Sản xuất điện, đạm, xăng dầu… vượt kế hoạch
PVN là đơn vị đóng góp lớn cho sự phát triển chung của nền kinh tế Việt Nam. Còn nhớ năm ngoái, đơn vị này đạt doanh thu gần 943 nghìn tỷ đồng (vượt kế hoạch 39%), tương đương 9,2% GDP cả nước. Đóng góp cho ngân sách nhà nước gần 152 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 9% tổng thu ngân sách nhà nước năm 2023.
Tiếp tục duy trì đà tăng trưởng ấn tượng đó, trong ba tháng đầu năm nay, PVN đã vượt qua nhiều thách thức để có những bước phát triển ấn tượng.
Theo ông Lê Ngọc Sơn, Tổng Giám đốc PVN, trong quý I/2024, đơn vị này đã triển khai hoạt động sản xuất kinh doanh trong bối cảnh thuận lợi và khó khăn đan xen nhau. “Lạm phát ở Mỹ tiếp tục tăng cao, dẫn đến việc cắt giảm lãi suất có thể sẽ bị chậm lại so với dự báo, có khả năng ảnh hưởng đến điều hành chính sách tiền tệ toàn cầu; các quốc gia còn rất ít dư địa tài chính để hỗ trợ cho tăng trưởng; căng thẳng địa chính trị gia tăng tiếp tục ảnh hưởng tăng trưởng kinh tế, làm gia tăng những rủi ro, biến động” - ông Sơn phân tích những khó khăn của tình hình kinh tế thế giới.
Ở trong nước, lãnh đạo PVN nhìn nhận, tăng trưởng kinh tế quý I tích cực, tuy nhiên, khu vực sản xuất vẫn cho thấy có nhiều khó khăn; khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế yếu, tăng trưởng tín dụng thấp. Thị trường năng lượng biến động mạnh, giá dầu ở mức cao trong những tháng đầu năm mặc dù tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của PVN nhưng các rủi ro về nguồn cung năng lượng ngày một gia tăng.
Tính chung quý I/2024 hầu hết các chỉ tiêu sản xuất của PVN đều hoàn thành vượt mức. Cụ thể, việc khai thác dầu thô, khí đốt, sản xuất đạm, sản xuất xăng dầu, sản xuất điện… của PVN đều vượt so với kế hoạch đề ra.
Từ kết quả sản xuất ấn tượng đó, đại diện PVN cho biết, doanh thu toàn PVN trong quý I năm nay đạt khoảng 231 nghìn tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023. Nộp ngân sách hơn 31 nghìn tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2023.
Quan tâm đầu tư, xử lý các dự án
Dù đạt được những kết quả ấn tượng trong hoạt động sản xuất kinh doanh trong ba tháng đầu năm nay, nhưng ngành Dầu khí hiện vẫn tiềm ẩn những rủi ro, khó khăn.
Cụ thể, hiện các mỏ dầu, khí của Việt Nam đang ngày càng suy giảm về trữ lượng. Đây là rủi ro lớn, nếu công tác thăm dò dầu khí không được thực hiện tốt sẽ ảnh hưởng rất lớn đến toàn ngành Dầu khí nước ta trong tương lai không xa. Ngoài ra, PVN còn có nhiệm vụ trước mắt cần bảo đảm nguồn cung nhiên liệu cho các nhà máy nhiệt điện trong cao điểm mùa nắng nóng.
“Chúng tôi cần tiếp tục quản trị rủi ro chuỗi cung ứng của các nhà máy lọc hóa dầu trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị ở nhiều khu vực leo thang; kiểm soát rủi ro về tỷ giá”, Chủ tịch PVN Lê Mạnh Hùng nói về những việc mà ngành Dầu khí cần quan tâm trong thời gian tới.
Một nhiệm vụ quan trọng khác của ngành Dầu khí hiện nay là công tác đầu tư các dự án trọng điểm. Cụ thể, đơn vị này đang tập trung đầu tư, đặc biệt là các dự án lớn như chuỗi dự án điện khí Lô B - Ô Môn; Nâng cấp mở rộng nhà máy lọc dầu Dung Quất; các dự án ở khu vực dự kiến hình thành các trung tâm công nghiệp năng lượng như Cà Mau, Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Ngãi, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Hải Phòng; Thúc đẩy triển khai các dự án Nhà máy điện Ô Môn 3, Ô Môn 4.
Ngoài việc tập trung đầu tư các dự án quan trọng, Tập đoàn này còn đang tập trung xử lý các vấn đề khó khăn tại các dự án khác như Nhà máy điện Long Phú 1, Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và 4…