Hiện nay, cả nước có 10 địa phương được Thủ tướng Chính phủ đồng ý về nguyên tắc cho phép thí điểm hoạt động đối với xe 4 bánh chạy bằng năng lượng điện phục vụ chở khách du lịch trong phạm vi hẹp, với tổng số khoảng 40 DN, 1.300 xe đang hoạt động khai thác phục vụ khá tốt nhu cầu đi lại của khách du lịch trong phạm vi hạn chế.
Đa phần xe điện không đăng kiểm được
Theo đánh giá của Bộ GTVT, ô tô điện 4 bánh là loại phương tiện giao thông sạch, tiết kiệm nhiên liệu, thân thiện với môi trường, xây dựng hình ảnh du lịch văn minh, hiện đại. Loại hình này đã đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch, thay thế phương tiện xe ngựa, xe ôm, xe đạp lôi, xe xích lô,… Ngoài ra, hoạt động của xe 4 bánh chạy năng lượng điện đang rất được người dân quan tâm.
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn tồn tại một số mặt hạn chế như việc thực hiện thủ tục đăng ký, cấp biển số, đăng kiểm an toàn kỹ thuật, áp biểu tính các loại thuế đều gặp khó khăn cho cả cơ quan nhà nước, chính quyền địa phương cũng như DN trong việc quản lý, thực hiện. Một số địa phương chưa có các quy định pháp lý cụ thể về quản lý, lưu hành, tham gia giao thông hạn chế đối với loại hình này; chưa có quy định cụ thể về điều kiện kinh doanh, giá cước do chưa được quy định trong Luật Giao thông đường bộ...
“Một lượng lớn xe điện chưa có chứng nhận đăng kiểm, đăng ký, chưa có sự quản lý thống nhất về điều kiện kinh doanh vận tải. Đáng lo ngại hơn là số lượng xe hoạt động tự phát khá nhiều, các địa phương tự ý tăng thêm số lượng phương tiện thí điểm, mà đa số không có chứng nhận đăng ký, đăng kiểm” - ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) cho biết.
Theo số liệu của Cục Đăng kiểm Việt Nam, trong số khoảng 1.300 phương tiện được khảo sát tại một số địa phương, mới chỉ có gần 180 xe có chứng nhận đăng kiểm. Nguyên nhân chủ yếu do DN nhập, mua phương tiện không rõ nguồn gốc dẫn đến bị “tắc” khi làm thủ tục kiểm định. Còn Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), thì cho rằng, con số xe đang hoạt động cao gấp 3 – 5 lần số lượng 1.269 xe được cấp đăng ký.
Sẽ sửa luật để xe điện “hoạt động bình thường”
Tại Hội nghị sơ kết đánh giá triển khai thí điểm hoạt động xe 4 bánh chạy bằng năng lượng điện trên địa bàn 10 địa phương vừa diễn ra tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ khẳng định Bộ sẽ tiến hành tổng kết và báo cáo kiến nghị Chính phủ cho dừng thí điểm, chuyển sang hoạt động bình thường loại hình này.
“Trong thời gian tới, yêu cầu Vụ Vận tải, Vụ Pháp chế, Tổng cục Đường bộ Việt Nam và các cơ quan liên quan rà soát lại hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến đối tượng này” – Thứ trưởng Thọ cho biết.
Theo đó, khi sửa đổi, bổ sung Nghị định 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, sẽ đưa vào một số nội dung về vận tải kinh doanh có điều kiện loại hình hoạt động này để quản lý chặt chẽ đối tượng kinh doanh và phạm vi hoạt động của phương tiện.
“Về phương tiện, không nên để phát triển tràn lan, chúng ta phải dự báo được tốc độ tăng trưởng của phương tiện này trong điều kiện của địa phương - ông Thọ cho hay - Công tác quản lý nhà nước phải phân cấp rõ ràng, tránh chồng chéo, buông lỏng. Cục Đăng kiểm Việt Nam phải rà soát các tiêu chuẩn, quy chuẩn về đăng kiểm, đăng ký phương tiện để đảm bảo an toàn, vệ sinh môi trường, đào tạo, tiêu chuẩn bằng lái”.
Được biết, chậm nhất đến 30/3, các địa phương phải tổng hợp, nắm rõ số liệu về số lượng xe hiện có, thời gian nhập khẩu, niên hạn sử dụng gửi về Bộ GTVT để kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ các giải pháp nhằm quản lý chặt chẽ loại phương tiện này.