Theo nhận định của Sadad Al-Husseini, cựu Giám đốc điều hành cấp cao của Tập đoàn dầu khí Saudi Aramco, công nghệ có thể cải thiện khả năng phát hiện tài nguyên và hoạt động sản xuất, nhưng không thể cải thiện địa chất. Vì vậy, dù chính quyền Mỹ có ủng hộ sự phát triển của ngành dầu đá phiến nhiều như thế nào, vấn đề địa chất cũng sẽ cản trở tham vọng này và dầu đá phiến chưa hẳn là thách thức lâu dài đối với OPEC.
Thách thức mới
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết trong báo cáo triển vọng năng lượng năm 2017 rằng sản lượng dầu thô của Mỹ có thể chững lại vào khoảng 10-11 triệu thùng/ngày, và vào năm 2025, năng suất của giếng dầu sẽ bắt đầu giảm.
Tuy nhiên, thử thách khác đối với OPEC chính là xe điện. Những thông tin gần đây làm dấy lên quan ngại về tương lai của nhiên liệu lỏng sau khi Anh và Pháp để ngỏ ý định cấm bán xe ô tô chạy bằng dầu diesel và xăng bắt đầu từ năm 2040, để thúc đẩy sự phát triển của xe điện.
Có nhiều tranh luận về xe điện và một số nhà phân tích cho rằng việc sản xuất hàng loạt xe điện còn phải đối mặt với nhiều thách thức vì những vấn đề liên quan đến sản xuất và hiệu quả của pin. Một số nhà bình luận, như nhà nghiên cứu và phân tích dầu mỏ Anas Al-Hajji, cho rằng những chiếc xe này có thể không thực sự thân thiện với môi trường.
Thách thức từ xe điện sẽ không hiện hữu ngay lập tức, phát triển xe điện là một quá trình lâu dài và thậm chí sau đó nhu cầu về nhiên liệu lỏng sẽ vẫn tiếp tục tăng lên. Theo ước tính của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), trong năm ngoái, doanh số bán của xe điện đạt mức kỷ lục 2 triệu chiếc, nhưng vẫn chỉ chiếm khoảng 0,2% số lượng xe ô tô toàn cầu. Trong một báo cáo đặc biệt về xe điện, IEA cho biết con số này có thể lên đến 40-70 triệu xe trong thời gian tới.
Bloomberg New Energy Finance (BNEF) có dự báo lạc quan hơn về xe điện khi đưa ra lập luận rằng “việc áp dụng các loại phương tiện không tạo ra khí thải sẽ diễn ra nhanh hơn dự đoán trước đó bởi chi phí phát triển xe điện đang giảm nhanh. Sự thay đổi quan trọng này sẽ giúp xe điện chiếm 1/3 tổng số ô tô toàn cầu vào năm 2040 và giảm tiêu thụ khoảng 8 triệu thùng dầu/ngày”. Hiện tại Saudi Arabia xuất khẩu khoảng 7 triệu thùng dầu/ngày. BNEF hy vọng rằng chỉ trong 8 năm, xe điện sẽ rẻ như các loại xe chạy bằng xăng, do đó lượng xe điện trên toàn cầu sẽ đạt 530 triệu chiếc vào năm 2040.
Lạc quan trước đe dọa?
Bất chấp sự thổi phồng hiện nay về xe điện, IEA vẫn có cái nhìn lạc quan về triển vọng tương lai của dầu mỏ. Theo Giám đốc điều hành IEA Fatih Birol, một số người nghĩ rằng xe điện sẽ đặt dấu chấm hết cho ngành dầu khí, song ông tin rằng nhu cầu dầu vẫn sẽ tiếp tục tăng dù có thể với tốc độ chậm lại.
Câu hỏi đặt ra là liệu OPEC có nhận thức được tất cả những vấn đề phát sinh từ xe điện hay không. Báo cáo chiến lược dài hạn (LTS) của OPEC, được phê duyệt vào tháng 11/ 2016, sau gần hai năm thảo luận cho hay xe điện là một trong những thách thức lâu dài đối với OPEC. Tuy nhiên, OPEC dường như không coi xe điện là mối đe doạ trừ khi có một bước đột phá về công nghệ có thể đẩy nhu cầu xe điện lên cao hơn.
Ngoài ra, xe điện chạy hoàn toàn bằng điện sẽ ngày càng được khuyến khích phát triển nhờ sự thúc đẩy của công nghệ, mặc dù loại xe sẽ cần nhiều thời gian để giành được thị phần đáng kể trong thập kỷ tới do những thách thức kỹ thuật và thương mại. Tuy nhiên, không thể không tính đến khả năng của một sự đột phá công nghệ.
Vấn đề với OPEC là các thành viên của tổ chức này chỉ thảo luận về các chu kỳ ngắn hạn và cân bằng cung cầu. OPEC cần có kế hoạch cho tương lai và điều này đòi hỏi các bộ trưởng OPEC nhóm họp thường xuyên hơn. Các thông điệp về xe điện mà phương Tây gửi tới OPEC có tính chất “tiêu cực” và nếu không có nhu cầu chắc chắn thì các nước OPEC sẽ do dự khi đầu tư thêm vào lĩnh vực dầu mỏ...