Liên quan đến việc xử lý vi phạm đối với các hộ dân có công trình xây dựng trái phép trên tổng số 11,8 ha đất nông nghiệp tại khu vực xứ Đồng Gạo, thôn Vũ Trường, xã Vũ Chính (TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình) mà báo Pháp luật Việt Nam đã, đang phản ánh, thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND TP Thái Bình, UBND xã Vũ Chính lần lượt có các công văn số 42/CV-UBND và 50/CV-UBND đề nghị Điện lực TP Thái Bình ngừng cấp điện sinh hoạt, đồng thời thanh lý hợp đồng mua bán điện sinh hoạt đối với các hộ gia đình, cá nhân có sai phạm.
Tuy vậy, cả hai lần Điện lực TP Thái Bình đều đưa ra những lý do khác nhau để từ chối thực hiện ý kiến truyền đạt chỉ đạo của UBND TP Thái Bình.
Đối với công văn số 42/CV-UBND của UBND xã Vũ Chính về việc đề nghị ngừng cấp điện sinh hoạt đối với các hộ vi phạm, Điện lực TP Thái Bình trích dẫn văn bản số 4608/BCT-ĐTĐL ngày 27/5/2016 của Bộ Công thương có nội dung hướng dẫn ngừng cấp điện theo quy định của Luật Xây dựng với nội dung: "Để đảm bảo tuân thủ quy định của Luật Xây dựng năm 2014, các đơn vị điện lực không thực hiện ngừng cấp điện theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của Luật Xây dựng quy định tại Khoản 3, Điều 7, Thông tư số 30/2013/TT-BCT"... để từ chối ngừng cấp điện cho các hộ dân vi phạm Luật Đất đai, xây dựng công trình trái phép tại xã Vũ Chính.
Tiếp đó, phúc đáp công văn số 50/CV-UBND của UBND xã Vũ Chính về việc đề nghị Điện lực TP Thái Bình thanh lý các hợp đồng mua bán điện đối với các hộ gia đình, cá nhân có sai phạm nói trên thì Điện lực TP Thái Bình lại viện dẫn những quy định cung cấp dịch vụ theo Quyết định số 505/QĐ-EVN ngày 15/5/2017 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Theo Điện lực TP Thái Bình: căn cứ Mục 1, Khoản 2, Điều 6 của Quy định cung cấp dịch vụ điện sinh hoạt (1 pha, 3 pha) thì tại thời điểm đề nghị mua điện sử dụng vào mục đích sinh hoạt, các hộ dân có vi phạm tại xã Vũ Chính đã cung cấp đủ các giấy tờ, thủ tục cần thiết theo quy định?!
Mặt khác, theo Điện lực TP Thái Bình, hợp đồng mua bán điện giữa Điện lực TP Thái Bình và các khách hàng là những hộ vi phạm nói trên vẫn còn hiệu lực nên không thể đơn phương thanh lý hợp đồng theo đề nghị của chính quyền địa phương. Chỉ khi nào có quyết định cưỡng chế các công trình vi phạm thì ngành điện lực mới có thể phối hợp, hỗ trợ cùng.
Trao đổi với PV báo Pháp luật Việt Nam về vấn đề này, ông Đinh Gia Dũng, Phó Chủ tịch TP Thái Bình nói: "Điện lực TP vừa qua chưa phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả với các cấp chính quyền để cùng chung tay xử lý vấn đề vi phạm nổi cộm về đất đai, xây dựng tại xã Vũ Chính. Điện lực TP viện dẫn quy định của Bộ Công thương, của Tập đoàn Điện lực Việt Nam về điều kiện thủ tục ký kết hợp đồng mua bán điện sinh hoạt, về những trường hợp buộc ngừng cung cấp điện sinh hoạt... để từ chối ngừng cấp điện, cũng như thanh lý hợp đồng mua bán điện với các hộ gia đình, cá nhân vi phạm mà không biết rằng, tất cả các hộ vi phạm đều xây dựng công trình ở trái phép trên diện tích đất 100% là đất nông nghiệp. Do vậy, nếu hợp đồng cấp điện nếu có thì là điện dùng cho canh tác, sản xuất nông nghiệp chứ không thể là điện dùng cho sinh hoạt được".
"Kể cả Điện lực TP có trưng ra đầy đủ hồ sơ của các hộ vi phạm tại thời điểm các hộ đó đề nghị cung cấp điện theo quy định thì UBND xã cũng sẽ phải hủy các xác nhận đã ký trong hồ sơ đề nghị khi đó (nếu có). Bởi mục đích sử dụng đất ở khu vực xứ Đồng Gạo từ trước đến nay là sản xuất nông nghiệp, nên hợp đồng mua bán điện sử dụng vào mục đích sinh hoạt tại khu vực này nếu đã được ký kết thì cũng là hợp đồng trái pháp luật, tức là hợp đồng vô hiệu", Phó Chủ tịch TP Thái Bình, Đinh Gia Dũng nhấn mạnh.
Đáp lại ý kiến của lãnh đạo TP Thái Bình, đại diện Công ty Điện lực Thái Bình cho biết: “Công ty đã nhận được báo cáo của Điện lực TP Thái Bình, không phải chúng tôi không muốn phối hợp với chính quyền trong sự việc tại xã Vũ Chính, chỉ có điều là chúng tôi đang phải rà soát kỹ lưỡng lại các quy định của pháp luật, làm sao vừa phối hợp, hỗ trợ có hiệu quả với chính quyền, vừa đảm bảo quyền lợi của khách hàng. Thực tế thì điện sinh hoạt cũng không có quy định là cấm cung cấp cho các hộ sử dụng trên đất nông nghiệp, vì người ta làm trang trại, sản xuất canh tác trên đất nông nghiệp thì cũng cần phải có điện phục vụ sinh hoạt".
Trước thông tin cho rằng, chủ thể của các hợp đồng mua bán điện ký kết trước đây với Điện lực TP Thái Bình đã có sự thay đổi, nghĩa là đất đai đã bị mua qua bán lại giữa nhiều người ở nhiều thời điểm khác nhau, bản thân các hộ hiện tại cũng không hề phát triển kinh tế trang trại mà đa phần là chuyển hẳn sang đất ở thì cần phải xem xét lại các hợp đồng cũ, đại diện Công ty Điện lực Thái Bình nói sẽ cho kiểm tra, xác minh thực tế để đưa ra phương án giải quyết.
Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin./.