Vướng mắc pháp lý từ hợp đồng đã ký
Dự án có quy mô tổng chiều dài 12,5km, 01 Depot và 12 ga (8,5km đi trên cao với 8 ga và 4km đi ngầm với 4 ga). Tổng mức đầu tư là 1.176 triệu Euro (sử dụng vốn vay ODA của Ngân hàng Phát triển châu Á, Ngân hàng Đầu tư châu Âu, Chính phủ Pháp, Cơ quan Phát triển Pháp). Dự án thực hiện từ 2009 đến 2022, bao gồm 10 gói thầu chính (05 gói thầu xây lắp, 04 gói thầu hệ thống cơ điện thiết bị và 01 gói thầu tư vấn chung).
Tính đến thời điểm hiện nay, tiến độ tổng thể chung của Dự án đạt khoảng 74% (trong đó tiến độ đoạn trên cao đạt 89,41%; tiến độ đoạn ngầm đạt 32,2%), kế hoạch đưa vào vận hành đoạn trên cao vào cuối năm 2021 và hoàn thành toàn bộ Dự án vào cuối năm 2022 đều phải điều chỉnh tiến độ dự kiến hoàn thành đoạn trên cao cuối 2022, hoàn thành đoạn ngầm cuối năm 2025 và khả năng phát sinh chi phí.
Đến nay, 8/10 hợp đồng các gói thầu cần phải ký kết các phụ lục hợp đồng gia hạn thời gian thực hiện và bổ sung các chi phí do kéo dài thời gian thực hiện hợp đồng; lũy kế giải ngân dự án đến 5/10/2021 là hơn 15.962 tỷ đồng. Trong đó, từ đầu dự án đến hết năm 2015 là hơn 2.177 tỷ đồng; giai đoạn 2016-2020 là hơn 12.344 tỷ đồng; giải ngân kế hoạch vốn năm 2021 đến 15/10/2021 là hơn 1.431 tỷ đồng/hơn 4.934 tỷ đồng đạt 29%.
Đáng chú ý, về các vướng mắc liên quan đến sự khác biệt giữa Hợp đồng FIDIC và pháp luật Việt Nam hiện hành, Bộ KH&ĐT cho biết: Các gói thầu của Dự án theo mẫu Hợp đồng quốc tế FIDIC có nhiều điểm khác biệt với quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành. Trong đó có những khác biệt về gia hạn thời gian thực hiện hợp đồng và bổ sung chi phí do điều chỉnh thời gian; điều chỉnh giá hợp đồng; Ban xử lý tranh chấp… Vướng mắc về hợp đồng cũng dẫn đến những chậm trễ trong công tác thanh toán cho các nhà thầu các chi phí do kéo dài thời gian, điều chỉnh giá... do chưa ký kết được các phụ lục hợp đồng.
Một số nhà thầu thậm chí đã đưa vấn đề tranh chấp ra Ban xử lý tranh chấp và Trọng tài quốc tế, đồng thời tạm dừng một phần hoặc toàn bộ các hoạt động gây chậm trễ tiến độ. Trong khi theo Bộ KH&ĐT, nếu áp dụng theo Nghị định số 37/2015/NĐ-CP ngày 22/4/2015 thì có nhiều nội dung không phù hợp với việc quản lý hợp đồng FIDIC theo yêu cầu của nhà tài trợ. Đây cũng là vướng mắc chung mà các Dự án đường sắt đô thị hiện nay ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đang gặp phải.
Cần nhiều cơ quan cùng vào cuộc
Bộ KH&ĐT thông tin, ngày 02/8/2021, bốn nhà tài trợ đồng ký văn bản yêu cầu chủ đầu tư tuân thủ chặt chẽ các quy định Hợp đồng FIDIC. Ngày 08/9/2021 Đại sứ Pháp có Công thư gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị “cho phép áp dụng chặt chẽ các điều khoản trong hợp đồng đã ký kết và tuân thủ hợp đồng sẽ được áp dụng trong trường hợp có khác biệt với quy định Việt Nam”.
Để sớm giải quyết các vướng mắc nói trên, Bộ KH&ĐT cho rằng cần có sự phân công cơ quan chuyên môn cụ thể chủ trì, chịu trách nhiệm hướng dẫn, đưa ra giải pháp đối với vấn đề thuộc thẩm quyền quản lý theo quy định của pháp luật. Sau khi được phân công nhiệm vụ, cơ quan chuyên môn sẽ chủ trì, phối hợp với UBND TP Hà Nội và các cơ quan liên quan báo cáo giải pháp xử lý vướng mắc trình lãnh đạo Chính phủ xem xét quyết định.
Tại Văn bản số 8145 ngày 22/11/2021, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Bộ KH&ĐT đã phân công nhiệm vụ cho một số cơ quan liên quan chuẩn bị các nội dung nhằm tháo gỡ vướng mắc cho Dự án. Cụ thể, về những vấn đề liên quan đến thể chế, chính sách đối với Dự án, Bộ KH&ĐT đề nghị Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ sớm triệu tập họp để xem xét, có phương án giải quyết những nội dung cụ thể ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ thực hiện và giải ngân.
Đối với những vướng mắc về sự khác biệt giữa quy định của Hợp đồng FIDIC và quy định của pháp luật Việt Nam; Quy chuẩn, tiêu chuẩn, các quy định về định mức, đơn giá, giá vật tư, thiết bị chuyên ngành đường sắt đô thị, Bộ KH&ĐT phân công Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất giải pháp theo hướng tháo gỡ vướng mắc cho Dự án, trong đó bao gồm việc xây dựng đồng bộ các quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức, đơn giá trong lĩnh vực đường sắt đô thị.
Về vấn đề Hợp đồng Tư vấn Systra (Hợp đồng trọn gói), căn cứ chỉ đạo, Bộ KH&ĐT phân công Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với UBND thành phố Hà Nội giải quyết dứt điểm theo quy định để tạo thuận lợi cho Dự án tiếp tục triển khai, phù hợp với cam kết của các nhà tài trợ.
Được biết, trong tháng 3/2022, Văn phòng Chính phủ có 2 văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trục Chính phủ Phạm Bình Minh yêu cầu các cơ quan nêu trên sớm có báo cáo kết quả xử lý vướng mắc Dự án lên Thủ tướng Chính phủ, chậm nhất trong tháng 4 năm 2022.