng cao chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, dự báo cũng cho rằng, ngay trong năm nay, những tận dụng của Hiệp định này cũng sẽ chưa đáng kể nên kim ngạch XK sẽ không có sự tăng trưởng như kỳ vọng.
Cùng với đó, ngành điện tử Việt Nam dự kiến sẽ vẫn bị ảnh hưởng trong quý cuối cùng của năm 2020 do diễn biến dịch bệnh phức tạp làm sụt giảm nhu cầu tiêu thụ sản phẩm điện tử tại các thị trường Mỹ và EU.
Dù hiện nay, Tập đoàn Samsung cũng đã lên kế hoạch và kịch bản ứng phó với tình hình này trên phạm vi toàn cầu, trong đó tập trung vào việc tái cơ cấu hệ thống phân phối, đưa ra các chương trình ưu đãi, hỗ trợ vượt trội cho khách hàng trong việc mua bán sản phẩm thông qua hệ thống thương mại điện tử cũng như các dịch vụ khuyến mại, bảo hành, chăm sóc khách hàng đặc biệt khác nhằm kích cầu tiêu dùng đối với sản phẩm của Samsung nhưng cũng không thể kỳ vọng vào con số bất ngờ về tăng trưởng trong lĩnh vực này.
Bên cạnh đó, ngành dệt may cũng đã có những dự liệu không thể sáng sủa hơn dù thời gian chuẩn bị hàng cho thời điểm giao mùa đã đến. Nếu như cách đây 2 tháng, hầu hết các doanh nghiệp dệt may đều hy vọng vào thời điểm cuối năm để đẩy mạnh kim ngạch XK thì thời điểm này, tất cả đều… khựng lại.
Theo đại diện Tập đoàn dệt may Việt Nam, các năm trước, đơn hàng cuối năm khá lớn do các nước châu Âu và Mỹ đều chuẩn bị đón giáng sinh. Nhưng năm nay, thời điểm này vẫn chưa chốt được đơn hàng của tháng 10, 11 nên cũng khó hy vọng vào các đơn hàng chào đón giáng sinh và năm mới.