Những công dân đặc biệt của “xóm chạy thận”
Gần chục năm nay,ông Lê Hường (SN 1950, quê xã Diễn Hải, huyện Diễn Châu, Nghệ An) xem căn phòng cũ kỹ, chật hẹp tại một xóm trọ đối diện với Bệnh viện Giao thông Vận tải Vinh (TP Vinh, Nghệ An) là ngôi nhà thứ 2 của mình. Từ ngày phát hiện bị bệnh suy thận mạn tính, ông Hường đành khăn gói vào đây để thuận tiện cho việc lọc thận. Ngoài chứng bệnh khốn khổ trên, ông còn bị đa nang khiến bụng to như cái trống, đến việc đi lại cũng khó khăn.
Ông kể bằng cái giọng hụt hơi của người không có sức rằng: “Ngoài chạy thận 3 lần một tuần thì vài tháng tôi phải đi hút dịch ở bụng. Nếu không thì nặng nề, đi đứng khó lắm. Cùng lúc phải bị các bệnh hiểm nghèo nên tôi phải xa quê, khăn gói đồ đạc vào thành phố thuê trọ sống bám bệnh viện”.
Từ ngày chồng phải chạy thận, bà Ngô Thị Khả cũng bỏ quê vào thành phố chăm sóc chồng. Con cái đều đã có gia đình riêng nhưng cuộc sống khó khăn nên không hỗ trợ được cho bố mẹ nhiều. Bởi vậy, để có tiền lo thuốc thang cho chồng, bà Khả thường đi nhặt phế liệu kiếm chút tiền để hai vợ chồng túc tắc đắp đổi qua ngày. Từ khi có dịch Covid-19, bà chẳng dám đi đâu xa, quanh quẩn ngày vài tiếng đồng hồ nhặt phế liệu ở gần khu nhà trọ.
Bà kể: “Từ khi thành phố có lệnh cách ly xã hội là tôi nghỉ hẳn, không dám đi đâu. Mình giữ cho mình, giữ cho các bệnh nhân ở đây nữa”. Không dám đi đâu, đồng nghĩa khoản thu nhập ít ỏi của hai vợ chồng già cũng không có nữa. Số tiền tích trữ cũng chẳng nhiều nhặn gì, trong khi ngày vẫn phải ăn đủ 3 bữa để ông Hường còn có sức chữa bệnh.
Căn bệnh nhà giàu khiến các bệnh nhân vốn đã khốn khổ nay dịch bệnh càng khó khăn hơn. |
Ông Hường là một trong số những công dân của “xóm chạy thận”. Cái xóm nhỏ, tiêu điều ấy vốn là trụ sở cũ của một công ty, đối diện với Bệnh viện Giao thông Vận tải Vinh, nay đã được cải tạo thành các phòng cho thuê. 15 bệnh nhân tá túc ở đây, mỗi người một hoàn cảnh nhưng hầu như họ đều có điểm chung là căn bệnh nhà giàu khiến họ trở thành những người nghèo. Để duy trì sự sống, mỗi tuần 3 lần họ vào bệnh viện lọc máu.
Xóm chạy thận ngoài những người đứng tuổi thì cũng không thiếu người mới chỉ ngoài ba mươi.Chị Chu Thị Lợi (SN 1987, quê huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) là một bệnh nhân như thế. Bước vào hành trình chạy thận được 9 tháng nhưng nỗi đau về thể xác cũng như tinh thần hiện rõ trên gương mặt người phụ nữ này. Đôi mắt chị Lợi như nhìn vô định xuống khoảng sân trống trước mặt.
Cả tháng nay vướng dịch, chị không thể về quê thăm chồng con, chồng cũng chẳng vào được. Chiều chiều, trong khung cảnh thê lương này, Lợi lại nhớ con, thương chồng ứa cả nước mắt. Từ hồi chị bị bệnh, phải xa nhà vào thành phố lọc máu, gánh nặng kinh tế và chăm sóc hai đứa con nhỏ chồng phải cáng đáng hết. Thi thoảng nhớ con quá, chị bắt xe buýt về, ngủ được một hôm lại vào, vò võ một mình trong xóm chạy thận. Nhưng nay, dịch bệnh khiến việc được về thăm chồng con, dù chỉ một ngày cũng không thể.
Cũng thế, cô gái 31 tuổi, tên Lan, quê huyện Quỳnh Lưu cùng đang phải sống trong những ngày cùng cực. Phát hiện bệnh và phải chạy thận khi vừa tròn đôi mươi, đến nay Lan có chục năm sống bám bệnh viện. Bố mẹ ở quê làm nông vất vả, thu nhập bấp bênh khiến gánh nặng chữa bệnh của Lan càng nặng hơn.
Chủ nhà trọ thương tình nên có bớt cho Lan chút tiền phòng gọi là hỗ trợ. Hàng tháng, gia đình phải về chu cấp toàn bộ tiền bạc, thức ăn. Mấy năm trở lại đây, những biến chứng của căn bệnh ngày càng nặng khiến việc đi lại của chị cũng khó khăn. Vì thế, người thân phải thay phiên nhau vào ở cùng Lan để hỗ trợ khi cần thiết.
Nương tựa nhau đi qua mùa dịch
Từ hồi dịch COVID-19 xuất hiện, những người chạy thận được xếp vào nhóm “nguy cơ cao” nên tâm trạng lo lắng, bất an luôn thường trực. Nhất là những thời điểm TP Vinh bắt đầu áp dụng cách ly xã hội thì nỗi lo lắng và khó khăn đến cùng cực càng hiển hiện rõ trên từng khuôn mặt xám xịt đặc trưng của bệnh nhân chạy thận lâu năm.
Thực ra, cư dân xóm chạy thận cũng đã bị “dọa” một phen khi có người bệnh đến Bệnh viện Giao thông khám và cho kết quả dương tính SARS-CoV-2. Với riêng bà Vang Thị Huyến (64 tuổi), vợ của bệnh nhân Lô Vĩnh Tình (trú huyện Tương Dương, Nghệ An) đó là một trải nghiệm đáng sợ.
Trong dịch bệnh, các bệnh nhân càng san sẻ, dìu nhau qua khó khăn. |
Bà Huyến kể: Chiều ngày 25/6, tôi vào nhận tiền hỗ trợ của bệnh viện cho chồng. Hơn 5h chiều, nhận được thông báo tất cả bệnh nhân, người nhà bệnh nhân phải ở lại bệnh viện để chờ xét nghiệm vì có người mắc Covid-19 đi khám ở đây. Không mang điện thoại nên lúc đó tôi không có cách nào gọi về báo cho chồng. May hai ngày một đêm “nhốt” trong bệnh viện, có kết quả âm tính cả, tôi được về.
Những ngày vợ “mất” tin tức trong bệnh viện thì ông Tình cũng mất ăn, mất ngủ. Không lo sao được khi nhiều năm qua, người đồng hành cùng ông trong những lần vào viện chạy thận là vợ. Ông kể, hồi trẻ đi công tác khắp nơi, về nhà hai vợ chồng mới được sống bên nhau. Nhưng vợ chồng sống gần nhau chưa được bao lâu thì ông phát hiện ra bệnh tình. Thế rồi, hai vợ chồng phải bỏ quê, dắt díu nhau xuống phố. Để đủ chi phí sinh sống thuốc men, chữa bệnh, vợ chồng ông phải ăn uống tằn tiện.
Từ ngày dịch bùng phát, cuộc sống của họ càng khổ hơn. Nhưng từ những ngày cách ly vì dịch bệnh, họ càng thấm thía hơn tình người đùm bọc nhau. Có những ngày ông bà bất ngờ tăng huyết áp, chị em trong xóm trọ thay phiên nhau túc trực. Ai đó khó khăn đến kỳ thanh toán tiền nhà, tiền điện, tiền nước, tất cả lại chung tay gom góp vay mượn, hỗ trợ kịp thời. Hay những suất cơm, dây sữa của các nhà hảo tâm đều được các bệnh nhân chia công bằng cho nhau.
Trong xóm chạy thận khốn khổ này, không ít cặp vợ chồng đành phải xa quê xuống phố để chăm sóc cho người bị bệnh. Để lo cho người vợ, người chồng không may bị bệnh họ phải làm đủ nghề nặng nhọc. Nhưng dịp này, ảnh hưởng của dịch bệnh khiến công việc kiếm tiền càng vất vả hơn. Nhưng điều giúp họ an ủi phần nào là sự động viên của những người đồng cảnh ngộ. Sự quan tâm của những nhà hảo tâm và cả các bác sỹ của bệnh viện nơi họ lọc máu.
Có bệnh nhân đã luôn miệng cảm ơn các bác sĩ. Bởi không những khám bệnh, các bác sĩ còn lo cơm ăn, còn xin cho bệnh nhân chi phí “tét Cô vít” khi vào viện chạy thận. “Nói thật, với chúng tôi, mỗi lần vào chạy thận mà mất thêm hơn 200 nghìn để “tét” nữa, chắc trụ không nổi”, một bệnh nhân tâm sự.
Những người lấy bệnh viện làm nhà như ông Hường, chị Lợi...sự ủng hộ của các nhà hảo tâm và sự giúp đỡ của các bác sĩ còn hơn cả tình thân. Cùng chung cảnh ngộ, sống cùng một xóm, trong những ngày dịch bệnh này họ chỉ biết động viên và san sẻ suất cơm, dây sữa cho nhau để có sức chữa bệnh.