Phục vụ không tốt sẽ bị ngừng lưu thông
Theo khảo sát từ người dân TP HCM, những vấn đề khiến người dân phiền lòng khi đi xe bus tập trung vào tình trạng mất an ninh trên xe, tiếp viên, tài xế thiếu thân thiện, thiếu các tuyến đường, chất lượng xe thấp… Mỗi một yếu kém nói trên đều xuất phát từ những nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan.
Theo ông Lê Hoàng Minh – Phó Giám đốc Sở GTVT TP, do bến bãi hiện nay thiếu nên luồng tuyến tổ chức bất hợp lý, hoạt động xe bus được đầu tư từ năm 2002, 2003 hiện đã xuống cấp không đáp ứng được yêu cầu, hệ thống vé điện tử chưa có, trung tâm điều hành trực tuyến chỉ mới vận hành, do đó công tác giám sát, kiểm tra, phục vụ xe bus còn kém; việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý xe bus còn chậm; đội ngũ lái xe và tiếp viên chưa chuyên nghiệp. Một nguyên do khác là thói quen thích di chuyển bằng xe riêng, cộng với đường TP nhiều tuyến đường nhỏ, xe bus chưa vào được nên xe bus chưa thu hút được người dân.
Ông Đậu An Phúc – Giám đốc Trung tâm Quản lý và Điều hành vận tải hành khách công cộng nhìn nhận, thái độ, hành xử thiếu chuyên nghiệp của đội ngũ tài xế, nhân viên xe bus cũng là nguyên nhân quan trọng khiến xe bus chưa được người dân lựa chọn. Nhằm chấn chỉnh điều này, hiện Trung tâm đang phối hợp với Học viện Cán bộ TP để trang bị kỹ năng ứng xử, nâng cao tác phong phục vụ hành khách đối với đội ngũ nhân viên điều hành, lãnh đạo, tiếp viên trên xe bus.
Bên cạnh đó, từ nay đến cuối năm 2016, TP sẽ lắp đặt tất cả camera trên các tuyến xe, thời gian tới sẽ không đặt hàng và không cho tham gia lưu thông các xe phục vụ không tốt được ghi lại từ camera. Các xe cũ, thải khói đen gây ô nhiễm môi trường cũng sẽ được xử lý, ngưng phục vụ. Hiện nay, Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng cũng đã phối hợp với UBND các quận, huyện rà soát, bố trí quỹ đất làm bến bãi cho xe bus, đã đưa vào khai thác các bến xe Tân Phú, Càu Lớn. Tới đây, sẽ có các bến xe Cần Giờ, Tân Quy, Bình Khánh.
Từ năm 2015 đến nay, Trung tâm này đã thay trên 200 xe trên tổng số 16 tuyến xe bus, thời gian tới sẽ tiếp tục thay mới hơn 500 xe trên tổng số 25 tuyến xe bus, tổ chức 2 tuyến xe bus phục vụ người dân ở sân bay Tân Sơn Nhất, ngoài ra tăng thêm nhiều tuyến xe bus đến các tuyến đường khác.
Trung tâm cũng đang đề xuất với Sở GTVT cho phép thí điểm tuyến đường ưu tiên cho xe bus hoạt động như Điện Biên Phủ và Xa Lộ Hà Nội, đảm bảo về mặt thời gian đúng giờ, thu hút nhiều người tham gia. Mặt khác, sẽ triển khai giám sát trực tuyến các hoạt động của xe bus qua hệ thống GPS, camera, chấn chỉnh hành vi vi phạm lái xe, tiếp viên, các lỗi, chạy sai lộ trình, không đón rước khách, nâng cấp kỹ năng tìm đường qua trang web buyttphcm.com.vn, hoàn thiện phần mềm busmap trên điện thoại di động. Đây là phần mềm hữu ích, chỉ đường cho tài xế, lái xe đi nhanh nhất, hiệu quả nhất.
Đón tận nơi, đưa tận chỗ
Về phần mình ông Nguyễn Văn Triệu – Giám đốc Hợp tác xã (HTX) 19/5 chia sẻ, trước đó, vận tải hành khách công cộng chọn dịch vụ mô hình hỗ trợ, xã viên tự làm chủ xe, thuê tiếp viên, tài xế. Cũng chính sự tự quản này đã dẫn đến các chủ xe tập trung nhiều vào việc tăng lợi nhuận, thả lỏng quản lý, đào tạo đội ngũ nhân viên, gây ra tình trạng hành xử kém thường xảy ra.
Sau khi TP có chủ trương thay đổi toàn bộ chất lượng phục vụ của xe bus, HTX 19/5 đã chọn mô hình quản lý tập trung, trong đó, xã viên bỏ tiền ra, HTX đầu tư phương tiện, trực tiếp quản lý, điều hành phương tiện đó. Tiếp đến, lái xe, tiếp viên do HTX trực tiếp tuyển theo tiêu chuẩn của trung tâm. Sau đó, HTX huấn luyện, đào tạo lực lượng này, bố trí phục vụ trên xe, không phụ thuộc vào chủ xe. Chủ xe đã không tác động được về mặt lợi nhuận đối với từng xe, từng người. Vấn đề bảo trì, bảo dưỡng phương tiện được HTX quản lý, lợi nhuận được chia đều trên đóng góp của từng xã viên đầu tư. Từ đó, tình trạng lạng lách, phục vụ hành khách kém đã giảm hẳn.
Về các phản ảnh của người dân liên quan đến tuyến xe bus Suối Tiên, đền Hùng không có máy lạnh, ông Nguyễn Tấn Tạo – Phó Giám đốc HTX xe bus 15, thông tin thêm, hiện HTX đã đầu tư gần 21 tỷ đồng để thay đổi toàn bộ 16 xe bus mới có đầy đủ máy lạnh, camera giám sát hành trình, rao trạm, dự kiến ngày 1/8 đưa vào hoạt động. Đối với tuyến đường hẻm, ở vùng sâu, vùng xa, trong phát triển hành khách công cộng tới đây cũng sẽ có phương án hợp lý.
Nhằm tiện lợi tối đa cho người đi xe bus, sắp tới, TP HCM sẽ có tuyến xe điện nhỏ, kích cỡ xấp xỉ xe taxi để đưa đón khách vào những đường nhỏ xe bus không thể vào được. Như vậy, được đưa đón tận nơi, khách hàng sẽ có nhiều lý do để chọn xe bus cho hành trình của mình.