Nâng cao nhận thức cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm
Sản xuất và tiêu dùng thực phẩm an toàn là chương trình lớn được Chính phủ chỉ đạo, Bộ Công Thương là một trong ba cơ quan (bên cạnh Bộ Y tế, Bộ NN&PTNT) được Chính phủ giao triển khai công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm (ATTP).
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, thời gian qua, Bộ đã ban hành và tổ chức thực hiện nhiều chính sách về quản lý ATTP; Đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất, kinh doanh (SXKD) phân phối thực phẩm, như tư vấn xây dựng mô hình chuỗi cửa hàng, cơ sở kinh doanh bảo đảm ATTP; Áp dụng các phương thức quản lý tiên tiến bảo đảm chất lượng, an toàn và truy xuất được nguồn gốc xuất xứ; Tư vấn hỗ trợ các địa phương và DN xây dựng mô hình thí điểm chợ bảo đảm ATTP; Phối hợp với các bộ, ngành kiểm soát và ngăn chặn việc SXKD hàng thực phẩm giả, kém chất lượng, nhập lậu không rõ nguồn gốc xuất xứ; Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của các cơ sở sản xuất và kinh doanh thực phẩm.
Bộ xác định công tác quản lý ATTP là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng và tiếp tục tập trung thực hiện quyết liệt để đảm bảo mục tiêu sản xuất và tiêu dùng thực phẩm an toàn của Chính phủ. Tới đây, Bộ sẽ chủ động phối hợp với các bộ, ngành và Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cơ quan đoàn thể chính trị-xã hội tuyên truyền, vận động, giám sát bảo đảm ATTP.
Bên cạnh đó, Bộ sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý; gắn trách nhiệm của người đứng đầu theo từng địa bàn, lĩnh vực phụ trách; Tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến công tác phòng ngừa, chống SXKD hàng không đảm bảo ATTP; Đặc biệt hỗ trợ DN sản xuất, kết nối tiêu thụ sản phẩm thực phẩm an toàn.
Huy động sự chung tay toàn xã hội
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cho rằng, các mục tiêu về ATTP là nhiệm vụ lớn cần phải thực hiện và đang có cơ sở thuận lợi để thực hiện quyết liệt. Tuy nhiên, bên cạnh các đơn vị SXKD thực phẩm cần đưa các đơn vị cung ứng vật tư, cung ứng giải pháp sản xuất tham gia vào để tạo thành chuỗi khép kín từ sản xuất tới tiêu thụ đảm bảo ATTP.
Ông Lợi đánh giá, việc đảm bảo ATTP cho gần 100 triệu người dân không hề dễ dàng, nhưng Việt Nam đang có những thuận lợi cơ bản. Đó là: Nhu cầu sản xuất sạch và tiêu dùng sản phẩm sạch đã trở thành rất cấp thiết; Các tiến bộ khoa học công nghệ và thông tin cho phép nhận dạng, phân tích, truy xuất nguồn gốc, giám sát các cơ sở sản xuất đồng thời là công cụ hỗ trợ người tiêu dùng (NTD) nhận biết thực phẩm an toàn phát triển rất nhanh.
Do đó, điều cần làm ngay là khẩn trương xây dựng ý thức cộng đồng về ATTP, xác định được nhu cầu kết nối của các DN trong chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn để hỗ trợ cho “trúng”, cho “đúng”, mang lại hiệu quả cao.
Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, nền tảng căn bản vẫn phải là huy động được mọi thành phần trong cộng đồng chung tay hành động vì ATTP. Chỉ khi có sự vào cuộc của toàn xã hội, những mục tiêu xây dựng chương trình thực phẩm an toàn cho mọi người dân mới sớm có kết quả.
Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, bà Trần Thị Phương Lan cho biết, các cơ sở SXKD tại Hà Nội hiện chưa đáp ứng đủ nhu cầu của người dân trên địa bàn nên phải đưa các sản phẩm từ các tỉnh, thành phố khác về. “Nhưng việc tìm kiếm, kết nối không dễ dàng nếu muốn đưa các sản phẩm an toàn về Thủ đô vì yêu cầu đầu tiên phải đạt được chất lượng theo quy định và đảm bảo ATTP” - bà Lan nói.
Theo bà Lan, để xây dựng xã hội tiêu dùng thực phẩm an toàncũng không thể thực hiện nhanh vì trước đây do hiểu biết của DN cùng với sự dễ dãi của NTD nên xã hội chưa thực sự quan tâm đến vấn đề này. Do đó, khi tổ chức hội nghị cung cầu, Hà Nội phải mời các đơn vị bán lẻ đi đến từng vùng của các địa phương khác để tuyên truyền và hướng dẫn phương thức sản xuất an toàn. Phải dần dần từng bước để người nông dân và DN và NTD ý thức được sự cần thiết của việc tạo và lựa chọn tiêu thụ thực phẩm an toàn thì mới có thể tạo ra một xã hội tiêu dùng thực sự an toàn.