Với kỳ vọng đến hết năm 2025, các lối đi tự mở qua đường sắt được xoá bỏ, sẽ giảm thiểu đáng kể TNGT đường sắt. Tuy nhiên, để làm được việc này, cần sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan chức năng và người dân địa phương.
Điểm nóng vi phạm giao thông
Đường ngang dân sinh là khu vực người dân sinh sống, qua lại hàng ngày. Tuy nhiên, có nhiều đường ngang do người dân tự mở trái phép, theo thời gian, những lối đi tắt trở thành đường đi cố định, trở thành tiền lệ xấu.
Việc mở đường ngang dân sinh trái phép đang là rào cản cho công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường sắt, dẫn đến nhiều bất cập trong tổ chức giao thông. Mặt khác, do mở chui, tạm bợ nên chỗ tiếp giáp đường sắt thường lồi lõm, xe qua lại rất dễ bị đổ, ngã hoặc chết máy, chỉ trong tích tắc có thể gặp “tử thần” khi tàu hỏa tới.
Theo Cục Đường sắt Việt Nam, Hà Nội là một trong những địa phương có nhiều lối đi tự mở qua đường sắt nhất cả nước. Cụ thể, trên địa bàn thành phố Hà Nội có 6 tuyến đường sắt đi qua với tổng chiều dài khoảng 162,11km, nhưng có đến 545 vị trí giao cắt đường bộ - đường sắt, trong đó có 183 đường ngang hợp pháp và 362 lối đi tự mở.
Hà Nội cũng có tới hơn 200 vị trí vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thông tin tín hiệu đường sắt, hơn 800 vị trí vi phạm phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt.
Theo thống kê của Chi nhánh Khai thác đường sắt Hà Nội, 4 tháng đầu năm 2020, dù mật độ tàu giảm mạnh do ngành Đường sắt dừng chạy tàu khách trên các tuyến để phòng chống dịch Covid-19, nhưng trên địa bàn Thủ đô vẫn xảy ra 7 vụ TNGT đường sắt. Còn năm 2019 xảy ra 31 vụ.
Nguyên nhân chủ yếu của các vụ tai nạn là do người dân vi phạm hành lang đường xảy ra tại các lối mở tự phát qua đường sắt. Trong khi hạ tầng giao thông đường sắt trên địa bàn Thủ đô chưa đồng bộ, ý thức chấp hành của một bộ phận người tham gia giao thông chưa tốt cũng là yếu tố rất đáng lo ngại. Vượt gác chắn, qua đường ngang không quan sát, không chấp hành hiệu lệnh của người cảnh giới… là những vi phạm thường thấy tại các điểm giao cắt đường bộ - đường sắt.
Mới đây, UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành kế hoạch thực hiện Quyết định số 358/QĐ-TTg ngày 10/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án bảo đảm trật tự an toàn giao thông và xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt trên địa bàn thành phố.
Theo kế hoạch, Hà Nội đặt mục tiêu đến hết năm 2020 sẽ xóa bỏ các lối đi tự mở qua đường sắt ở khu vực đông dân cư thuộc các đoạn đường sắt có tốc độ và mật độ chạy tàu cao, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông đường sắt.
Cùng với đó, trong năm 2020, thành phố Hà Nội cũng sẽ thực hiện các giải pháp như tổ chức cảnh giới, xây dựng gồ, gờ giảm tốc tại tất cả các lối đi tự mở có nguy cơ cao mất an toàn giao thông đường sắt; tiếp tục giải tỏa hành lang đường sắt, các vị trí che khuất tầm nhìn cả hai phía đường bộ và đường sắt; thực hiện rào ngay các lối đi tự mở mà chưa cần xây dựng công trình phụ trợ (cầu vượt, hầm chui, đường gom…).
Đối với các lối đi tự mở phục vụ dân sinh giao cắt với đường sắt có người gác, thành phố sẽ đề nghị ngành đường sắt phối hợp, hướng dẫn đặt các tấm bản lát qua đường sắt bảo đảm an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông.
Tổ chức thu hẹp lối đi tự mở để hạn chế phương tiện cơ giới, giảm nguy cơ tiềm ẩn tai nạn giao thông đường sắt đối với lối đi tự mở có bề rộng lớn hơn 3m và mật độ giao thông thấp, không phải trục đường chính của địa phương.
Trong giai đoạn 2021 - 2025, thành phố Hà Nội đề ra kế hoạch xây dựng đường gom, hàng rào và các công trình phụ trợ. Trong đó, hoàn thành xây dựng hệ thống đường gom dài 15.776 km và xóa bỏ toàn bộ các lối đi tự mở còn lại, xóa bỏ vị trí đường sắt chuyên dùng giao cắt với đường sắt quốc gia tại 207 vị trí.
Nỗi lo vẫn còn
Tuy nhiên, theo ghi nhận thực tế, công tác xóa bỏ lối đi dân sinh trái phép lại đang gặp nhiều khó khăn do ý thức của người dân sống quanh các tuyến đường sắt còn hạn chế. Với suy nghĩ thuận tiện cho việc đi lại nên người dân cố tình không chấp hành quy định pháp luật về ATGT đường sắt, thậm chí sẵn sàng phá bỏ hệ thống rào chắn, cột giới hạn an toàn mà ngành đường sắt đã xây dựng.
Công tác quản lý Nhà nước cũng như hoạt động tuần tra kiểm soát xử lý vi phạm vẫn còn hạn chế; vấn đề quản lý kết cấu hạ tầng giao thông đường sắt còn nhiều khó khăn, vướng mắc dẫn đến tình trạng phát sinh đường ngang trái phép, tồn tại các đường ngang không có tín hiệu, không có gác chắn... Đặc biệt, công tác bảo đảm TTATGT tại các lối đi tự mở qua đường sắt hiện nay còn bất cập khiến nguy cơ tai nạn tại các vị trí giao nhau giữa đường sắt với đường bộ vẫn xảy ra.
Bên cạnh nỗ lực của các đơn vị chức năng, quan trọng hơn cả vẫn là mỗi người dân cần tự nâng cao ý thức, trách nhiệm khi tham gia giao thông qua những điểm giao cắt với đường sắt.
Chừng nào người dân vẫn còn chưa chủ động trong việc phòng tránh tai nạn giao thông, cố tình tái diễn các hành vi vi phạm pháp luật như: Tự ý mở lối đi dân sinh; lấn chiếm hành lang ATGT đường sắt để xây dựng công trình, tụ tập buôn bán, đổ rác thải bừa bãi; không chấp hành hiệu lệnh của người trực gác chắn, đèn tín hiệu cảnh báo nguy hiểm khi có tàu chạy qua… thì ẩn họa tai nạn giao thông vẫn sẽ tiếp tục thường trực.
Có thể nói, để xóa bỏ được các đường ngang dân sinh tự mở cần sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan chức năng, chính quyền các cấp và người dân sống ven đường tàu tại Hà Nội.