Lợi thế hàng nghìn sản phẩm OCOP
Hiện nay nhiều sản phẩm của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) đã được đầu tư theo hướng sản xuất hàng hóa, xây dựng thương hiệu sản phẩm gắn với những truyền thống văn hóa tập tục. Điều này làm nên sự hấp dẫn trong mắt người tiêu dùng hiện đại. Nhiều sản phẩm đã trở thành thế mạnh của của địa phương được tiêu thụ ở các kênh phân phối và xuất khẩu (XK) như vải thiều Lục Ngạn (đã XK đi rất nhiều quốc gia), mỳ chũ, chè shan tuyết Mộc Châu, cam Cao Phong, miến dong Bắc Kạn…
Một số thương hiệu đã có tiếng ở thị trường quốc tế như trà Shanam của Tà Xùa được tổ chức Tea Epicure của Hoa Kỳ xếp vào top 1 dòng trà xanh trên thế giới; Vinasamex là doanh nghiệp (DN) sản xuất và XK quế, hoa hồi của tỉnh Yên Bái tới các thị trường lớn như Mỹ, Úc, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc… miến dong của Hợp tác xã Tài Hoan (Bắc Kạn) đã vượt qua những tiêu chuẩn khắt khe nhất để đủ điều kiện XK sang châu Âu…
TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho rằng, hiện nay, đã có hàng nghìn sản phẩm OCOP đạt từ 3 - 5 sao. Việc này đặt ra vấn đề sẽ ưu tiên và tập trung vào sản phẩm nào hay quảng bá tất cả (tức là cứ ai làm sản phẩm là gắn với thương hiệu vùng miền, DN)?
“Nếu làm tất cả thì tất cả cùng có thể có lợi và phát triển bao trùm, đặc biệt đối với vùng đồng bào DTTS&MN, hỗ trợ cải thiện đời sống và xoá đói giảm nghèo. Nhưng nếu làm theo phương án đại trà này thì lại gặp khó khăn về nguồn lực và kết quả thì chưa chắc đã ổn nếu chúng ta muốn vươn ra ở những thị trường mạnh mẽ, khó tính hơn” - ông Thành chia sẻ.
Theo ông Thành, điểm mạnh của các sản phẩm vùng này là “có truyền thống, có lịch sử, có nét văn hóa rất đáng trân trọng, đáng khám phá”. Do đó, để xây dựng thương hiệu cũng không phải quá khó nếu gắn sản phẩm với tích truyện (những câu chuyện văn hóa), gắn với xu thế (câu chuyện xanh, lối sống, cách sống xanh, an toàn, nhân văn)…
Ông Lê Bá Ngọc - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ Việt Nam cũng khẳng định, Việt Nam đang sở hữu một kho tàng văn hoá - một kho tàng mà có lẽ ít quốc gia trên thế giới có được. Kho tàng này không chỉ dùng để phục vụ cho phát triển nghề thủ công mà còn dùng để phát triển, xây dựng thương hiệu vùng miền, thậm chí có thể xây dựng được thương hiệu quốc gia. Đó là kho tàng văn hoá nghề thủ công của cộng đồng DTTS&MN Việt Nam, là một ngôn ngữ của người dân tộc.
Thiếu bóng dáng doanh nghiệp tầm cỡ
Ông Lê Bá Ngọc cho rằng, với kho tàng văn hóa nghề thủ công, cần phải xây dựng được một ngân hàng dữ liệu, bao gồm cả online, offline, giống như Chính phủ Thái Lan đã trực tiếp chủ trì và xây dựng một trung tâm, một ngân hàng dữ liệu quốc gia về ngành nghề thủ công của Thái Lan.
“Ngân hàng dữ liệu này chính là niềm cảm hứng cho các nhà thiết kế để phát triển sản phẩm mới và cũng chính là câu chuyện marketing để khách hàng mua hàng thủ công của đồng bào DTTS&MN. Do đó, đây là điều mà chúng ta nên và cần làm sớm nhất có thể” - ông Ngọc nói.
Theo ông Võ Trí Thành, để có thể viết nên những câu chuyện, xây dựng được những thương hiệu cho sản phẩm vùng dân tộc thì những DN, đồng bào ở đấy chưa đủ nguồn lực, chưa đủ năng lực để làm, chưa nói đến việc quảng bá. Do đó, cần có rất DN tầm cỡ tham gia hoặc cộng hưởng lực lượng từ “nhiều nhà” tham gia. Trong đó, quan trọng nhất là những “nhà” tại bản địa. Ví dụ, trong câu chuyện sản xuất tiểu thủ công mỹ nghệ thì đó là những nghệ nhân, có thể bản thân họ chưa kể được ra câu chuyện thật sự hấp dẫn, nhưng chính cuộc đời họ và những hiểu biết của họ, cộng thêm sự hỗ trợ của các bên như các nhà văn hoá, những người làm truyền thông chất lượng sẽ tạo nên những câu chuyện rất hay.
“Sản phẩm của đồng bào DTTS&MN đã có những nền tảng vô cùng tốt và quý giá, nhưng vấn đề là làm sao để nâng họ lên. Sản phẩm của họ không chỉ là kết nối của những giá trị đem lại, cũng không hoàn toàn chỉ là sản phẩm kết nối với du lịch mà còn lớn hơn thế. Đó là sức sống của rất nhiều dân tộc Việt, của đất nước này. Vì thế, chúng ta nên nhìn giá trị đó, để hỗ trợ, để thực sự làm cho nó nổi bật” - ông Thành nói.
Đáng chú ý, ông Thành và ông Ngọc đều cho rằng, trong sự phát triển thương hiệu sản phẩm cho vùng đồng bào DTTS&MN đang thiếu bóng dáng của DN có đủ lực và tâm, tầm. Do đó, cần tăng cường công tác liên kết giữa các hộ sản xuất với các DN dù Việt Nam đã có nhiều chính sách, nhưng thực tế để đưa các chính sách vào thực tiễn cuộc sống thì còn dài, cần phải tăng cường sự liên kết và đơn giản hoá các thủ tục.