Xây dựng cầu vượt trong đô thị: Lộ rõ nhiều điểm bất cập

Cần tổ chức lại giao thông ở cầu vượt Láng Hạ - Lê Văn Lương, Hà Nội để tránh ùn tắc.
Cần tổ chức lại giao thông ở cầu vượt Láng Hạ - Lê Văn Lương, Hà Nội để tránh ùn tắc.
(PLO) - Ít năm gần đây, tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh… hàng loạt cầu vượt đã được đầu tư, xây dựng. Công năng và tác dụng giảm ùn tắc giao thông của những cây cầu này là không thể phủ định. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn tồn tại không ít cầu vượt chỉ có tác dụng nửa vời.

Cầu vượt thành “nút thắt cổ chai”

Gần đây, tại TP Hồ Chí Minh, hai nhánh cầu vượt dẫn vào sân bay Tân Sơn Nhất và cầu vượt nhánh Hoàng Minh Giám - Nguyễn Thái Sơn đã được đưa vào hoạt động. Hai nhánh cầu vượt này được kỳ vọng là giải pháp “cứu cánh” giúp thoát nỗi ám ảnh ùn tắc giao thông bấy lâu tại khu vực sân bay. Tuy nhiên, đến thời điểm này cầu vượt vẫn chưa phát huy nhiều tác dụng. 

Bàn về căn nguyên khiến cầu kém hiệu quả, nhiều ý kiến chỉ ra rằng, cầu chỉ giúp giảm ùn tắc trên đường vào sân bay, nhưng nó cũng gián tiếp khiến áp lực giao thông dồn về các tuyến đường phụ cận. Hệ lụy là phát sinh những điểm kẹt xe mới và tình trạng ùn ứ kéo dài hơn. Theo nhiều chuyên gia, trước mắt giải pháp hiệu quả để giảm ùn tắc giao thông trên hai nhánh cầu vượt là cần phải xây dựng thêm những nút giao thông hoàn chỉnh (cầu vượt, hầm chui) hoặc nút giao thông theo hình hoa thị.

Tại Hà Nội, để giảm ùn tắc giao thông nội đô, thành phố đã dành kinh phí không nhỏ để triển khai xây dựng hơn 20 cầu vượt cho người đi bộ và hàng loạt cầu vượt nhẹ để giảm ùn tắc giao thông tại các điểm ngã tư. 

Phải thừa nhận một thực tế rằng, sau khi các cây cầu vượt nhẹ được đưa vào sử dụng, ùn tắc tại một số tuyến phố nơi cầu bắc qua đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, thời gian gần đây những cây cầu vượt này đã bộc lộ một số khiếm khuyết cần được khắc phục. Nhược điểm dễ nhận thấy nhất tại các cây cầu vượt này là dù có tác dụng chống ùn tắc thật sự nhưng hiệu quả mang lại vẫn không được triệt để. Nói cách khác, những cầu vượt nhẹ chỉ giúp thông thoáng cho những tuyến đường có lối lên - xuống cầu, trong khi đó, hướng còn lại vẫn xảy ra ùn tắc. 

Cầu vượt bắc qua nút giao Lê Văn Lương - Láng Hạ là một ví dụ. Theo đó, tổ chức giao thông ở khu vực này khá bất cập, những giờ cao điểm chiếc cầu vượt trở thành “nút thắt cổ chai” đúng nghĩa. Theo tìm hiểu, nguyên nhân khiến cầu tắc bởi ngay tại vị trí bắt đầu cầu vượt, đường được chia thành hai hướng. Một là lên cầu để sang phố Láng Hạ và hướng song song bên dưới là đường qua ngã tư, có đèn xanh - đèn đỏ. Nhiều người ngại đèn xanh - đèn đỏ ở ngã tư nên đã chọn lối rẽ lên cầu, việc “thắt cổ chai” cũng xuất phát từ đây. Một số người thường xuyên đi qua khu vực trên cho rằng, để hạn chế ùn tắc cần tổ chức lại giao thông bằng cách tách lối đi lên cầu vượt sớm hơn so với hiện nay, tránh tình trạng rẽ đột ngột ngay đầu cầu vượt, đồng thời san sẻ dòng xe qua ngã tư bên dưới, thay vì dồn quá nhiều lên cầu vượt. 

Liên quan đến các cầu vượt bộ hành, hiện rất nhiều cầu tại các quận trung tâm của thành phố đang bị bỏ rơi, gây lãng phí lớn. Có mặt tại chân cầu vượt trước cổng Học viện Ngân hàng và Đại học Kinh tế Quốc dân, người viết ghi nhận rất nhiều sinh viên băng qua dải phân cách để sang đường, trong khi cây cầu vượt chỉ cách đó chưa tới 20m.

Tương tự, trên đường Tây Sơn, đoạn có 2 trường Đại học Công đoàn và Đại học Thủy Lợi dù đã có tận 2 cầu vượt được bố trí không quá xa nhau, thuận tiện cho người dân, đặc biệt là sinh viên di chuyển. Tuy nhiên, liên tục có người băng qua làn đường đông đúc dù đã có hàng rào chắn giữa hai bên đường. Đoạn gần Học viện An ninh cũng vậy, dù cầu vượt ngay cạnh nhưng người đi bộ vẫn không đi lên cầu, mà nghênh ngang dưới lòng đường trong khi các phương tiện lưu thông đông đúc...

Chấn chỉnh lại công tác quy hoạch

Thực tế, việc xây dựng các công trình cầu vượt tại đô thị thời gian qua đã góp phần nâng cấp, phát triển, hiện đại hóa hạ tầng đất nước. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều bất cập xung quanh việc thiết kế, xây dựng, quản lý cầu trong đô thị.

Hàng loạt công trình không phát huy được hiệu quả chủ yếu xuất phát từ việc thực hiện công tác quy hoạch, thiết kế, đầu tư, xây dựng công trình chưa được quan tâm thích đáng. Nghiêm trọng hơn, nó gián tiếp hình thành nên sự bất hợp lý về phân luồng giao thông. Liên quan đến vấn đề này, chia sẻ quan điểm trên báo chí, PGS.TS Nguyễn Quang Toản, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Đường bộ, Trường ĐH Giao thông Vận tải cho biết,  về công năng, cầu vượt trong đô thị ở TP HCM hay Hà Nội không có sự khác biệt, chỉ có khác biệt là tại những vị trí làm cầu vượt của TP HCM, khả năng thông qua của cầu vẫn chênh lệch với lượng xe qua lại quá nhiều.

“Có cầu vượt thì có thêm một diện tích đường không giao cắt cùng mức với dòng xe qua nút giao thông nhằm tạo thêm một vài dòng giao thông thuận lợi hơn, chứ không thể tăng vô hạn số xe thông qua cầu vượt” - PGS.TS Nguyễn Quang Toản nhấn mạnh.

Thiết nghĩ, từ vụ việc những cây cầu vượt không phát huy được hiệu quả như trong kế hoạch, thời gian tới các ban, ngành chức năng cần xem xét và chấn chỉnh lại công tác quy hoạch. Nói cách khác, việc xây dựng các cây cầu vượt nhẹ, cầu bộ hành cũng cần phải được tính toán kỹ lưỡng, tránh tình trạng hiệu quả chỉ đạt nửa vời như hiện tại. 

Đọc thêm

'Hình hài' siêu dự án Sân bay Long Thành dần lộ diện

'Hình hài' siêu dự án Sân bay Long Thành dần lộ diện
(PLVN) - Trên công trình xây dựng sân bay Long Thành (huyện Long Thành, Đồng Nai) hiện có gần 4.000 kỹ sư, công nhân trong nước và quốc tế, gần 2.000 máy móc, phương tiện, trang thiết bị thi công đang ngày đêm làm việc với mục tiêu cao nhất là đẩy nhanh tiến độ để hoàn hoàn thành trong năm 2025 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc mới đây.

Đề xuất hợp lý của Cục Cảnh sát giao thông

Ảnh minh họa
(PLVN) - Chạy xe trên đường, nếu xao nhãng chỉ 1 giây, là có thể tàn cả 1 đời. Nếu vượt đèn đỏ, hậu quả còn có thể nguy hại hơn, thảm khốc hơn. Thế nhưng mới đây, một camera giao thông tại Hà Nội ghi lại được cảnh 164 lượt phương tiện vượt đèn đỏ ở một ngã tư chỉ trong 2 phút. Đó là một thực tế vô cùng đáng báo động, không chỉ xảy ra ở Hà Nội, mà còn ở một số địa phương khác.