Trước đó, kết luận chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh tại buổi làm việc với Sở VH-TT& DL tỉnh (12/3/2021) có nêu: Giao Sở VH-TT&DL báo cáo UBND tỉnh trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy quyết định theo tinh thần kết thúc Đề án xây dựng CVĐC toàn cầu Lý Sơn- Sa Huỳnh đã thực hiện đến hết năm 2020; dừng Đề án trong thời gian tới.
Theo Sở VH-TT& DL tỉnh Quảng Ngãi, CVĐC toàn cầu Lý Sơn - Sa Huỳnh được triển khai từ năm 2015 trên cơ sở CVĐC Lý Sơn với quy mô cấp tỉnh, thành lập vào ngày 31/12/2015. Cuối tháng 11/2019, ngành chức năng đã hoàn thiện hồ sơ CVĐC Lý Sơn - Sa Huỳnh để trình UNESCO công nhận CVĐC toàn cầu.
Công viên địa chất (CVĐC) toàn cầu Lý Sơn - Sa Huỳnh có tổng diện tích trên 5.000km2 (đất liền và dưới biển) qua 10 huyện, thành phố, với khoảng 1 triệu dân. Nơi đây quy tụ dày đặc, đan xen các loại hình di sản văn hóa, lịch sử có giá trị mang tầm quốc gia và quốc tế như văn hóa cổ Sa Huỳnh, Chămpa, Đại Việt. Đây cũng là nơi hội tụ của đa dạng địa chất, địa mạo do hoạt động núi lửa tạo nên, được giữ gìn nguyên vẹn giá trị với vẻ đẹp hoang sơ.
Việc xây dựng bê tông trên đảo Lý Sơn thuộc CVĐC toàn cầu từng bị phản ứng dữ dội. |
Trước khi trình UNESCO công nhận CVĐC Lý Sơn - Sa Huỳnh, Sở VH-TT&DL đã mời các chuyên gia khảo sát, đánh giá các giá trị di sản địa chất, địa mạo, cảnh quan và văn hóa lịch sử, tiến hành khảo sát và xây dựng chủ đề tổng quan của công viên là "CVĐC Lý Sơn- Sa Huỳnh - Miền đất của những chuyển động", với 4 tuyến du lịch.
Du khách đến Quảng Ngãi có thể theo từng tuyến du lịch để cảm nhận vẻ đẹp về địa chất, văn hóa, lịch sử nơi “Miền đất của những chuyển động”. Nếu về phía đông đến huyện Lý Sơn, du khách sẽ khám phá những điều “bí ẩn nơi đảo thiêng”.
Ngược đường lên phía tây theo tuyến “Lục địa cổ - Vũ điệu thời gian” sẽ giúp du khách khám phá hàng loạt các di sản địa mạo của quá trình hoạt động lục địa cổ, của các lớp thạch quyển nâng lên, hạ xuống của các lớp đá biến chất va chạm vào nhau trong quá trình kiến tạo. Đến đây, du khách có thể thưởng thức những điệu múa Cà Đáo, đánh cồng chiêng của đồng bào Cor; khám phá cánh rừng nguyên sinh Cà Đam có độ cao hơn 1.400m so với mực nước biển, được ví là “nóc nhà" của Quảng Ngãi...
Về phía bắc, du khách theo tuyến “Tiếng vọng của biển và ký ức chiến tranh”. Tuyến du lịch này có 19 điểm di sản, giúp du khách hiểu hơn về vùng đất chịu nhiều đau thương mất mát, nhưng rất đỗi hào hùng. Về đây, du khách còn hiểu hơn về một thời giao thương trên con đường gốm sứ ở Biển Đông thông qua những con tàu đắm ở biển Bình Châu (Bình Sơn).
Bên cạnh vùng tàu đắm là những thềm đá mài mòn, những vách đá chơi vơi, tạo tác của quá trình hoạt động núi lửa đã tạo nên những điểm địa chất lý thú. Về phía nam theo tuyến “Hành trình về những nền văn hóa cổ”, du khách sẽ biết đến vùng đất là chiếc nôi của văn hóa Sa Huỳnh với nhiều di sản vẹn nguyên giá trị.
Đáng nói, trải qua hơn 5 năm xây dựng, tiêu tốn khoảng 22 tỷ đồng, diện mạo của một CVĐC toàn cầu cũng đã dần định hình và từng bước hoàn chỉnh trên quê hương núi Ấn - sông Trà lại phải đối mặt với việc phải dừng lại. Nguyên nhân do tỉnh này nhận thấy nhiều tiêu chí CVĐC toàn cầu không phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội địa phương…
Tại cuộc họp báo quý I vào chiều 7/4, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh một lần nữa nhấn mạnh việc Quảng Ngãi xem xét dừng lại Đề án. Nói về số tiền đã tiêu tốn, ông Minh cho rằng, chi phí trong quá trình thực hiện Đề án, có tính đến yếu tố không còn phù hợp và dừng lại.