Hai đời chồng vẫn cô quạnh
Đã nhiều năm nay, người dân sống xung quanh bách hóa Thanh Xuân đã quen với hình ảnh một cụ già ngồi ở hành lang bách hóa này để kiếm sống bằng một chiếc cân đo sức khỏe. Cụ vẫn được mọi người trìu mến gọi bằng cái tên là cụ Cân. Cụ lấy làm quý cái tên này lắm vì theo cụ, nó bình dị, dễ nghe.
Hỏi thăm đến cụ, ai cũng lắc đầu thương cảm: “Khổ lắm các cô ạ, già rồi mà sống cô độc một mình. Mấy ngày tết nhà nhà sum vầy vui vẻ, còn bà ấy lủi thủi một mình trong gian phòng trọ khi nào cũng tối om om”.
Mặc dù đã ở cái tuổi bát tuần, nhưng cụ Cân vẫn rất tinh anh. Dáng người nhỏ thó, mái tóc bạc phơ nhưng giọng nói sang sảng, đặc biệt là đôi mắt và tai vẫn tinh tường.
“Được cái ông trời thương, bao nhiêu năm qua phơi sương phơi nắng ở đây cân sức khỏe cho khách nhưng cũng không đau ốm gì cả. Nếu mà ốm thì tôi cũng chẳng biết làm thế nào khi trong người không có tài sản gì đáng giá ngoài cái cân là “cần câu cơm” gắn bó với tôi suốt bao năm qua”, cụ thật thà kể.
Hàng ngày, cứ 8h sáng, người ta lại thấy cụ tập tễnh đẩy xe nhỏ từ nhà trọ sang đường đi làm. Theo quan sát của phóng viên, “cửa hàng” của cụ chỉ vỏn vẹn vài cuốn lịch vạn niên, một hộp kẹo, hai bao thuốc lá. Thứ đắt tiền, đáng giá nhất là cái cân trị giá hơn một triệu đồng.
Ở tuổi gần đất xa trời nhưng bao năm qua, cụ Cân không người thân thích chăm sóc. Lau vội những giọt nước mắt lăn dài trên gò má đã nhiều nếp nhăn, cụ kể về cuộc đời “méo mó” của mình.
Vốn là người quê gốc Hải Phòng. Cha mẹ, anh em, họ hàng thân thích của cụ đều mất hết vào nạn đói năm 1945, chỉ còn mình cụ sống sót. Cả tuổi thơ cụ là một chuỗi những ngày sống trong đói khổ, rét mướt và cô đơn, một thân một mình mưu sinh, lang thang khắp chốn để sống qua ngày. Khi không còn gia đình cụ “dạt” về Hà Nội. Đôi chân của cụ đã rong ruổi khắp nơi, mọi ngóc ngách của phố phường Hà Nội.
Hai lần lập gia đình là hai khoảng thời gian hiếm hoi cụ có được bờ vai của người đàn ông để nương tựa. Thế nhưng, cuộc đời dường như quá bất công với cụ, hạnh phúc quá mong manh, cụ sớm phải rời xa những người chồng của mình.
Cụ kể: “Năm 1974, khi đi làm ở công trường, tôi quen rồi lấy một người chồng ở quận Đống Đa, Hà Nội. Tuy nhiên, được hơn 1 năm thì hai vợ chồng chia tay nhau, tôi ở vậy chăm con được hơn 1 tuổi thì cháu bị bệnh rồi qua đời”.
Cho đến vài năm sau, cụ quen ông Vinh (người Bình Định) ra ngoài Bắc tập kết. Ông Vinh đã có một con riêng với vợ trước. Sau khi “rổ rá cạp lại”, hai người có với nhau một người con tên Hùng và gia đình sống trong căn nhà nhỏ ở phường Ô Chợ Dừa. Sau khi ông Vinh mất do một căn bệnh hiểm nghèo, cụ Cân một tay nuôi nấng đứa con trai thơ dại.
Bất hạnh nối tiếp bất hạnh khi người con duy nhất của cụ bị bệnh qua đời khi chưa đầy 40 tuổi. Trái tim người mẹ tan nát khiến nhiều lúc cụ quẫn trí, muốn đi theo con. Nhắc tới người con chết trẻ, bà lão 86 tuổi lặng người một lúc mới mở lời được.
Khi con dâu đã đi lấy chồng, cụ Cân vẫn thương và vun vén cho hai đứa cháu nội. “Cháu gái lớn lấy chồng ở Nam Định, còn cháu trai không có điều kiện về kinh tế nên cũng không giúp được gì cả. Thôi thì mình tự lo cho mình thôi. Nhiều khi thấy các cháu sống vất vả tôi cũng thương, muốn đỡ đần các cháu nhưng già yếu rồi không biết làm thế nào”.
Người con riêng của chồng trước sống ở Gia Lâm thi thoảng vẫn ghé sang thăm cụ. Tuy nhiên, từ ngày người con riêng cùng gia đình chuyển vào Nam lập nghiệp và sinh sống, thì cụ Cân chẳng còn ai thân thích nữa.
Mặc dù đã 86 tuổi nhưng cụ vẫn còn rất tinh anh |
“Tôi không sợ chết, chỉ sợ ốm dai dẳng”
Năm tháng qua đi, khi tuổi đã già, bước chân đã mệt mỏi, cụ sắm một cái cân sức khỏe rồi ra ngồi ở hành lang bách hóa Thanh Xuân. Mấy năm gần đây, cụ thuê tạm được một căn phòng trọ tồi tàn rộng 6m2, ẩm thấp với giá 1.000.000 đồng/ tháng.
“Buổi sáng, mỗi khi ra khỏi nhà tôi phải đậy bìa cứng lên chăn, chiếu để chuột không “hành quân” qua. Chiếc bếp ga du lịch hiếm khi tôi nấu vì giờ già rồi, tôi không ăn được nhiều và chỉ sợ nghẹn”, cụ Cân đắng đót kể.
Ngồi cân ngoài vỉa hè, thỉnh thoảng cụ mới dám mua một quả trứng và ít rau luộc nhừ ăn. Có hôm người ta cho gì ăn nấy, nhiều khi cả ngày cụ chỉ nhấm nháp bánh mỳ và nhấp thêm ngụm nước cho no.
Có đợt, cụ Cân phải vạ vật ngoài vỉa hè Bách hóa suốt 3 tháng vì không nhà trọ nào gần đó cho thuê. Nhớ lại quãng thời gian ấy, cụ kể: “Sợ tôi chết nên họ không dám cho tôi ở. Có người nói thẳng lý do nhưng cũng nhiều nhà cố tình hét giá thật cao để tôi không thuê được”.
Không có chỗ tá túc, bà Cân ngủ luôn ở chỗ hay đặt chiếc cân. Hai ngày tắm một lần với giá 10.000 đồng và mua nước rửa mặt, mỗi tháng cụ Cân “mất toi” vài chục nghìn đồng. Vậy mà không ít lần, đang đêm, cụ còn bị dân nghiện “hỏi thăm” xin tiền.
Ngày lễ, Tết, dù nắng hay mưa, cụ vẫn đi cân ở vỉa hè Bách hóa. Mùng 2 Tết năm nào cụ cũng có mặt ở đây để trốn nỗi buồn tủi. Cụ Cân tâm sự, nhiều đêm nằm một mình tủi thân, cụ chỉ biết khóc. Chỉ trừ khi ốm đau, mệt mỏi cụ mới nghỉ ở nhà, còn thì lúc nào cụ cũng đi cân, người lớn 3.000 đồng/lượt, trẻ em chỉ 2.000 đồng/ lượt.
“Không đi làm lấy gì trả tiền nhà mỗi tháng. Ăn thì không lo, chỉ ngặt mỗi tiền nhà. Tôi chỉ cần có chỗ ngủ chui vào cho yên thân”. Vừa nói, cụ Cân vừa lấy tay bóp chân cho đỡ nhức. Bệnh khớp hành hạ thân già khiến cụ thấy mệt mỏi nhưng “đau cũng kệ” vì “tiền đâu mà mua thuốc”.
Bao năm đi cân, cụ cũng có những khách hàng quen thuộc. Có một gia đình từ mẹ tới con gái và các cháu thường xuyên tới chỗ cụ. Thi thoảng, những vị khách qua đường vào cân lại biếu cụ vài chục ăn quà. “Mỗi ngày, tôi kiếm được chừng 30.000 đồng, họa hoằn lắm mới được 50.000 đồng. Trước vừa cân, tôi vừa thu gom thêm sắt vụn để bán, nhưng giờ già rồi chẳng kham nổi nữa”.
Được biết, thương tình cảnh cụ già neo đơn, một người khách tốt bụng đã trả tiền để gửi cụ vào viện dưỡng lão. Nhưng ở được 3 tháng, phần vì tiếc tiền, phần vì sống không quen, cụ Cân xin ra để thảnh thơi với chiếc cân và lại đi ở trọ.
Dù tuổi đã cao nhưng cụ vẫn rất thích đọc báo, cụ Cân xem báo như người bạn tri âm của mình. Mỗi ngày, cụ vẫn lắng nghe dự báo thời tiết qua đài, để biết ngày mai nắng mưa như thế nào, phần để đối phó với căn bệnh khớp hành hạ mình suốt nhiều năm qua.
Cũng nhờ nghe đài, rồi đọc báo cụ mới biết mình có thể hiến xác cho Y học để góp phần hỗ trợ nghiên cứu chuyên môn cho ngành Y, từ đó có thể góp phần chữa bệnh cứu người. Cụ đã viết đơn xin hiến xác cho Đại học Y và đã được chấp nhận.
Cụ chia sẻ: “Tôi viết đơn xin hiến xác sau khi mất tính đến bây giờ đã được 6 năm rồi, vậy mà trời đã cho chết đâu. Thôi thì coi như tôi vừa làm việc có ích với đời, với tôi chẳng người thân thích, khi chết nào có ai lo tang ma nữa đâu”.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Hữu Ngôn, tổ trưởng dân cư số 3 (Thanh Xuân, Hà Nội), cho biết, thấy bà Cân có tuổi, vài lần ông tới nhắc nhở gia đình bà Sừ (chủ nhà trọ nơi bà Cân đang sinh sống- PV), về việc cho cụ thuê trọ bởi “chẳng may cụ đột tử, công an sẽ tới điều tra nguyên nhân”.
“Cụ Cân cũng không có người thân, không nơi cư trú, ai sẽ là người lo mai táng? Tôi đã yêu cầu bà Sừ cam kết nếu cho bà Cân thuê, sau này có chuyện gì thì gia đình tự chịu trách nhiệm. Tôi cũng hy vọng sẽ có tổ chức nào giúp đưa cụ vào trại dưỡng lão”, ông Ngôn nói. Tuy nhiên, bà Sừ cho hay, gia đình bà xác định sẽ lo liệu cho cụ Cân nếu chẳng may cụ qua đời.